Ngày càng nhiều người lắm tiền có niềm đam mê trưng bày trong tư gia "thủ cấp" của các loài mãnh thú như cọp, beo, bò tót… Ngoài việc khoe mẽ, khẳng định đẳng cấp, lắm ông tin rằng sự hiện diện của những chiếc đầu lâu chốn rừng sâu kia sẽ mang đến cho mình nhiều quyền năng siêu hình. Cũng vì thú chơi thời thượng ấy mà ngày lại ngày, các loài mãnh thú bị phường săn chặt đầu, lột da… không thương tiếc!
"Nhất cọp - nhì bò - tam nai - tứ báo"
Dưới chân núi Bà Đen thuộc địa phận huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), Phụng, từng một thời là thợ săn thằn lằn - ốc núi, sau chuyển nghề lái thú, chuyên cung ứng thịt rừng, các món ăn chơi từ rừng khẳng định với chúng tôi: "Dân đẳng cấp chỉ chuộng đầu lâu mãnh thú. Tùy sở thích mà có ông khoái sưu tầm thủ cấp chúa sơn lâm, người chuyên tuyển đầu lâu bò tót với cặp sừng dũng mãnh". Phụng khoe phi vụ cuối cùng của anh ta diễn ra cách đây 3 năm: "Bận đó tui tập kết 5 cái sừng của loài báo gấm từ biên giới về giao cho 1 đại gia bất động sản ở quận 12 (TP HCM). Lão đó chỉ khoái trưng bày đầu lâu của những con thú họ mèo như cọp, beo".
Đầu heo rừng tại tư gia của một tay chơi. |
Từ Phụng, chúng tôi làm quen với ông Bỉnh, 57 tuổi, nhà ở huyện Tân Biên, kiếm sống bằng cái nghề rất kỳ khôi là "săn thủ cấp - xương hàm thú rừng" bán lại cho các tay chơi thủ cấp. Ông Bỉnh nói nhờ xây dựng mối quan hệ chặt với các chủ nhà hàng, các tay buôn đồ rừng, cánh phường săn nên ông rất chủ động nguồn hàng. Khi xả thịt, hạ sát các con vật, các mối sẽ lập tức alô, bàn giao thủ cấp cho ông ngay. "Nhưng đó là hàng mới" - ông nói: "Nếu khách có nhu cầu đồ cổ, tôi cũng nhận lời với điều kiện cho tôi thời gian ít nhất 1 tháng và phải chịu giá gấp 5, có khi gấp chục lần giá hàng mới".
Không đợi chúng tôi hỏi tới, ông Bỉnh giải thích: "Đồ xưa là sọ những con thú bị hóa kiếp cách đây ít nhất 20 năm, được các già làng xử lý bằng kỹ thuật bí truyền, đem ngâm dưới lòng suối cho rã thịt, sau đó nấu qua lớp nước gồm rễ, lá cây cho không bị mối mọt xâm hại. Ngoài việc món đồ qua thời gian lên nước bóng đẹp, các tay chơi chuộng thủ cấp lâu năm tuổi còn vì lý do nó bền, có thể nói là vĩnh cửu với thời gian".
Khi được đề cập đến giá trị xếp theo thứ tự của các "món" thủ cấp mãnh thú, ông Bỉnh, quyết đoán: "Loài nào quý hiếm nhất thì được xếp theo mức độ quán quân và cứ thế tiếp nối. Đã là dân chơi thủ cấp thì ai cũng rành câu "nhất cọp-nhì bò-tam nai-tứ báo". Nghe thằng em ngờ nghệch bảo "bò, nai mà hiếm nỗi gì", Bỉnh cười, giải thích: "Bò là bò tót, nai là nai-cà-tông, loài có cặp gạc to lớn uy dũng. Như cọp, báo, 2 thằng này hiếm lắm đấy!".
Những niềm tin quái gở
Với mong muốn giải mã hiện tượng vì sao vùng rừng núi Mã Đà có nhiều thủ cấp mãnh thú, nhân chuyến công tác tại Đồng Nai, chúng tôi tranh thủ tìm đến vùng rừng núi Mã Đà. Theo hướng dẫn của các bậc cao niên, chúng tôi ghé thăm già làng Năm Nổi ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Sắp bước sang tuổi 80, với râu tóc bạc trắng như ông tiên, già làng Năm Nổi được tộc người Chơ-ro ở Mã Đà xem là pho từ điển sống về núi rừng Vĩnh Cửu.
Khi chúng tôi hỏi chuyện sọ thú, già Năm cười sang sảng như tiếng con suối vỗ vào vách đá mùa thần nước khóc, rồi giải thích: "Ngày trước trai làng săn bắn giỏi sẽ được các cô gái xinh đẹp chọn làm chồng. Dấu hiệu để nhận biết thợ săn giỏi là số lượng hàm thú, sọ thú mà anh ta có được bằng cách khi bắn được con thú, anh ta sẽ cắt lấy sọ, hàm về treo trên sàn nhà".
Già làng Năm Nổi và bộ sưu tập hàm thú được nhiều con buôn dòm ngó và hỏi mua. |
Đã phần nào rõ căn nguyên vì sao nhiều tay buôn thủ cấp đổ về vùng núi rừng Mã Đà săn đầu lâu của các loài thú rừng, chúng tôi tiếp cận các tay chơi thủ cấp để tận tường cái lý do trói họ vào thú đam mê quái gở, có phần rùng rợn. Lần theo hướng dẫn của ông Phụng, vào vai "môn đồ sọ thú", chúng tôi đảo ra đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM) ghé quầy hàng lưu niệm K.T., nơi chuyên cung ứng đầu của một số loài thú hoang.
Cửa hàng này nằm trên mặt đường, vừa nhìn vào đã thấy đủ loại nanh cọp, vuốt gấu, lông đuôi voi, sừng nai lổn ngổn. Qua quá trình tiếp cận, người bán là ông Thảo cho biết khách ghé mua hàng có nhiều sở thích khác nhau. Người tuyển đầu thú chỉ để chứng tỏ ra đây có sở thích khác người nhưng cũng có không ít tay chơi tuyển đầu lâu về tư gia vì nhiều niềm tin quái dị.
"Có ông tuổi thân (khỉ) nên tuyển quá trời sọ khỉ, sọ voọc, sọ vượn chất đầy nhà với hy vọng sẽ được tổ tiên phù hộ làm ăn tấn tới, lúc nào cũng lanh lợi như khỉ. Có ông chuyên tuyển đầu ông ba mươi vì tin đầu mãnh hổ có tác dụng trấn quỷ, trừ tà, giúp việc kinh doanh của ông ta được hanh thông, thăng tiến dài dài". Nói rồi ông Thảo nhếch mép cười bí hiểm: "Có ông sức khỏe kém, nghe lời bạn bè hay thầy bà gì đó tuyển toàn đầu thú dữ như gấu, cọp, beo, trăn gấm đặng hấp thụ tinh lực của những loài này mà tìm lại sự can trường trong chốn giường chiếu".
Sừng nai, đầu bò tót được bày bán tại cửa hàng của ông Thảo. |
Tới lui tụ điểm K.T., mới thấy thú chơi thủ cấp của nhiều tay chơi rất đa dạng. Không dừng lại ở đầu lâu của các loài thú, có tay chơi còn đặt hàng ông Thảo bộ xương sọ chim hồng hoàng vốn được mệnh danh là nữ hoàng của các loài chim vì cái dáng vẻ thanh tao, quý phái, bộ lông xinh đẹp và chiếc mỏ khổng lồ màu vàng của con vật. Có ông còn tậu đầu lâu của cá sấu Xiêm.
Tiếp cận với một tay chơi lúc được ông Thảo giao hàng là phần đầu của một con báo hoa mai, mới biết ông này và nhiều tay chơi khác đổ xô sưu tầm đầu lâu của các con vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam vì tìn rằng vài thập kỷ tới, những con vật ấy chỉ tồn tại trong hoài niệm của núi rừng. "Khi ấy bộ sưu tập đầu lâu của tui sẽ là đồ độc. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải chịu khó đầu tư" - tay chơi thổ lộ.
Bao giờ núi rừng thôi chảy máu?
Giá thị trường chợ đen hiện nay một cái đầu của ông ba mươi sau khi được xử lý tùy lớn nhỏ, chất lượng mà dao động từ 100-200 triệu đồng, có khi còn hơn thế nữa. Đầu bò tót tùy độ dài của cặp sừng giá từ 40-80 triệu đồng/cái. Đầu nai cà-tông tầm 20-50 triệu đồng, giá trị tăng theo độ lớn và số lượng nhánh tẻ của cặp sừng. Riêng thủ cấp của các loài báo như báo hoa mai, báo gấm, báo lửa giá từ 10-15 triệu đồng… Nói chung mỗi cái đầu mãnh thú có giá trị bằng cả gia tài khó có thể với tới của những người nghèo. Nhưng các tay chơi lắm tiền chẳng bận tâm về điều đó. Với họ, tiền bạc không thành vấn đề. Họ sẵn sàng trả nhiều hơn miễn có được đầu lâu của những con thú càng hiếm càng tốt. Trong quá trình xâm nhập thế giới thủ cấp của các đại gia, chúng tôi còn nghe râm ran có ông sẵn sàng trả nhiều tỷ đồng để được sở hữu cái sọ có dính chiếc sừng của con tê giác nào đó!
Nói về thú chơi thủ cấp động vật hoang dã quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, anh Nguyễn Văn Minh, điều phối viên của một tổ chức phi chính phủ chuyên về cứu hộ động vật hoang dã bày tỏ sự âu lo: "Càng có nhiều người đổ xô vào thú chơi ấy thì số lượng các loài động vật hoang dã bị sát hại càng nhiều hơn".
Theo anh Minh, cọp, bò tót, nai-cà-tông, các loài báo đều được Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới liệt vào nhóm các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng điều đó không làm những môn đồ thủ cấp ái ngại, trái lại càng kích thích họ dấn sâu hơn vào cuộc chơi với tâm lý được sở hữu hàng hiếm, hàng độc.
Theo Báo CAND
Đang ngồi trên rẫy, hai anh em ruột người dân tộc Thái ở huyện Tương Dương (Nghệ An) lấy khẩu súng săn của bố chơi. Người anh nhằm thẳng ngực em bắn thử. Súng cướp cò, cậu em trai 11 tuổi chết.
Liên quan tới vụ buôn lậu hàng điện tử từ Australia về VN (Báo SGGP thông tin ngày 17-6), ngày 27-6, tin từ Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Hoàng (sinh năm 1963; thường trú quận Bình Thạnh, TPHCM) và Nguyễn Đức Vũ (SN 1975, làm việc tại phòng dịch vụ hành khách - Trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất - TPHCM) về hành vi buôn lậu.
Từ nhiều năm nay, với nhiều nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng nhưng việc buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp và chưa thấy dấu hiệu suy giảm. Một trong những nguyên nhân là hệ thống văn bản pháp quy liên quan lĩnh vực này còn có chỗ chưa thống nhất, đồng bộ và đặc biệt là chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe, có rất ít vụ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
(HBĐT) -Trong 3 ngày 23, 24, 25/6, Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Lạc Sơn phối hợp với Ban CHQS huyện tổ chức khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2010.
(HBĐT) - Trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống TNXH trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhân ngày “Toàn dân phòng chống ma tuý” 26/6, Báo Hoà Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Quốc Việt, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng Chống TNXH xung quanh vấn đề này.
Sáng 24-6, nhiều người dân hiếu kỳ đã tập trung tại nhà chị Nguyễn Thị Tố Nga (SN 1958, trú ở thôn 4, xã Diên Phú, Diên Khánh, Khánh Hòa), giáo viên dạy văn Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh), khi nghe tin chị bị sát hại dã man.