Công an xã Tây Phong (Cao Phong) hướng dẫn công dân sử dụng ứng dụng VNeID trong phòng ngừa, đấu tranh với ma túy trên địa bàn.
Những năm trước, xã Tây Phong được xem là "điểm nóng" về ANTT, bởi các tệ nạn: trộm cắp, tranh chấp đất đai, khiếu kiện, tình trạng người say rượu, bia gây mất ANTT, đặc biệt là tệ nạn ma túy... ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Từ khi có lực lượng Công an chính quy về xã, tình hình ANTT trên địa bàn được đảm bảo, hạn chế thấp nhất vụ việc xảy ra. Theo thống kê, trên địa bàn xã có gần 40 đối tượng nghiện ma túy, Công an xã đã đưa 15 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Từ tháng 6/2023, xã triển khai thực hiện mô hình "Ứng dụng chuyển đổi số (VNeID) trong phòng ngừa, đấu tranh với ma túy trên địa bàn xã Tây Phong”. Mô hình ra mắt với mục đích quản lý đối tượng liên quan đến ma túy thông qua ứng dụng VNeID, phân công nhiệm vụ từ Ban chỉ đạo đến các tổ phòng, chống ma túy tại các xóm, khi đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả bước đầu. Công an xã đã tiếp nhận 34 tin phản ánh ANTT qua ứng dụng VNeID có giá trị phục vụ công tác phòng chống, đấu tranh với tội phạm về ma túy trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm, Đảng ủy Công an huyện Cao Phong đã chỉ đạo giải quyết những vấn đề "nóng” phát sinh từ cơ sở. Theo đó, các đội nghiệp vụ, công an các xã, thị trấn chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu lãnh đạo đơn vị các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ANTT phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn.
Thống kê năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 7 vụ trộm cắp tài sản, 5 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ cướp giật tài sản, 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an huyện phát hiện, bắt giữ 14 vụ, 15 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy; thu giữ 1,22g heroin, 1,27g ma túy tổng hợp; khởi tố 13 vụ, 14 đối tượng; đang điều tra, xử lý 1 vụ, 1 đối tượng.
Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được chú trọng, phong trào ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, Công an huyện Cao Phong đã xây dựng và duy trì hiệu quả 3 mô hình "Dân vận khéo”; 12 mô hình tự quản về ANTT; 15 mô hình "Tổ liên gia tự quản về phòng cháy chữa cháy” và 3 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng”.
Đặc biệt, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án đưa công an chính quy về xã, huyện Cao Phong đã bố trí 74 đồng chí công an chính quy về xã, thị trấn. Lực lượng Công an xã đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đảm bảo tốt tình hình ANTT trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thượng tá Lã Thanh Nghiêm, Phó trưởng Công an huyện Cao Phong cho biết: Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục chủ động tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng như Huyện ủy, UBND huyện để có những biện pháp, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tới các đội nghiệp vụ và công an các xã, thị trấn; thường xuyên rà soát những vấn đề nổi cộm, bức xúc nhằm có phương án giải quyết kịp thời. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý đối tượng, tuần tra vũ trang ban đêm; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xây dựng, kiện toàn lực lượng công an toàn huyện đảm bảo chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Công an.
Đinh Thắng