Tình trạng nghiện trò trơi điện tử đang lan nhanh trong một bộ phận giới trẻ tỉnh ta.

Tình trạng nghiện trò trơi điện tử đang lan nhanh trong một bộ phận giới trẻ tỉnh ta.

(HBĐT) - Tháng 5, trong khi đại đa số các cô cậu tú đang chăm chỉ miệt mài bên trang sách mùa thi thì những quán internet vẫn chật kín đội quân áo trắng mải mê “xây thành đắp luỹ”, đốt thời gian với các diễn đàn vô bổ trên mạng. Bỏ lại sau lưng thế giới thật có gia đình và mái trường, một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ tỉnh ta đang đắm chìm trong thế giới ảo với những hậu hoạ thật khôn lường.

 

Báo động tình trạng “nghiện” trò chơi điện tử trong học sinh tỉnh ta

 

Ngay từ khi xuất hiện, trò chơi điện tử đã trở thành một thú vui tiêu khiển giết thời gian hấp dẫn. Cùng với sự phát triển tốc độ của trò chơi điện tử đã làm nhiều người phải kinh ngạc, thì kéo theo đó là những tác hại khôn lường của nó khiến các bậc phụ huynh rất cần phải quan tâm.

 

Dạo một vòng quanh các quán internet trên địa bàn thành phố Hoà Bình, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng nhận ra rằng không kể sáng, trưa, chiều, tối, giờ học hay giờ nghỉ, ngày đi học hay ngày nghỉ thì lúc nào các quán internet cũng chật kín bóng áo trắng đồng phục học sinh. Xe đạp luôn xếp thành hàng dài, quây kín cổng quán. Và có lẽ vì thế mà các quán internet xung quanh khu vực cổng trường cứ liên tục mọc lên, nâng cao cấu hình và cập nhật trò chơi mới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, lan rộng của “thượng đế nhí”.

 

Thiếu ánh sáng là cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi bước chân vào quán internet hiện nay vì đa số các quán sau khi đã đón đủ khách (hết máy) sẽ kéo kín cửa hoặc buông rèm để tế nhị “bảo vệ sự bí mật” cho  game thủ. Quan sát ở nhiều quán chúng tôi thấy, có đến khoảng 95%, thậm chí có quán 100% các máy tính đang hoạt động đều là trò chơi điện tử. Trong ánh sáng lờ mờ ấy, chỉ có tiếng chém giết, tiếng nhạc ầm ĩ… và những khuôn mặt học sinh trẻ măng đang đắm chìm trong thế giới ảo. Chiếc cặp sách được để dưới gậm bàn hoặc vứt chỏng chơ ngay dưới chân. Trong trang phục học sinh, có cặp sách mang theo, vậy tại sao giờ này các em lại ở đây? Trả lời cho thắc mắc của tôi, em Nguyễn Hải Anh, học sinh trường L.L.Q vô tư nói: “Có hôm em trốn học, hôm nay thì nói dối mẹ là đi học thêm”. Có lẽ đó cũng là “bài” chung của tất cả những game thủ trẻ tuổi đang có mặt tại đây!

 

Kiên nhẫn và quyết tâm, tôi chăm chú theo dõi một trận chiến của cậu bé mặc áo đồng phục trường N.D để tự mình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao tình trạng nghiện trò chơi điện tử trong học sinh tại tỉnh ta lại lan rộng với tốc độ đáng ngại như hiện nay?. Hình ảnh đồ hoạ sinh động, bắt mắt, mới lạ, hợp với tính cách giới trẻ là điều mà các trò chơi điện tử đã làm được. Mỗi trò chơi game thủ như được sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Ở đó có đầy đủ gia đình, bạn bè, người yêu, có các thử thách và phần thưởng liên tục xuất hiện là “mồi nhử” để game thủ tiến sâu hơn. Càng chơi, các game thủ càng thích thú hơn, càng tò mò hơn, và càng thõa mãn tính hiếu thắng khi chơi thắng một trò chơi nào đó, rất phù hợp với tâm lí tuổi mới lớn, ưa khám phá, thích thú trước những điều mới lạ.

 

Cởi mở chia sẻ cùng chúng tôi, anh Nguyễn Thanh T - chủ một cửa hàng internet trên đường Thịnh Lang và cũng là game thủ được gắn “sao” cho biết: “Có những trò chơi điện tử gây nghiện bao gồm những trò liên quan đến đánh nhau, kích thích người chơi phải giành được chiến thắng. Những trò khác có sự cạnh tranh, tạo ra sự ganh đua giữa người chơi với người khác. Một số trò liên quan đến sự thông thái tạo cho người chơi cảm giác có nhiều quyền lực giống như vua trong một vương quốc ảo. Những trò chơi khám phá, người chơi mong muốn khám phá ra những nơi mới và những điều bí mật, những trò chơi cần đạt được điểm cao và đặc biệt là những trò mà người chơi phải tham gia vào những nhân vật cần phải chơi đến khi kết thúc để xem kết cục của câu chuyện như thế nào?. Thế nên, nếu đã chơi vào thì sẽ rất khó dứt ra được”. Ngoài ra, một số trò chơi có phần tích luỹ điểm, điểm thưởng và yêu cầu người chơi phải cập nhập, tham gia chơi hàng ngày, nếu bỏ cách một vài ngày không chơi thì sẽ bị trừ điểm trong tổng số điểm đã được tích luỹ. Vậy nên các “con nghiện game” đều phải cố gắng truy cập để chơi hàng ngày nếu không muốn bị rớt hạng, tụt điểm.

 

Vì sự hấp dẫn, cuốn hút “chết người” ấy mà trò chơi điện tử đã trở thành một mối lo ngại rất đáng được xã hội và mỗi gia đình quan tâm. Hiện nay, tình trạng nghiện trò chơi điện tử không chỉ diễn ra ở giới trẻ khu vực thành phố Hoà Bình mà đã lan rộng đến khắp các huyện trên địa bàn tỉnh ta.

 

Thế giới “ảo” - hậu quả “thật”.

 

Có thể thấy, hầu hết các trò chơi điện tử hiện nay đều đã mất đi chức năng vốn có của nó là giải trí, thay vào đó là sự cạnh tranh, dễ gây nghiện. Việc chơi game gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với người chơi, đặc biệt ở lứa tuổi đi học. Các em dành nhiều thời gian vào việc chơi, không chú ý đến học tập, dùng tiền để chi tiêu vào việc chơi game thay vì mua sách vở, đóng tiền học, thậm chí lấy cắp tiền của bố mẹ để đi chơi game. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta còn phổ biến hiện tượng các game thủ ăn mặc để tóc giống các nhân vật trong trò chơi. Thực tế cho thấy, trò chơi điện tử đã tạo ra một sức hút ghê gớm làm cho người chơi trở nên nghiện nó, không thể từ bỏ được và gây ra những tác hại như: căng thẳng, cận thị, một số bệnh về xương (như đau cột sống), phản ứng chậm, lười vận động khiến sức khỏe suy giảm. Đặc biệt, đối với những người chơi điện tử nhiều, liên tục sẽ bị suy kiệt sức khỏe, mất ngủ, các bệnh về tim và não, rối loạn chức năng sinh lý; nặng hơn có thể gây đột quỵ, rối loạn tâm thần, dẫn đến tử vong. Chơi trò chơi điện tử mang những hình ảnh bạo lực hoặc không phù hợp với lứa tuổi sẽ làm cảm xúc của con người bị tê liệt, và sau khi không còn cảm xúc về bạo lực nữa. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng “bùng nổ” bạo lực học đường hiện nay.

 

Cùng với nghiện trò chơi điện tử thì web đen và các diễn đàn vô bổ, tiêu cực đang là “hiểm hoạ” đối với thế hệ trẻ tỉnh ta. Thời gian gần đây, khi công nghệ thông tin bùng nổ, học sinh tỉnh ta đã nhanh chóng bắt nhịp cùng với trào lưu blog, facebook, forum…. Đáng tiếc rằng những công nghệ này được học sinh phát huy tính tích cực thì ít mà tiêu cực thì nhiều. Hiện nay, http://yeuhoabinh.... có thể nói là diễn đàn mạng lớn nhất của học sinh tỉnh Hoà Bình. Trong đó có đầy đủ sự qui tụ của “anh tài” đến từ 11/11 huyện thị với các chuyên mục theo từng địa phương. Ngay trên màn hình chính của website là những thông tin nóng hổi của tuổi teen được cập nhật như: 9x dùng báo làm áo quần tự sướng, xuất hiện clip nữ sinh “hội đồng” vòng 1….  Và các thành viên diễn đàn sẽ đua nhau bình luận bằng những câu độc nhất, hay nhất và khiếm nhã nhất. Ở diễn đàn này cũng có đầy đủ “hot girl” Cao Phong, “hot boy” Lạc Sơn, xe độ Lương Sơn….

 

Khách quan cho thấy, diễn đàn http://yeuhoabinh... là nơi học sinh tỉnh ta có cơ hội giao lưu, học hỏi, kết bạn và chia sẻ những thông tin bổ ích. Nhưng cũng từ diễn đàn này, chúng ta phải giật mình vì lối sống một của bộ phận giới trẻ tỉnh ta. Các bậc phụ huynh tỉnh ta, rất nhiều người sắm cho con mình điện thoại đời mời có chức năng quay phim, chụp ảnh, mua máy tính nối mạng cho con học tại nhà…nhưng chưa quản lý được việc con sử dụng những sản phẩm công nghệ thông tin ấy như thế nào! Hãy một lần vào thử trang web  http://yeuhoabinh... hoặc các đường link từ trang web đó, chắc chắn nhiều bậc phụ huynh tỉnh ta sẽ rất bất ngờ vì hình ảnh con em mình trong đó!

 

Ngoài ra, tình trạng học sinh tỉnh ta truy cập và gửi cho nhau đường link các trang web đen ngày càng phổ biến, khiến cho các em phát triển lệch lạc và dẫn đến hành vi xấu. Một số học sinh nữ thì do nhẹ dạ, lên mạng chat, chơi game trực tuyến đã làm quen với người lạ mà không biết đó là kẻ xấu, nên có thể bị dụ dỗ, lừa đảo và dễ dàng trở thành nạn nhân của những ổ chứa hoặc bị làm nhục tập thể.

 

Thực tế cho thấy, mặt trái của sự phát triển xã hội nói chung, công nghệ thông tin nói riêng đã dẫn đến những tác hại tiêu cực đối với một bộ phận thế hệ trẻ tỉnh ta. Vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và xử lý những cơ sở vi phạm các quy định về quản lý Internet. Nhưng quan trọng hơn cả là sự quan tâm sát sao của của gia đình, thường xuyên theo dõi việc học của con, hướng con cái đến các hình thức giải trí phong phú, tham gia hoạt thể dục thể thao để có lối sống và tinh thần lành mạnh.

  

                                                                                               Dương Liễu

 

Các tin khác


Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xử phạt hành chính nhóm người tập yoga, chụp ảnh giữa đường

Tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chiều 18/5, UBND thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người về hành vi tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ để chụp ảnh gây cản trở giao thông.

Công an xã Kim Bôi: Bám địa bàn, giữ ổn định an ninh trật tự ở cơ sở

Xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi có địa bàn rộng, dân số đông, trước đây xã nổi lên các vấn đề liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự (ANTT). Để làm tốt công tác ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, ngoài việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, UBND xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Xã Đồng Tân: Vững vàng thế trận an ninh

Xã Đồng Tân (Mai Châu) nằm trên quốc lộ 6, tiếp giáp với 5 xã của huyện Mai Châu và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Xã có tổng diện tích 39,09km2, 2.694 nhân khẩu, sinh sống tại 11 xóm, dân cư phân bố rải rác, không tập trung. Nhờ lợi thế địa hình, Đồng Tân có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, kết nối khu vực hình thành các chuỗi liên kết, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng đã tạo ổn định chính trị và tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục