Trước việc vi phạm trong lĩnh vực hàng không có dấu hiệu ngày càng tăng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không (HK) phải giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn, an ninh hoạt động HK. Ngày 20-7-2010, nghị định mới về xử phạt vi phạm hàng không với các hình thức xử lý nghiêm khắc sẽ chính thức được áp dụng. Dư luận cho rằng chỉ có những “liều thuốc đắng” mới hy vọng hạn chế được tình trạng vi phạm.
Một chuyến bay của Vietnam Airlines. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Vi phạm gia tăng
Theo Cục HK, trong 3 năm qua, thanh tra HK và các cảng vụ HK đã xử phạt hàng trăm vụ vi phạm với tổng số tiền phạt lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, các vi phạm trong lĩnh vực HK vẫn có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt là thời gian gần đây, những vụ vi phạm đe dọa đến an toàn, an ninh HK liên tục xảy ra khiến dư luận lo ngại.
Thực tế cho thấy, các đối tượng vi phạm quy định trong lĩnh vực HK không chỉ gia tăng ở những khách hàng mà còn gia tăng ở chính những cán bộ nhân viên đang công tác trong ngành HK. Những vụ tiếp viên, phi công tham gia vận chuyển hàng trái phép, cho đến những vụ tài xế lái xe cung ứng nhiên liệu không tuân thủ quy định, liên tục đâm vào máy bay; cán bộ không lưu lơ là khi làm việc, báo cáo thông tin sai, suýt gây tai nạn cho máy bay khi hạ cánh… đã xảy ra.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ 9-5 đến 8-6), các nhân viên lái xe của Công ty Cung ứng Xăng dầu HK-Vinapco đã để xảy ra 2 vụ xe ô tô đâm vào máy bay, không chỉ gây thiệt hại lớn mà còn mất uy tín của ngành HK Việt Nam. Kết quả kiểm tra ở cả 2 vụ (1 vụ xảy ra ngày 8-6 đối với chiếc máy bay ATR-72 và 1 vụ xảy ra ngày 9-5 đối với chiếc Boeing 777 của Vietnam Airlines) cho thấy các nhân viên của Vinapco đã không thực hiện đúng các quy định về an toàn lao động, bất cẩn khi điều hành tác nghiệp.
Một vụ việc nghiêm trọng khác mới xảy ra hồi cuối tháng 3-2010, khiến cho chiếc máy bay chở hàng của Hãng Fedex Express suýt đâm phải ô tô khi đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, mà nguyên nhân cũng là do các nhân viên trong kíp trực điều hành bay thuộc Công ty Bảo đảm hoạt động bay miền Bắc đã thiếu tập trung, chủ quan, mất cảnh giác trong khi thừa hành nhiệm vụ, đồng thời thực hiện không đúng quy trình tác nghiệp điều hành bay.
Mức phạt đến 100 triệu đồng...
Tại sao những tình huống trên lại liên tục xảy ra? Phải chăng việc xử lý kỷ luật trong ngành HK và trong các doanh nghiệp HK thời gian qua chưa thực sự nghiêm khắc nên chưa đủ sức răn đe? Việc kỷ luật cảnh cáo, phạt tiền hay thu hồi chứng chỉ hành nghề một thời gian của người vi phạm rồi xem xét cấp lại có vẻ như chưa đủ sức răn đe.
Phải chăng việc xử lý mang tính chất hành chính dưới hình thức cảnh cáo, phạt dăm ba triệu đồng xem ra quá nhẹ? Dư luận rất kỳ vọng vào sự nghiêm khắc của Nghị định 60/NĐ-CP, ban hành ngày 3-6, có hiệu lực thi hành từ 20-7, về XPVPHK. Nghị định này nhiều hành vi vi phạm được quy định rất cụ thể về mức xử phạt.
Ví dụ, hành khách hút thuốc sai quy định hoặc sử dụng các loại thiết bị điện tử, thiết bị thu phát sóng trên máy bay khi không được phép bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với người có hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác làm mất an ninh trật tự trong cảng hàng không, sân bay.
Hành vi tung tin chuyến bay có bom bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Hành khách vi phạm trật tự, kỷ luật trong máy bay; đe dọa nhân viên HK bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Hành vi đưa chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất cháy vào khu vực hạn chế, lên tàu bay trái quy định hoặc tung tin cũng như cung cấp thông tin sai về việc có bom, vật liệu nổ, chất nổ... có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Ngoài các mức phạt tiền như trên, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải chịu các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, bị từ chối vận chuyển 12 tháng kể từ khi có quyết định xử phạt... và phải khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra.
Cũng theo Nghị định 60/NĐ-CP, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực HK dân dụng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, mức phạt cao nhất đến 100 triệu đồng. Ví dụ, các doanh nghiệp mua bán, chuyển nhượng quyền vận chuyển hàng không bị phạt đến 100 triệu đồng. Người khai thác tàu bay không tổ chức giám sát an toàn, an ninh đối với việc khai thác tàu bay theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.
Hãng HK thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc người khai thác tàu bay thực hiện chuyến bay thao diễn, luyện tập trên khu vực đông dân mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng.
Cá nhân, tổ chức cố tình che giấu sự cố tàu bay bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Đây cũng là khung phạt với hãng hàng không không thực hiện nghĩa vụ theo quy định trong trường hợp hoãn, hủy chuyến bay, từ chối vận chuyển; không thực hiện đúng quy định về giá cước vận chuyển…
Theo SGGP
Lan tự nhận có thể lo giúp con gái anh Nguyễn Bá Cửu (48 tuổi, ở Phú Châu, Ba Vì) thi đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội. Sau khi nhận của anh Cửu số tiền 2.500 USD, Lan đã tiêu dùng cá nhân mà không lo cho con anh Cửu.
Khoảng 12h ngày 8/7, trong lúc đi lên khe đánh cá, hai cha con ông Phan Văn Sơn ở xóm Kiều, xã Hương Điền, huyện Vũ Quang, đã bị voi tấn công. Rất may thương vong đã không xảy ra.
Nguồn tin từ CA tỉnh Thanh Hóa ngày 9.7 cho biết: Cảnh sát cơ động đã bắt được một trong ba đối tượng là người nước ngoài chuyên đột nhập vào các cơ quan trộm cắp.
(HBĐT) - Ngày 09/7, tại nhà văn hóa thành phố, UBND thành phố Hòa Bìnhđã tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ và điển hình tiên tiến giai đoạn (2005 - 2010).
(HBĐT) - Ngày 8/7, tại xã Yên Thượng, huyện Cao Phong đã diễn ra Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp ranh của 9 đơn vị trực thuộc 4 huyện của mô hình Cụm an toàn về ANTT 4 huyện Cao Phong - Lạc Sơn - Kim Bôi - Tân Lạc.
Người dùng di động đang đối mặt với nguy cơ bị móc túi bởi chiêu giả danh người thân thông báo số điện thoại mới. Khi khách hàng thực hiện cuộc gọi vào số máy này, tài khoản sẽ tự động bị trừ tiền.