Cái chết của ông Lê Hùng Cường do phụ xe xe 30P-8539 Nguyễn Thanh Nghĩa gián tiếp gây ra tại Nghệ An ngày 1-3-2010 chỉ là một trong vô số minh chứng bức xúc của vấn nạn nhà xe hành xử kiểu côn đồ.
Vụ việc không còn diễn ra nhỏ lẻ hay giới hạn trong phạm vi địa phương nào và theo chúng tôi, thay cho việc chỉ xử lý người trực tiếp gây án (lái xe, lơ xe) như lâu nay, đã đến lúc phải xác định rõ trách nhiệm chủ xe ngay từ quá trình tuyển mộ, thuê theo hợp đồng...
Mã tấu, mác nhọn được phụ xe mang theo. |
Ai tuyển mộ phụ xe côn đồ?
Việc hành xử kiểu côn đồ thường xuất phát từ mâu thuẫn trong thanh toán tiền cước, chỗ ngồi, đi không đúng lộ trình. Trong đó, phần lớn các vụ việc, nguyên nhân đều xuất phát từ hành vi phạm pháp của nhà xe khiến hành khách bức xúc, phản ứng. Tình trạng xảy ra phổ biến nhưng chỉ khi những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng (chết người, trọng thương), cơ quan chức năng mới vào cuộc và dấy lên tâm lý bức xúc trong dư luận.
Qua rà soát các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng gần đây cho thấy, các vụ việc chủ yếu xảy ra đối với xe khách tư nhân, rất ít vụ việc liên quan các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Những đối tượng gây án bao gồm: lơ xe (một hoặc nhiều người), lái xe, một số trường hợp có cả sự tham gia của chủ xe (đi cùng) và người thân của nhà xe.
Tuy nhiên, hành xử kiểu côn đồ, manh động nhất chính là lơ xe. Thường những đối tượng này giữ vai trò chính trong dẫn dắt, lôi kéo khách, bốc chuyển hàng hóa. Khi gây án, giữa đối tượng trực tiếp gây án với lái xe có sự "phối hợp" rất bài bản như: đóng kín cửa xe, yêu cầu lái xe tăng tốc nhằm ngăn chặn sự bỏ chạy của khách; yêu cầu xe chạy đến chỗ vắng để hành hung rồi đẩy xuống đường; một số vụ chính lái xe tham gia gây án như trao gậy, gỗ hoặc dừng xe tấn công...
Việc hành xử nói trên thể hiện rõ tính côn đồ, hung hãn. Thế nhưng, các vụ việc thường bị lãng quên, nói cách khác là khách bấm bụng chịu đau. Chỉ những vụ gây hậu quả chết người hoặc khách bị trọng thương, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Như vậy, việc xử lý các vụ nhà xe tấn công khách, hiện chỉ căn cứ vào hậu quả.
Trong vụ phụ xe xe BKS 30P-8539 gây nên cái chết đối với ông Cường, CQĐT khởi tố vụ án "vô ý làm chết người" và khởi tố bị can đối với lơ xe là Nguyễn Thanh Nghĩa. Trong vụ án này, vấn đề có tính mấu chốt xung quanh cái chết của ông Cường, đó là: nạn nhân ngã xuống đường khi xe đang chạy do nguyên nhân nào? Nếu nạn nhân ngã do lơ xe đánh đập, đạp, đẩy xuống trong lúc xe đang chạy nhanh thì tính chất vụ án không còn "vô ý".
Phải xác định trách nhiệm chủ xe
Tất cả các hành vi phạm pháp này lâu nay chỉ người trực tiếp gây ra chịu trách nhiệm, trong khi chủ xe là người tuyển mộ lái xe, phụ xe lại chỉ có thể liên đới phần bồi thường thiệt hại dân sự (nếu có). Sự lỏng lẻo về trách nhiệm pháp lý giữa chủ sở hữu, quản lý và người thực hiện hành vi là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới hàng loạt vi phạm liên quan xe khách…
Điều này thể hiện ở chỗ:
Chủ xe chịu trách nhiệm tuyển lựa, thỏa thuận hợp đồng bằng văn bản hoặc miệng với lái xe, lơ xe. Yêu cầu khắt khe của lái xe khách, nhất là loại xe khách chạy đường dài, tải trọng lớn phải đảm bảo tiêu chuẩn về độ tuổi, sức khỏe, chứng chỉ, kinh nghiệm.
Thế nhưng do nhu cầu kinh doanh và lợi nhuận, nhiều chủ xe tìm cách lách các quy định để thuê lái xe sao cho rẻ, không mất nhiều phí, bất kể đạo đức, chuyên môn của lái xe ra sao. Và khi đạo đức, chuyên môn lái xe không có, tính mạng của hành khách trên xe lấy gì đảm bảo? Trong vấn đề này, chủ xe phải là người chịu trách nhiệm chính nếu thuê lái xe không đủ tiêu chuẩn, điều kiện...
Đối với lơ xe, chủ xe cũng là người thuê. Lâu nay có tiền lệ, chủ xe thuê lơ xe là người không chỉ khoẻ, dai sức. Dường như cách thuê này bao hàm lơ xe cũng là vệ sỹ nhằm chống đỡ những bất trắc khi đi đường dài? Chính vì tính côn đồ đã là cố hữu (có lơ xe dính mấy tiền án, tiền sự tội cố ý gây thương tích) nên việc nảy sinh mâu thuẫn với khách, hành hung khách là điều không ngoài dự đoán.
Điều này lý giải vì sao nhiều xe khách đường dài, dưới cốp hoặc dưới ghế có cả dao, mã tấu, những gậy sắt nhọn rất nguy hiểm. Giải thích là để phòng vệ, nghe có vẻ hợp lý. Nhưng thử hỏi, có mấy vụ họ dùng vũ khí đó để chống cướp, trong khi đây chính là hung khí để xe này thanh toán kiểu xã hội đen với xe kia hoặc nhằm hành hung ngay khách đi trên xe.
Khi vụ án xảy ra, chủ xe có thể có mặt trên xe hoặc không. Nhưng bất luận trường hợp nào, xe khách của chủ xe phải gắn trách nhiệm trực tiếp với họ, nếu để lơ xe đánh khách, hành hung thì chủ xe phải chịu trách nhiệm. Quy rõ trách nhiệm này còn để nâng cao sự ràng buộc với chủ xe và buộc lơ xe phải có ý thức, nếu vi phạm trước hết bị chủ xe sa thải.
Việc chủ xe tuyển mộ lơ xe là những đối tượng côn đồ, từng có tiền án, tiền sự về hành vi này hoặc bị xử lý hành chính cho thấy dụng ý rất rõ của chủ xe. Trong vấn đề này, cơ quan chức năng, cụ thể là chính quyền địa phương cũng khó kiểm soát bởi xe lưu thông hằng ngày, mà cũng chưa có quy định nào quy định việc tuyển mộ lơ xe ra sao. Sử dụng những đối tượng này, khi đi đường có vấn đề gì, lập tức những kẻ côn đồ dưới áo lơ xe ra tay hành hung, tra tấn hành khách.
Một hành khách bị lơ xe hành hung.
Khi Luật Giao thông đường bộ 2009 có hiệu lực thi hành, quy định người đủ 27 tuổi trở lên mới được lái xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi. Quy định không thiếu, nhưng nếu không áp buộc trách nhiệm chủ xe thì tất cả chỉ xử lý phần ngọn. Khi lái xe gây án, cơ quan chức năng bắt lái xe, điều tra và tuyên án. Lái xe phải chịu tội, còn chủ xe vẫn bình an, sau đó có thể lại thuê lái xe khác, và cứ như vậy, họ vẫn kinh doanh bình thường mà không bị pháp luật sờ gáy.
Cơ quan chức năng dù có tăng cường kiểm tra đến đâu cũng không thể kiểm soát hết được hằng ngày có bao nhiêu lái xe khách không đủ điều kiện vẫn lái xe chở hàng chục khách chạy trên đường. Hậu quả có xảy ra, thì chỉ duy tài xế bị xử, làm sao gánh được thiệt hại ghê gớm về người mà chính tài xế này đã gây ra?
Còn phụ xe, như đã nói, hiện không có quy định nào ràng buộc cả. Đã đến lúc cơ quan chức năng phải có quy định rõ, kèm theo đó là xác định trách nhiệm cả về hình sự lẫn hành chính đối với chủ xe cố tình không chấp hành
Tổng cục Du lịch vừa khuyến cáo các hãng lữ hành không tổ chức tour cho khách Việt Nam vào sòng bạc nước ngoài.
Một trong các vấn đề được UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo làm rõ là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ thẩm định, nghiệm thu an toàn cháy nổ đối với công trình chung cư 34 - Lê Văn Lương, cụ thể là tổ chức, cá nhân thẩm định an toàn cháy nổ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC, Công an TP Hà Nội.
(HBĐT) - Trong tháng 2 và đầu tuần tháng 3/2010, LLCSGT tỉnh đã lập biên bản xử lý 4.045 trường hộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó có 1.017 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Tạm giữ 482 xe mô tô và 8 xe ô tô. Phạt tiền trên 600 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.
TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Văn phòng Đào tạo lao động xuất khẩu Hantech (Hà Nội) do Phạm Xuân Hùng, 31 tuổi, trú tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, giữ vai trò phụ trách, Hùng bị tuyên án phạt 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
21h25' ngày 12/3, Trạm Biên phòng cửa khẩu Lào Cai đã bắt Chu Văn Doanh, 17 tuổi, trú tại xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) khi đang vận chuyển trái phép 4kg vàng qua biên giới vào Việt Nam.
Ngày 13/3, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết các vụ lừa đảo trên Internet trong năm 2009 đã tăng lên gấp đôi và làm thiệt hại khoảng 560 triệu USD.