Phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm vụ án dân sự phúc thẩm "tranh chấp hợp đồng ủy quyền” ngày 13/3/2024.
Ngày 13/3/2024, VKSND tỉnh phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm vụ án dân sự phúc thẩm "tranh chấp hợp đồng ủy quyền”, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, bị đơn là Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Tiến An. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy kháng cáo không nhất trí với toàn bộ bản án sơ thẩm. Đây là vụ án tranh chấp hợp đồng ủy quyền giữa cá nhân với Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Tiến An trong việc tranh chấp khi thu hồi quyền sử dụng đất đối với thửa đất tại tổ 3, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình. Vụ án có luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn.
Tại phiên tòa, KSV đã kiểm sát tốt toàn bộ diễn biến phiên tòa, tham gia xét hỏi các đương sự theo đề cương đã chuẩn bị chi tiết, đánh giá khách quan các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; thực hiện tranh luận với các đương sự và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, tuyên y án sơ thẩm như đề nghị trong bài phát biểu của KSV.
Thông qua phiên toà rút kinh nghiệm trực tuyến giúp KSV của VKSND hai cấp rút kinh nghiệm về trình độ, kỹ năng xét hỏi, kỹ năng phát biểu quan điểm và kỹ năng ứng xử tại phiên toà. Đây là một trong những hình thức trao đổi kinh nghiệm thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng KSV, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, HNGĐ, thời gian qua, VKSND hai cấp tỉnh chú trọng đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát bản án, quyết định của tòa án. Qua đó phát hiện bản án, quyết định có vi phạm, ban hành kiến nghị, kháng nghị đối với vi phạm, thiếu sót của tòa án nhằm đảm bảo các bản án, quyết định có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, pháp luật được thực hiện thống nhất.
Viện kiểm sát (VKS) thực hiện kiểm sát chặt chẽ công tác thụ lý giải quyết các vụ, việc dân sự, HNGĐ của tòa án, đảm bảo việc tiếp nhận, giải quyết các vụ, việc kịp thời, đúng pháp luật. VKSND hai cấp đã làm tốt 3 nội dung: chất lượng bài phát biểu của KSV; thực hiện quyền yêu cầu trong tố tụng dân sự của VKS; công tác kháng nghị phúc thẩm, đặc biệt là kháng nghị ngang cấp của VKSND cấp huyện.
Trong quý I/2024, VKSND hai cấp đã thụ lý kiểm sát việc giải quyết 991 vụ, 12 việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm, 23 vụ, 1 việc theo thủ tục phúc thẩm; 52 vụ kinh doanh thương mại, hành chính theo thủ tục sơ thẩm, 3 vụ theo thủ tục phúc thẩm; kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa đối với 104 việc. Phối hợp tổ chức 13 phiên tòa rút kinh nghiệm dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính; báo cáo án bằng sơ đồ tư duy 1 vụ; ban hành 1 kháng nghị phúc thẩm dân sự, 6 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, 9 kiến nghị yêu cầu tòa án khắc phục vi phạm, 8 yêu cầu tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, 3 thông báo rút kinh nghiệm.
Đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng 9 (VKSND tỉnh) cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính nói chung và án dân sự phúc thẩm nói riêng, trước hết phải nâng cao chất lượng bài phát biểu của KSV tại phiên tòa. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa VKSND tỉnh và huyện, giữa 2 ngành tòa án và kiểm sát cũng như với các cơ quan hữu quan trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự. Theo đó, VKS cấp sơ thẩm phải chuyển đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định của tòa án cùng cấp cho VKS cấp phúc thẩm để thực hiện kiểm sát bản án, quyết định theo quy định của pháp luật tố tụng. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, KSV trực tiếp làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, HNGĐ. Thời gian tới, Phòng 9 tiếp tục lựa chọn các vụ án có tính chất phức tạp, điển hình để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo tại chỗ cho các KSV trong đơn vị.
Đinh Thắng