Tính từ năm 2004 đến nay, TAND tỉnh Điện Biên đã tuyên phạt 22 bị cáo mức án tử hình, 88 bị cáo mức án chung thân, đáng chú ý, hơn 65% các bị cáo này có độ tuổi từ 18 - 35. Sự trẻ hoá của tội phạm ma tuý đã khiến các cơ quan thi hành tố tụng day dứt, còn dư luận thì giật mình.

Trong vùng Tây Bắc, từ lâu Điện Biên được xác định là một trọng điểm của công tác phòng chống, kiểm soát ma tuý, hằng năm án ma tuý chiếm tỷ lệ rất cao trên tổng số các vụ án các cơ quan điều tra thụ lý. Đáng chú ý, nếu như trước đây, buôn bán ma tuý là "đất" của những ông bà trùm có tuổi, nhiều kinh nghiệm, lắm mưu ma chước quỷ đối phó với pháp luật, thì hiện nay lớp trẻ lại đang “soán ngôi”.

Bi kịch một gia đình ma tuý  trên đỉnh núi Pú Tỉu…

Chiều muộn, tôi theo Trung tá Nguyễn Văn Tăng, Đội phó Đội ma tuý Công an huyện Điện Biên vượt dốc lên xã Núa Ngam để tìm vào nhà Mùa A Pó, một phạm nhân bị TAND tỉnh Điện Biên tuyên án tử hình, với tội danh mua bán, vận chuyển trái phép 6 bánh heroin.

Nhà Mùa A Pó ở Đội 3, cách trung tâm xã hơn 2 giờ đi bộ. Pó là một trong 4 đối tượng chính của đường dây ma tuý nổi đình nổi đám bị bóc gỡ cách đây vừa tròn 2 năm ở Điện Biên. Khi bị bắt, gã thanh niên người Mông này mới bước sang tuổi 19, cái tuổi đẹp nhất đầy mơ và mộng của cuộc đời một con người…

Đang học lớp 8, Mùa A Pó bỏ học ở nhà, sống ở trên đỉnh Pú Tỉu đèo heo hút gió, nhưng bố mẹ anh ta lại không làm nương rẫy mà sinh sống chủ yếu bằng nghề bán lẻ ma tuý cho các con nghiện. Mùa A Pó chưa bao giờ là con nghiện, có lúc sang bên kia biên giới, ngồi trước đống heroin, hồng phiến chất đầy một góc nhà của bạn hàng bên đó, nhưng anh ta không bao giờ sử dụng.

Pó thú nhận: "Đến tận bây giờ khi bị tuyên án tử hình rồi, cháu cũng chưa một lần thử xem mùi vị của nó ra sao. Dùng cái thứ đó vào chỉ có nước chết thôi cán bộ…". Nhận thức được tác hại khủng khiếp của ma tuý, nhưng sao lại buôn bán để đầu độc người khác? Mùa A Pó cúi đầu tránh ánh mắt của tôi, nói lý nhí: "Cũng vì hám tiền thôi cán bộ…!".

Phiên toà xét xử đường dây ma tuý cực lớn (mua bán 251 bánh heroin) ở Điện Biên do vợ chồng Vương Đôn - Tăng Thị Lý cầm đầu, gồm 31 bị cáo, trong đó có 20 bị cáo tuổi từ 18 đến 35.

Mấy lần qua cửa khẩu Huổi Puốc, đi sâu vào một bản heo hút nằm sâu trong nội địa nước bạn, thấy bên đó người ta mua bán, trao đổi ma tuý như đi chợ, có vài người rủ rê Pó mang hàng về Điện Biên bán kiếm lời. Hồi đầu thì chẳng dám vì Pó cũng tỉnh đòn sau khi bố, mẹ lần lượt kéo nhau vào trại, nhưng sau thấy món hời quá lớn, đem một bánh heroin trót lọt về Điện Biên, có thể kiếm được cả mấy chục triệu đồng.

Số tiền đó nếu cứ làm nương rẫy ở bản thì cả đời Pó cũng chẳng dám mơ nhìn thấy chứ chưa dám nói được sở hữu. Trong khi đó, nếu đồng ý vận chuyển ma tuý thuê, chẳng mất tiền vốn, chỉ việc mang về đến Điện Biên, giao cho người ta xong đem tiền sang gửi sau có thể kiếm vài chục triệu đồng cho một cặp heroin. Một lần "thử sức", Pó thấy ngon ăn nên anh ta như con thiêu thân bập vào buôn bán ma tuý mà không hề nghĩ đến hậu quả của việc làm sai trái.

Cuối năm 2006, Pó là một mắc xích quan trọng trong đường dây ma tuý từ bên kia biên giới về Điện Biên, Lai Châu sang Lào Cai, Yên Bái. Từ mang vác thuê, Mùa A Pó thành một chủ hàng, có số vốn lên cả tỷ đồng, có thể liền một lúc thu gom cả chục bánh heroin mà không ngại tiền vốn, hay khất nợ với chủ hàng bên Mường Mày, Phong Sa Lỳ…

Bố mẹ Mùa A Pó là ông Mùa A Sềnh và bà Giàng Thị Say, năm nay mới ngoại năm mươi tuổi. Ông bà Sềnh sinh được 3 người con, Pó là con thứ cả. Ông Mùa A Sềnh từng được cả bản biết đến bởi là người biết chữ, lại thông hiểu phong tục tập quán của người dân tộc Mông, nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà ông, sau đó là vợ, con lần lượt dính vào ma tuý.

Năm 2005, ông Sềnh bị bắt khi đang "ôm" mấy cân thuốc phiện, bị tuyên án phạt 20 năm tù giam, hiện đang thi hành án tại Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội). Chồng bị bắt, năm sau bà Giàng Thị Say, mẹ Pó cũng bị Công an tỉnh Lai Châu bắt giữ khi đang mua bán, vận chuyển mấy "cây" heroin. Bà Say hiện đang thi hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu.

Mùa A Pó lấy vợ, nhưng anh ta lại rủ rê, lôi kéo vợ là Giàng Thị Tông tham gia vào đường dây ma tuý của mình. Mùa hè năm 2007, tại khu vực dốc Huổi Po, xã Núa Ngam, Páo cùng với một người bạn, cũng là bạn hàng của anh ta là Vừ A Chu, 22 tuổi, ở bản Hin Phon, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên bị các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang đang mua bán, vận chuyển trái phép 3 bánh heroin, trọng lượng 1,02kg…

Một số đối tượng trẻ tuổi tham gia mua bán ma tuý bị Công an Điện Biên bắt giữ.

Sau khi Mùa A Pó và Vừ A Chu bị bắt, lần lượt gần chục đối tượng trong đường dây từ Điện Biên về Lào Cai cũng sa lưới. Toà sơ thẩm, rồi phúc thẩm đều tuyên án Mùa A Pó mức án tử hình, 3 bị cáo khác trong đường dây phải chịu mức án chung thân… Trước Mùa A Pó, ở Núa Ngam đã có hơn chục người bị kết án với những mức án khác nhau liên quan đến ma tuý. Bản án này đã dập tắt giấc mơ làm giàu bất chính, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của một thanh niên còn đang rất trẻ.

Tại sao họ phạm tội khi còn rất trẻ?

Thượng tá Nguyễn Trọng Trường, Giám thị Trại tạm giam - Công an tỉnh Điện Biên trưởng thành từ một điều tra viên, chuyên "làm" án ma tuý. Về làm Giám thị Trại tạm giam được gần một năm, hằng ngày anh lại phải tiếp tục tiếp xúc với các phạm nhân án ma tuý, trong đó có khá nhiều người đã bị Toà tuyên án tử hình như Mùa A Pó.

Thượng tá Nguyễn Trọng Trường tâm sự: "Có một điều làm tôi cũng như các điều tra viên day dứt, đó là ngày càng có nhiều phạm nhân mắc trọng tội về ma tuý khi còn rất trẻ, phổ biến là từ 18 đến 30, thậm chí có đối tượng mới chỉ 17 tuổi".

Tính từ năm 2004 đến nay, TAND tỉnh Điện Biên đã tuyên phạt 22 bị cáo mức án tử hình, 88 bị cáo mức án chung thân, đáng chú ý, hơn 65% các bị cáo này có độ tuổi từ 18 - 35. Sự trẻ hoá của tội phạm ma tuý đã khiến các cơ quan thi hành tố tụng day dứt, còn dư luận thì giật mình.

Thượng tá Phạm Duy Cảnh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng đấu tranh phá nhiều chuyên án lớn về ma tuý. Đáng chú ý, số đối tượng còn trẻ tham gia vào các đường dây ngày càng nhiều. Đấu tranh với loại này không đơn giản, bởi ngoài việc chúng "kế thừa" được nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các lớp đàn anh đi trước, do còn trẻ nên tính chất hoạt động của chúng rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng ăn thua với lực lượng truy bắt. Sự hoán đổi địa vị "ông trùm" giữa các đối tượng đứng tuổi và bọn buôn ma tuý còn trẻ là dấu hiệu đáng chú ý nhất ở Điện Biên trong thời gian 5 năm trở lại đây".

Qua tổng kết công tác đấu tranh kiểm soát ma tuý ở Điện Biên, có thể cho thấy, nếu như trước đây người tham gia vận chuyển ma tuý là những người nghèo, hiểu biết pháp luật hạn chế hoặc là những con nghiện cùng đường… thì nay, buôn bán ma tuý mang một sắc thái mới, khi các nhóm người trẻ tuổi, có hiểu biết lại tích cực tham gia. Đặc biệt, đối tượng là người dân tộc Mông tham gia vào các vụ án và đường dây ma tuý lớn bị phát hiện ngày càng tăng, 25,4% so với 14,1% cách đây gần 10 năm.

Lý giải thực tế này, Thượng tá Nguyễn Quốc Hương, Phó trưởng Công an huyện Điện Biên - một điểm nóng về ma tuý, cho rằng: Do trước đây bà con có tập quán trồng cây thuốc phiện và sản phẩm của nó mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình.

 

Tuy nhiên, sau khi việc trồng cây thuốc phiện bị loại bỏ, một số người dân chưa bắt nhịp với thói quen sản xuất mới, hoặc do lười lao động nên bắt đầu tham gia vào vận chuyển và buôn bán ma tuý. Bên cạnh đó, do điều kiện cư trú của người Mông dọc biên giới và mối quan hệ thân tộc giữa cư dân Mông hai bên biên giới làm cho việc buôn bán ma tuý "thuận tiện" và khó kiểm soát hơn.

Đại uý Nguyễn Văn Thái, điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Điện Biên có kinh nghiệm gần 10 năm "đánh" án ma tuý ở Điện Biên, anh từng bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ về đề tài đối phó với các thủ đoạn mới của tội phạm ma tuý, cho rằng, sự gia tăng của tội phạm ma tuý trong độ tuổi thanh niên báo động sự suy thoái về tư cách, đạo đức của một bộ phận thanh niên người dân tộc thiểu số, người vùng cao ở Tây Bắc.

Ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, nhất là lối sống gấp, sống hưởng thụ, lười lao động… đang xâm nhập, phá vỡ sự yên bình vốn có của nhiều bản, làng vùng cao.

Ở Điện Biên, có nhiều bản, nhiều làng đã từng trở thành những địa danh buồn tủi bởi thảm cảnh ma tuý. Xã Thanh Yên, huyện Điện Biên có bản Nà Ngum, Hồng Lếch Cuông, Thanh Chăn có Pa Mỏ Thái, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ có bản Pom Loi, huyện Mường Ảng có Ảng Cang, thậm chí có thời cả 6 bản của xã Na Ư, huyện Điện Biên… là những điểm nóng, bị cơn bão ma tuý hoành hành, tàn phá đến tơi bời. Mà nhân nào thì quả đấy, mỗi năm mỗi tháng ở những bản, làng vùng cao này lại vắng đi một số người, mà lực lượng chủ công là những thanh niên trai tráng, sức dài vai rộng.

Nếu không có các giải pháp phù hợp thì sẽ còn nhiều người trẻ tuổi tiếp tục như con thiêu thân lao vào ma tuý, mỗi năm mỗi tháng lại có những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ phải lãnh án tử hình, để lại nỗi đau cho mỗi gia đình và nỗi day dứt cho toàn xã hội…

                                                                               Theo Báo CAND

Các tin khác

Không có hình ảnh
TAND thành phố đã tập trung  nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Góp phần nâng cao nhân thức pháp luật và đạt hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa phát sinh tội phạm.
Tiểu phẩm truyền thông của nông dân thị trấn Mường Khến để lại ấn tượng trong lòng khán giả
Trung tướng Hà Ngọc Tiếu (người ngồi giữa) trong một lần đi công tác tại biên giới.

Dư luận đánh giá cao chuyên án "tội phạm Đài Loan sử dụng công nghệ cao"

Không chỉ dư luận trong nước đánh giá cao công tác đấu tranh có hiệu quả của lực lượng Công an không để chúng có cơ hội tấn công vào ngân hàng và tài khoản của công dân Việt Nam; các cơ quan chức năng của Trung Quốc và Đài Loan đã cảm ơn sự hợp tác và chủ động ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này của Bộ Công an Việt Nam.

Không để tội phạm ẩn nấp

Hơn 40 ngày rong ruổi trong các cánh rừng phương Nam, ngày các trinh sát trở về, "món quà" trong tay là một kẻ sát nhân phải trở về đền tội ác.

Trời mưa chỉ sợ… điện giật

Khi trời mưa, đường phố ngập nước tuy chưa tới tủ điện. Nhưng do tủ đặt thấp, bộ phận tiếp đất kém, các phương tiện ôtô, xe máy đi qua tạo sóng sẽ đẩy nước vào tủ điện, vô cùng nguy hiểm.

Bắt tạm giam một đối tượng buôn lậu ôtô với thủ đoạn rất mới

Ngày 15.7, lãnh đạo Văn phòng cảnh sát điều tra Công an Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa bắt tạm giam Ngô Doãn Phúc về tội buôn lậu ôtô.

16 tuổi, đâm chết đàn anh vì bị mắng

Cùng làm thuê như nhau nhưng bị đàn anh mắng nhiếc không tiếc lời, tức khí Nguyễn Ngọc Nguyên (16 tuổi) đâm người này dẫn đến tử vong.

Công khai về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục tiến hành xét đặc xá

Sáng 16-7, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức họp báo hướng dẫn về công tác tuyên truyền đặc xá năm 2010; công bố quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2010. Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Công an, chủ trì họp báo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục