Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với những thủ đoạn đặc biệt tinh vi cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.


Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thu giữ xe đạp điện không có giấy tờ chứng minh chất lượng sản phẩm để lưu thông trên thị trường.

Để từng bước đẩy lùi hàng giả trên các sàn TMĐT, không chỉ sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mà còn cần sự chung tay của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hoạt động kinh doanh TMĐT những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô, thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia.

Chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày một lớn, không ít đối tượng đã tận dụng mọi kẽ hở để cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên internet, quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; đồng thời nhập lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường với quy mô ngày một lớn.

Với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phần lớn các đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng.

Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, đăng sản phẩm trên website nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời.

Bên cạnh đó, chiêu trò "treo đầu dê, bán thịt chó” cũng hết sức phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà khách hàng khó phát hiện.

Khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những lời mời chào mua hàng có thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, Chanel, Boss… nhưng chủ yếu đó là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi.

Hiện nay, không ít người tiêu dùng lo ngại khi mua bán trên sàn thương mại điện tử. Chị Huyền Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Người tiêu dùng rất khó nhận biết hàng thật, hàng giả và khó kiểm tra chất lượng khi mua hàng trên mạng, vì có lần chị đặt mua một lọ nước hoa nhãn hiệu Chanel với giá hơn 3,9 triệu đồng tại một cửa hàng trực tuyến, nhưng khi sử dụng mới phát hiện đây là nước hoa giả”.

Không riêng chị Trang mà nhiều người cũng đã từng gặp phải câu chuyện tương tự, do không nhận biết được sự khác biệt giữa hàng thật và hàng giả khi mua bán qua mạng.

Theo lãnh đạo Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT), trong thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội trở thành vấn đề rất nóng.

Số vụ vi phạm không ngừng tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online.

Đáng nói, hình thức livestream bán hàng "nở rộ”... khiến nhiều mặt hàng làm giả, nhái, nhập lậu còn được chào bán trực tiếp bởi những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng khiến lượt bán tăng cao, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng đặt lòng tin và bỏ tiền mà không biết mình sẽ nhận về những sản phẩm kém chất lượng.

Chỉ riêng năm 2023, lực lượng QLTT cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính hơn 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu hơn 5 tỷ đồng; điển hình như:

Tổng cục QLTT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), lực lượng công an địa phương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội tại Hà Nội, Gia Lai, thu giữ hàng nghìn sản phẩm trang sức mỹ ký thời trang được livestream bán trên mạng xã hội tại ba cửa hàng ở Lào Cai.

Kiểm tra chuỗi kinh doanh xe đạp điện của Công ty Hamachi, phát hiện hàng trăm xe vi phạm; chuyển cơ quan điều tra khởi tố hai bị can trong vụ buôn bán hàng giả là thực phẩm trên các nền tảng mạng xã hội tại Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả nêu trên vẫn chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm” bởi việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên nền tảng TMĐT gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website TMĐT là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì là hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Trên các trang website bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch, ngoài ra vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng internet nên dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm.

Cùng với đó, biên chế của lực lượng QLTT để thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực; điều kiện trang thiết bị, phương tiện, kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế nên phần nào đã ảnh hưởng đến kết quả thực thi công vụ.

Từ nay đến Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thị trường sôi động, tình trạng hàng giả, hàng nhái được dự báo tiếp tục phức tạp.

Để việc đấu tranh chống gian lận thương mại hiệu quả cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sớm hành vi buôn bán hàng giả, vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Các ngành chức năng cần rà soát các văn bản quy định về hành nghề thương mại thông qua các nền tảng số, để bổ sung hoặc thay mới các quy định nhằm quản lý lĩnh vực này được chặt chẽ, minh bạch; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...) mua, bán trực tuyến... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh nỗ lực của các sàn TMĐT, các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen, tỉnh táo hơn khi mua hàng trên mạng và cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn như yêu cầu trả hàng, tố cáo với đơn vị phân phối, cơ quan chức năng nếu mua phải các mặt hàng vi phạm chất lượng, góp phần bảo vệ doanh nghiệp chân chính và quyền lợi chính đáng của chính mình và cả cộng đồng.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Đảm bảo an toàn giao thông Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2024

Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ dễ xảy ra mất an toàn giao thông (ATGT). Trước thực tế đó, Sở GTVT đã chỉ đạo Bến xe khách trung tâm và các bến thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2024.

Cảnh báo tín dụng đen vay qua app hoành hành dịp cận Tết

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT), tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong tuần qua là: Tội phạm tín dụng đen hoành hành dịp cận Tết Nguyên đán; Lừa đảo quét camera nhận diện khuôn mặt trên phần mềm dịch vụ công giả; Giả mạo tài khoản facebook của Học viên cảnh sát nhân dân hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo; Lừa đảo đổi tiền ngoại tệ; Chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng của shipper…

Vận chuyển thuê 10 kg pháo, nam thanh niên lĩnh 9 tháng tù

Ngày 2/2, tại Nhà văn hóa huyện Kim Bôi, Tòa án nhân dân huyện mở phiên tòa hình sự sơ thẩm  theo thủ tục rút gọn xét xử đối với bị cáo Bùi Văn Hoàng (SN 1992), trú tại xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) về hành vi "Vận chuyển hàng cấm”.

Xã Quyết Chiến - điểm sáng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Quyết Chiến là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, cách trung tâm huyện 17 km. Toàn xã có 367 hộ, 1.740 khẩu, chia thành 5 xóm, tiếp giáp với các xã: Phú Cường, Phong Phú, Nhân Mỹ, Vân Sơn, Ngổ Luông và xã Thành Sơn (Mai Châu). Tình hình cơ bản ổn định, tai tệ nạn xã hội được kiềm chế, không phát sinh điểm nóng về an ninh, trật tự là nền tảng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quyết Chiến thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương.

Lực lượng Công an tỉnh giữ bình yên cho xứ Mường

Tính đến thời điểm này, sau hơn 1 tháng thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng Công an tỉnh đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, đấu tranh trấn áp tội phạm có hiệu quả. Qua đó góp phần quan trọng giữ bình yên cho xứ Mường trước thềm Xuân mới 2024.

Nâng cao hiệu quả thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng - kinh tế

Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế (TN-KT) được Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng và quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức THADS được củng cố, kiện toàn; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện làm việc; đề cao công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THADS thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về TN-KT, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật, thúc đẩy công cuộc cải cách tư pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục