Điều tra viên Nguyễn Mạnh Quân.
Khi các đường dây mua bán người liên tỉnh lần lượt bị Công an cả nước phát hiện và triệt phá, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra rằng bấy lâu nay trong nội địa vẫn âm thầm hình thành các đường dây mua bán phụ nữ hết sức tinh vi.
Nhận diện bọn buôn người: Bắt đầu từ hợp đồng lao động giả, lương cao
Đối tượng lừa bán phụ nữ trong nội địa hầu hết có tiền án tiền sự, bọn chúng bán người dưới danh nghĩa " ký kết các hợp đồng lao động". Vì thế khi điều tra các vụ án có thủ đoạn tương tự, lực lượng phá án phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một đặc trưng chung của các vụ mua bán người là nếu không có bị hại thì không thể phát sinh được các biện pháp tố tụng, điều tra viên Nguyễn Mạnh Quân, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Phú Thọ (PC 45) cho biết.
Không giống các vụ mua bán người ra nước ngoài (các nạn nhân sau khi trở về nước đến cơ quan Công an tố cáo), trong các vụ mua bán người ở nội địa, hầu hết việc phá án bắt đầu từ con số không: Không bị hại, không nhân chứng. Khi bắt tay vào việc phá án, các trinh sát thường chỉ bắt đầu bằng lá đơn của gia đình người bị hại, nhờ tìm con mất tích.
Đơn cử như vụ mua bán phụ nữ do Nguyễn Thị Hồng Liễu (20 tuổi, trú tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) thực hiện. Nạn nhân đáng thương trong vụ án là Vương L (18 tuổi, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bị 4 đối tượng lừa bán rồi ép bán dâm tại các nhà nghỉ ở Hà Nội, mỗi ngày phải tiếp hàng chục khách mua dâm…
Khi tiếp nhận đơn trình báo của gia đình người bị hại, các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Phú Thọ đồng loạt vào cuộc nhưng cũng không phát hiện được điểm gì nghi vấn, không thu được bất cứ một tài liệu gì. Vụ việc chỉ được hé mở khi gia đình người bị hại nhận được điện thoại của L. gọi về cho biết cô đang bị nhốt trong một nhà trọ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).
4 đối tượng mua bán phụ nữ bị Công an Hà Nội bắt giữ. |
Cuộc giải cứu trong nội địa đó cũng gian nan và không kém phần nguy hiểm. Khi đó, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Công an quận Cầu Giấy đồng loạt vào cuộc, tất cả các nhà nghỉ, nhà trọ đều được cẩn trọng rà soát. Thời điểm đó, họ chưa xác định được nơi các đối tượng giam giữ nạn nhân nên khi rà soát phải tiến hành một cách hài hòa giữa biện pháp công khai và biện pháp bí mật. Bởi chỉ cần thấy động, đối tượng buôn người trong nội địa sẽ tìm cách di chuyển đến nơi thuê trọ mới, thậm chí sát hại nạn nhân. Từ việc giải cứu thành công nạn nhân, lần lượt các đối tượng trong đường dây đã bị bắt giữ.
Thực tế các vụ mua bán phụ nữ trong nội địa bị phát hiện trong thời gian qua cho thấy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đều là những kẻ có "tiền án, tiền sự", có thâm niên trong hoạt động tổ chức mại dâm, chúng vô cùng tinh quái để đối phó với cơ quan điều tra.
Trở lại vụ mua bán người do Nguyễn Thị Hồng Liễu điều hành, nạn nhân L. đã bị bán cho Phạm Tuyết Anh, 22 tuổi, ở tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy và Nguyễn Đức Toàn, 28 tuổi, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Tuyết Anh một gái bán dâm chuyên nghiệp còn Toàn cũng là kẻ không có nghề nghiệp ổn định.
Cuộc giải cứu nạn nhân là "trận" đấu trí nảy lửa giữa các trinh sát với những tên tội phạm ranh ma, lọc lõi. Bởi các vụ án này, thủ đoạn cũng gần như bắt cóc, các nạn nhân bị giam giữ ở trong nhà, chịu sự quản lý gắt gao của các đối tượng buôn người. Chỉ cần một chút phán đoán sai lầm, có thể trả một giá đắt bằng tính mạng của nạn nhân và như thế đồng nghĩa với việc giải cứu thất bại.
Đường dây mua bán phụ nữ trong nội địa do Phạm Xuân Thanh và Nguyễn Thị Ánh Dương đều trú tại TP Việt Trì (Phú Thọ) thực hiện. Nỗi bi ai của nạn nhân trong vụ án có lẽ từ mối quan hệ quen biết với Lê Văn Chiển (trú tại xã Hy Cương, TP Việt Trì) công nhân của một công ty bia trên địa bàn...
Các đối tượng trong đường dây hứa xin việc làm với thu nhập cao, sau đó bán Lan cho một chủ nhà nghỉ ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Để che đậy hành vi phạm tội, chủ chứa bắt Lan phải viết giấy tự nguyện bán dâm. Hàng ngày, Lan bị nhốt trong phòng nghỉ, mỗi khi có khách, chủ chứa sẽ cho người quản lý đưa đi đón về… Nạn nhân Lan may mắn thoát được khỏi "địa ngục" đó khi gặp được một khách làng chơi tốt bụng…
Nhưng khi được giải thoát, thời gian đầu Lan cũng không dám về vì sợ bị đám ma cô sẽ tìm đến nhà bắt lại. Và thực tế đã đúng như Lan suy nghĩ, khi phát hiện Lan mất tích, bọn chủ chứa đã cho người lùng sục khắp mọi nơi. Trong vụ án này, để hợp thức hóa hoạt động buôn người, đối tượng cũng có một mánh khóe quái chiêu là liên lạc về gia đình nạn nhân, yêu cầu họ chuyển chứng minh nhân dân để làm thủ tục xin việc.
Quá tin người qua Internet
Hầu hết các bị hại cũng không biết về đối tượng gây án, đó là thực tế đang diễn ra ở các vụ mua bán người trong nội địa. Nhiều nạn nhân có may mắn thoát khỏi tay của đối tượng buôn người cũng không biết tên, tuổi và địa chỉ cụ thể của các đối tượng gây án.
Thực tế cho thấy hiện nay hầu hết các vụ mua bán người trong nội địa đều là nạn nhân của Internet. Khi gặp gỡ, quen biết với các nạn nhân, đối tượng gây án đều sử dụng nick ảo để chát và làm quen với các cô gái nhẹ dạ, ít tuổi, hầu hết có hoàn cảnh gia đình éo le và đặc điểm chung là đều thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình. Vì thế, nhiều ông bố bà mẹ khi được gọi đến cơ quan điều tra cũng không biết con của họ đang ở đâu, đang chơi với ai…
Nhiều trường hợp, con cái đi đâu cả tuần họ cũng chẳng biết, chẳng hay, một số trường hợp thì phó mặc cho cơ quan điều tra, muốn làm gì thì làm. Trường hợp nạn nhân Lê Quỳnh H (14 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), trong đường dây mua bán người vừa bị Công an quận Đống Đa (Hà Nội) phát hiện vào đầu tháng 7/2010 là một ví dụ. Sau khi bị các đối tượng lừa gạt, H. đã bị bán qua tay rất nhiều chủ chứa rồi cuối cùng bị ép làm gái bán dâm ở Hải Phòng.
Đêm 10/7, Công an quận Đống Đa đã phát hiện và giải thoát cho cháu H., khi cô bé đang ở một quán Internet tại khu vực Quán Nam, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, Hải Phòng. H. cho biết vì thiếu sự quan tâm của gia đình, cháu thường bỏ nhà lang thang rồi bị bán cho Nguyễn Nhật Cảnh (53 tuổi, chủ nhà nghỉ Phương Thủy ở đường Nguyễn Văn Linh, TP Hải Phòng) với giá 14 triệu đồng. H. bị ép bán dâm và nếu chống cự sẽ bị hành hạ một cách dã man. Đã 2 lần H. tìm cách bỏ trốn nhưng đều không thành công và bị bọn bảo kê của nhà hàng đánh đập không thương tiếc.
Ngày 21/6, H. đã liều lĩnh nhảy từ trên tầng 4 nhà nghỉ này xuống một chiếc xe chở rác và may mắn thoát thân. Thế nhưng, vì sợ bọn chủ chứa phát hiện nên cô bé không đến cơ quan Công an trình báo mà tiếp tục lang thang tại các quán Internet. Trong vụ việc này, lực lượng Công an quận Đống Đa phải mất rất nhiều công sức để truy tìm nạn nhân.
Trong chuyên án mua bán người do Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, trú tại khu 3, phường Quang Trung, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) thực hiện, hai nạn nhân không biết đến tên, tuổi và địa chỉ thật của đối tượng gây án. Trước đó, họ chỉ gặp gỡ các đối tượng trên nick chat. Để làm rõ vụ án này, các trinh sát Phòng PC 45 Công an TP Hà Nội phải lật tại toàn bộ quãng thời gian nạn nhân quen biết trên mạng, rồi từ đó mới tìm ra được các điểm đột phá.
Như đã nói ở trên, hầu hết các vụ án đều bắt nguồn từ các quan hệ chóng vánh làm quen nhau trên mạng Internet. Vì thế, khi phá các vụ án này, các trinh sát chỉ bắt đầu từ nick chat, nhưng có khi lần ra thì nick đó thì đối tượng đã không còn sử dụng nó. Việc lần tìm tung tích đối tượng gây án vì thế tốn rất nhiều công sức. Điều này, tương đối trái ngược với các vụ lừa bán phụ nữ ra nước ngoài.
Thông thường trong các vụ án này, giữa đối tượng và nạn nhân đã có mối quan hệ sẵn có, nếu nạn nhân trở về nước thì dễ dàng kể lại chính xác đối tượng gây án. Một trong những bí quyết thành công khi điều tra các vụ mua bán người trong nội địa, các trinh sát phải thực sự am hiểu về Internet, từ đó có lúc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tương kế, tựu kế.
Thế nhưng bắt đối tượng đã khó, việc giải cứu các nạn nhân trong các nhà nghỉ còn khó khăn hơn nhiều. Trong vụ bắt giữ Trần Thị Nguyệt ở phường Kênh Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, một trong những mắt xích trong đường dây mua bán phụ nữ, Công an quận Đống Đa phải tính toán kế hoạch một cách tỉ mỉ, chi tiết.
Để che đậy hành vi phạm tội, thủ đoạn của Nguyệt là ký hợp đồng lao động dưới hình thức tuyển nhân viên phục vụ tại các phòng nghỉ. Nhà nghỉ thiết kế rất tinh vi, có người cảnh giới có chuông báo động chỉ cần thấy động là sẽ lập tức tẩu tán khỏi hiện trường. Bởi vậy khi tổ chức bắt giữ và giải cứu, anh em phải dày công theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động của chúng để có kế sách đối phó thành công.
Theo Báo CAND
(HBĐT) - Xã Tây Phong, huyện Cao Phong có địa bàn nằm dọc theo Quốc lộ 6 dễ bị ảnh hưởng bởi các tai, tệ nạn xã hội. Bởi vậy, trang bị kiến thức pháp luật cho người dân luôn là điều cần thiết. Nhiều năm qua, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường các hoạt động tư pháp để đảm bảo tốt ANTT, ATXH.
Tội phạm người nước ngoài xuất hiện nhiều ở Việt Nam trong khoảng một thập niên trở lại đây và thông thường bọn tội phạm thực hiện trót lọt nhiều vụ án trước khi bị bắt giữ. Lý do là bọn chúng dùng những thủ đoạn gây án lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam nên người dân chưa biết để cảnh giác và cơ quan chức năng cũng không tận tường để đưa ra lời khuyến cáo cũng như biện pháp phòng ngừa.
Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ phê duyệt mức phụ cấp trách nhiệm 0,5 so với mức lương tối thiểu chung cho cán bộ, công chức, sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân (CAND) trong đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
Chiều 23/9, Sở Giao thông Vận tải và Công an Thành phố Hà Nội đã chính thức thống nhất phương án phân luồng, hướng dẫn giao thông phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội trên địa bàn Thủ đô.
(HBĐT) - Những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc luôn ổn định và được giữ vững. Có được kết quả đó phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND và một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng công an xã.
(HBĐT) - Thực hiện phong trào “Thanh niên xung kích giữ gìn trật tự an toàn xã hội”, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã thành lập được 589 đội hình thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự ATGT thu hút 3.642 ĐVTN tham gia.