Một lò khai thác than trái phép trên địa bàn xã Tinh Nhuệ.

Một lò khai thác than trái phép trên địa bàn xã Tinh Nhuệ.

Các chủ lò khai thác than trái phép đào bới bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, điều kiện canh tác nông nghiệp của người dân. Ðã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, nhưng vì lợi nhuận, nhiều người dân đã bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống vì những thùng than không phép. Ðó là những gì chúng tôi thấy được khi về xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thái Vũ cho biết, thời gian gần đây, tình trạng khai thác than trái phép ở Tinh Nhuệ đã giảm nhiều.


Từ giữa năm 2009 trở về trước, có thời điểm hàng trăm lò khai thác than trái phép hoạt động nên xã không thể quản lý được. Người dân đổ xô đi khai thác than, trên các triền núi chỗ nào cũng thấy đào bới nham nhở. Ngoài bờ sông, than chất cao như núi. Nhưng bây giờ thì giảm hẳn, một phần do khâu quản lý được siết chặt, một phần vì trữ lượng than ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn một số người dân bất chấp nguy hiểm để khai thác than. Tất cả cũng vì miếng cơm, manh áo.


Theo đề nghị của chúng tôi, xã cử hai cán bộ xã đi cùng để "mục sở thị" một số hầm than. Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là địa phận xóm Mái, một xóm mà nhiều năm trước tình trạng khai thác than đã trở nên khá phổ biến. Từ UBND xã, chạy xe khoảng 10 phút là tới được mỏ than. Trên đồi, dưới ruộng, chung quanh hầm than là một mầu đen. Nguyên nhân do người dân đào bới khai thác nhiều năm nên đất đá đều chuyển dần sang mầu đen. Không khó để chúng tôi nhận ra hầm than đang khai thác. Nằm cheo veo giữa triền núi xen lẫn những vạt rừng là một hố sâu hun hút. Miệng lò rộng khoảng 1,2 m, có độ sâu khoảng 20 m, phía dưới mầu than đen trộn với đất ướt tạo cảm giác trơn trượt. Tuy có ánh sáng điện nhưng cũng không thể nhìn thấy đáy, bởi các lò được đào xiên vào triền núi để tìm vỉa than. Chúng tôi quan sát chung quanh nhưng không thấy người mặc dù điện vẫn sáng, các thiết bị khai thác, lán trại vẫn đang ở tư thế sẵn sàng. Người dân cho biết, giờ này chủ lò chưa đi làm, khoảng 10 giờ sáng sau khi ăn cơm xong họ mới xuống hầm khai thác than đến tối mới về.


Rời khỏi xóm Mái, chúng tôi tiếp tục đến hầm khai thác than ở xóm Giáo. Ðể tìm được nơi người dân khai thác than ở đây rất khó vì lò khai thác than nằm giữa một ngọn núi. Mặc dù các hầm lò nằm ở trên cao nhưng vẫn có cả một con đường để đi lên. Ðây là con đường mà những năm trước các chủ lò khai phá để vận chuyển than. Hai bên đường xuất hiện rất nhiều hố sâu nham nhở do các chủ lò khai thác từ những năm trước nhưng không được chôn lấp cẩn thận. Lò than này khá lớn, than được khai thác lên chất thành đống to. Hầm than cũng được làm quy mô, miệng hố rộng, chung quanh được gia cố bằng rất nhiều thân cây. Ðộ sâu của lò này khoảng 30 m. Chủ lò còn ròng một đường điện dài hơn 1.000 m và làm cả lán trại kiên cố để ăn, ở tại đây. Khi chúng tôi đến cũng không gặp được chủ lò, nhưng trên lán vẫn treo cả rau và thịt để chuẩn bị nấu ăn. Hỏi tên chủ lò, hai cán bộ xã đi cùng cũng không biết là của ai, chỉ mang máng tên nhưng không chắc chắn. Ðem việc này trao đổi với ông Ðỗ Văn Thịnh, trưởng khu hành chính xóm Giáo, ông cho biết chắc chắn không phải người ở xã Tinh Nhuệ. Ông cũng khẳng định lò than này không nằm trên địa bàn xã Tinh Nhuệ mà nằm giáp ranh với xã Lương Nha (cũng thuộc Thanh Sơn).


Mỏ than nâu tại xã Tinh Nhuệ là mỏ than nhỏ, năm 1968, đoàn địa chất 303 thuộc Liên đoàn địa chất Tây Bắc thăm dò và đánh giá có trữ lượng cấp C1, C2 khoảng 47.300 tấn. Do không đạt trữ lượng để khai thác quy mô công nghiệp nên từ đó đến nay, Nhà nước không giao cho tổ chức doanh nghiệp nào khai thác ở khu vực này. Vào những năm 1980, huyện Thanh Sơn đã thành lập Xí nghiệp khai thác than để khai thác phục vụ nhu cầu của địa phương. Tuy nhiên, đi vào khai thác được khoảng ba năm thì xí nghiệp cũng tự giải thể. Từ đó đến nay, do lợi nhuận trước mắt, người dân địa phương đã tự ý đào những đường lò, đường hầm sâu trong lòng đất tìm các vỉa than để khai thác bán cho các đầu nậu. Các hầm lò được đào bới tự phát nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, điều kiện canh tác nông nghiệp của người dân. Bên cạnh việc gây tác hại xấu đến môi trường, thì an toàn tính mạng của người khai thác than rất đáng báo động. Với kỹ thuật thô sơ, luồn sâu trong lòng đất thì việc sập lò, ngạt khí đã từng xảy ra. Năm 2009 có hai người chết, những năm trước đều có người gặp nạn. Thậm chí, những lò đã ngừng khai thác, các chủ lò không san lấp trả lại mặt bằng, gây nguy hiểm cho người và gia súc.


Việc quản lý và xử lý khai thác than trái phép ở Tinh Nhuệ, các ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Tháng 2-2007, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kiểm tra tình trạng khai thác than trái phép trên địa bàn xã và cho rằng, tại thời điểm đoàn thanh tra đến làm việc và đi kiểm tra thực địa không còn lò nào hoạt động. Tháng 5-2009, Phòng cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Phú Thọ) đã kiểm tra đột xuất và thu giữ khoảng 100 tấn than khai thác trái phép tại địa bàn này và tiến hành xử phạt, thu giữ phương tiện, máy móc của năm chủ lò. Gần nhất, tháng 6-2009, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục kiểm tra và ghi nhận: Việc khai thác than từ trước đến nay diễn ra không thường xuyên, nhưng khó chấm dứt triệt để. Tại biên bản kiểm tra hiện trạng (lập ngày 2-6-2009), Sở cũng đề nghị UBND xã tổ chức kiểm tra, xử lý thường xuyên hơn, quyết liệt hơn nhằm chấm dứt tình trạng khai thác trái phép tại địa bàn.


Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tinh Nhuệ Nguyễn Thái Vũ, từ năm 2005 đến nay, năm nào xã cũng có chỉ thị về việc cấm khai thác than trái phép, không cấp điện cho các chủ lò khai thác. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng ở địa phương chưa quyết liệt nên tình trạng khai thác than trái phép chưa được giải quyết triệt để. Hiện nay, xã chưa thống kê được trên địa bàn còn bao nhiêu lò khai thác than trái phép đang hoạt động. Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn Nguyễn Khắc Văn cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ có nhiều biện pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác than trái phép, nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên và tính mạng cho người dân xã Tinh Nhuệ. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng khai thác than trái phép ở đây, ngoài tỉnh và huyện thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền xã".


                                                                               Theo ND

Các tin khác


Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Lạc Sơn giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 17/5, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện giai đoạn 2019 - 2024.

Tham ô gần 3 tỷ đồng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lĩnh 15 năm tù

Sau 3 ngày nghị án, sáng 17/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh bước vào phần tuyên án bị cáo Nguyễn Tiến Kính (SN 1964), trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về hành vi "tham ô tài sản”.

Công an huyện Kim Bôi xử phạt người bình luận trên Facebook nội dung kích động bạo lực

Công an huyện Kim Bôi cho biết, ngày 14/5 đã làm việc với B. V. B, trú tại xã Mỵ Hoà (Kim Bôi) liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook. Trước đó, ngày 3/5, B. V. B đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận tại Trang "Hoà Bình Đa Chiều" với nội dung kích động bạo lực.

Đoàn luật sư tỉnh: Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện và giám sát xã hội, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở vùng sâu, xa tại các phiên tòa... Từ những hoạt động tích cực, hiệu quả đó, những năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trở thành cầu nối đưa pháp luật đến với người dân.

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Lĩnh 19 năm tù vì giết vợ để níu giữ tình yêu

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn Nhuận (SN 1985), trú tại xã Miền Đồi (Lạc Sơn) về tội "giết người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục