Chiều 28/8, tiếp tục chương trình làm việc tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 79 điều (sửa đổi, bổ sung 69 điều), trong đó 63 điều về nội dung, 06 điều về kỹ thuật; giữ nguyên 09 điều; bổ sung 01 điều 36a.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên quy định tại Điều 36a, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết đây là quy định mới được bổ sung sau khi tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, đây không phải là nội dung quy định mới, bởi nội dung này đã được quy định trong Luật Công chứng 2014.
Theo đại biểu, số tiền để mua bảo hiểm hằng năm không hề nhỏ, mỗi công chứng viên mua bảo hiểm thấp nhất 3 triệu đồng/năm. Song thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bảo hiểm chi trả bồi thường thiệt hại và các công ty bảo hiểm không có loại hình bảo hiểm phù hợp với hoạt động công chứng.
Do đó, đại biểu đề nghị, cần đánh giá hiệu quả của việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Nếu duy trì quy định mua bảo hiểm, đề nghị giao Chính phủ ban hành bộ mẫu quy tắc về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, xác định rõ loại hình bảo hiểm, phạm vi, trường hợp được và không được bồi thường, thủ tục phối hợp khi có sự việc xảy ra, mẫu hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và mẫu quy tắc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên.
Liên quan đến mô hình văn phòng công chứng, đại biểu đề nghị nên sửa đổi quy định trên theo hướng cho phép văn phòng công chứng được tổ chức theo 02 loại mô hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Làm rõ lý do lựa chọn phương án này, đại biểu Ngọc cho rằng: Thứ nhất, theo quy định tại Điều 177, 188 của Luật Doanh nghiệp, cả hai loại hình doanh nghiệp tuy có sự khác nhau về số lượng thành viên làm chủ doanh nghiệp nhưng có sự giống nhau là chủ doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Như vậy, về mặt mô hình cả 2 loại hình doanh nghiệp này đều có thể tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng bởi chế độ trách nhiệm vô hạn.
Hai là, tương tự như các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, đấu giá, hoạt động công chứng cũng là một hoạt động mang tính chất bổ trợ tư pháp. Theo quy định hiện hành, các loại nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, tư vấn pháp luật, đấu giá đều được cho phép tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm đa dạng hóa loại hình tổ chức, thúc đẩy xã hội hóa các ngành nghề bổ trợ này. Do đó, đề nghị ban soạn thảo xem xét cho phép văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân.
Ba là, từ thực tế tại tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh có 15 công chứng viên, hành nghề tại 08 tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, 8/15 công chứng viên đã được bổ nhiệm chủ yếu được miễn đào tạo, tuổi trung bình 60-75. Các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu tập chung ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, số lượng giao dịch nhiều, trong khi các địa bàn tuyến huyện hầu hết chưa có tổ chức hành nghề công chứng (7/10 huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng). Việc quy định độ tuổi đối với công chứng viên không quá 70 tuổi như trong dự thảo và văn phòng công chứng được tổ chức, hoạt động theo loại hình công ty hợp danh sẽ có thể gây khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng tại các địa phương trong tỉnh.
Bốn là, việc quy định cho phép văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động đã giải quyết những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một công chứng viên duy nhất.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, việc thực hiện song song cả công chứng, chứng thực tại Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, cấp xã và tổ chức hành nghề công chứng để người dân lựa chọn như hiện nay là phù hợp thực tiễn. Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 72 của dự thảo Luật sẽ khó triển khai thực hiện trên thực tế.
Thống nhất với các quy định về công chứng điện tử, đại biểu khẳng định quy định như trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu về hoạt động công chứng trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi số. Tuy nhiên, cần rà soát và có hướng dẫn chi tiết, chặt chẽ, thận trọng. Dự thảo nên quy định theo hướng chỉ thực hiện công chứng điện tử đối với các giao dịch đơn giản, không áp dụng với các giao dịch bất động sản và thừa kế.
* Thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Đặng Bích Ngọc đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong quá trình tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự án Luật.
Tham gia góp ý đối với dự thảo Luật này, liên quan đến trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản quy định tại Điều 15, đại biểu thống nhất cao với phương án 2, theo đó giữ nguyên quy định giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản như luật hiện hành.
Làm rõ về sự cần thiết trong việc quy định các trường hợp phải điều chỉnh và không phải điều chỉnh quy hoạch để khắc phục những bất cập hiện nay về quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương, đại biểu Ngọc cho biết: Theo Luật Quy hoạch 2017, việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản sẽ chỉ được thực hiện 5 năm một lần, trong khi đó lĩnh vực khoáng sản có những điểm đặc thù riêng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu rộng, liên quan đến nhiều quy hoạch khác của trung ương và địa phương nên cần có điều chỉnh, cập nhật, bổ sung thường xuyên để đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy hoạch. Đồng thời, quy định các trường hợp không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất và khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh sẽ giúp cho việc bổ sung kịp thời các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào phương án quản lý về địa chất và khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh tại địa phương để phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia.
Tán thành với việc bổ sung quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cá nhân, cộng đồng dân cư nơi có khoáng sản khai thác quy định trong dự thảo Luật, đại biểu nhấn mạnh quy định này góp phần tăng cường sự tham gia giám sát của Nhân dân đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, so với Điều 5 Luật hiện hành, dự thảo Luật không quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập kết quả thực hiện trách nhiệm của các tổ chức khai thác khoáng sản. Hiện nay, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản trong bảo vệ môi trường (Điều 62). Do đó, đề nghị bổ sung quy định mức tối thiểu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hằng năm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản với địa phương nơi thực hiện khai thác.
Bùi Hiển (Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)
Thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Đây không chỉ là mong muốn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) lực lượng vũ trang (LLVT) mà cũng là mong muốn của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bất động sản
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Lào cam kết kiên quyết xử lý triệt để vấn nạn lừa đảo qua mạng tại Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở tỉnh Bokeo (Bắc Lào).
Ra đời trong bối cảnh nước nhà vừa giành độc lập, Ty Liêm phóng (tiền thân của Công an tỉnh) được thành lập ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Thực hiện Sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp nhất các Sở Cảnh sát với các Ty Liêm phóng, tháng 3/1946, Uỷ ban hành chính tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định hợp nhất Ty Liêm phóng và Đội Cảnh sát trật tự thành Công an tỉnh Hòa Bình.
Sau gần một tháng xét xử và nghị án, ngày 23/8, Hội đồng xét xử Phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm, chi cục đăng kiểm địa phương tiến hành tuyên án.
Lãnh đạo phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Địa phương đã kiến nghị lên cấp trên để được bàn giao dự án nhà văn hoá này, nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp nhận".