Ngày 27.3, theo một nguồn tin từ UBND huyện Bảo Lâm, lãnh đạo huyện này vừa chỉ đạo lực lượng công an địa phương nghiên cứu hoàn chỉnh hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng nghiêm trọng diễn ra tại tiểu khu 163 (giáp với xã Tân Lâm, huyện Di Linh) - thuộc Ban quản lý rừng Bảo Lâm quản lý.
Ông Bùi Văn Ngọc - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm - cũng khẳng định: Kiểm lâm địa phương hiện đang phối hợp với Công an huyện mời chủ rừng của tiểu khu bị phá là Ban quản lý rừng Bảo Lâm đến để làm việc và xác định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị có liên quan trong vụ phá rừng này.
Rừng bị phá không thương tiếc
Cho đến lúc này, cơ quan chức năng của huyện Bảo Lâm vẫn chưa thể đưa ra con số chính xác về diện tích rừng tại tiểu khu 163 của huyện Bảo Lâm giáp với huyện Di Linh bị tàn phá là bao nhiêu. Tuy nhiên, bằng mắt thường, ai cũng có thể đoán rằng nơi đây có đến hàng chục hécta rừng thông tự nhiên bị chặt hạ trắng. Điều đặc biệt, cả diện tích rộng lớn với hàng ngàn cây thông bị chặt hạ theo kiểu “làm cỏ” ấy diễn ra ngay sát một trạm bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng Bảo Lâm, nhưng dường như “lâm tặc” không gặp bất kỳ trở ngại nào thì quả là điều... khó hiểu!
Một ngày cuối tháng 3, với chiếc camera giấu trong người, chúng tôi cải trang thành những người đi tìm mua lan rừng, rồi nhờ một người dân ở xã Tân Lâm (huyện Di Linh) băng núi để vào hiện trường vụ phá rừng “nổi tiếng” thuộc tiểu khu 163 - nằm trên đất của huyện Bảo Lâm. Cả một vùng rừng rộng dễ đến cả chục hécta, với hàng ngàn cây thông bị chặt hạ đang ngã đổ ngổn ngang cùng với những đám cháy đang bốc khói nghi ngút.
Nhiều ngôi nhà đã mọc lên trên đất rừng. |
Người dẫn đường cho chúng tôi biết: “Lâm tặc dùng cưa máy hạ cây rất nhanh và sau đó đưa cả xe có động cơ lớn vào tận đây kéo gỗ xuống vùng sình ở phía dưới kia để xẻ gỗ”. Ngay bên cạnh vùng rừng bị thảm sát này là một trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng Bảo Lâm.
Khi chúng tôi vào trạm này, ông Hoàng Văn Cư – một trong hai cán bộ trực bảo vệ của trạm – vẫn đang ngồi uống trà; trong khi bên ngoài là những đám cháy và hàng ngàn cây thông bị đốn hạ ngổn ngang. Ông Cư nói: “Lâm tặc đông, tinh vi và hung dữ lắm! Mỗi lần chúng vào rừng, thường đi thành từng đoàn đông người, mình chúng tôi thì không làm gì được”.
Có hay không sự bao che?
Qua câu chuyện với ông Hoàng Văn Cư, chúng tôi được biết: Trong rất nhiều người vào đây phá rừng, có một đối tượng rất đáng lưu ý là Nguyễn Trường Th. Nguyễn Trường Th trước kia làm nghề đốt than nên còn gọi là “Th than”; nhưng nay, “Th than” đã mất tên bởi anh ta không còn làm nghề đốt than, mà đã chuyển sang “nghề” chuyên phá rừng lấy gỗ và lấn đất rừng để trồng càphê. Cùng với Nguyễn Trường Th, trong vùng rừng bị chặt phá còn có hơn chục căn nhà - trong đó có nhà được xây dựng bán kiên cố, đã mọc lên trái phép cùng với nhiều vườn càphê cũng được trồng trái phép trên đất rừng.
Theo ông Chủ tịch xã Tân Lâm (huyện Di Linh) Phạm Minh Chiến, thì hầu hết chủ nhân của các căn nhà được dựng trái phép trên đất rừng thuộc tiểu khu 163 kia của huyện Bảo Lâm là người của xã Tân Lâm. Ông Phạm Minh Chiến cho biết: “Không ít lần cơ quan chức năng như công an, kiểm lâm... vào đây khảo sát, thống kê nhưng việc giải tỏa thì hầu như không mang lại hiệu quả gì!”.
Câu hỏi được đặt ra: Liệu có hay không sự làm ngơ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trước nạn “chảy máu” của rừng vùng giáp ranh giữa Bảo Lâm và Di Linh? Hôm chúng tôi đến trạm bảo vệ rừng để cùng uống trà với ông cán bộ trực bảo vệ Hoàng Văn Cư, quả là không quá khó khăn để nhìn thấy cảnh hàng trăm cây thông vừa bị chặt hạ đang héo ngọn. Ông Cư giải thích: “Lâm tặc “ken” cây xong (khoét gốc) rồi đổ axít hoặc thuốc bảo vệ thực vật vào để cây chết nhanh hơn và lén chặt hạ. Chúng tôi biết, nhưng không làm gì được!”.
Ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - xác nhận: Qua điều tra bước đầu, việc rừng thông bị chặt hạ hàng loạt để lấy gỗ và canh tác nông nghiệp tại tiểu khu 163 là đúng. Huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương điều tra để khởi tố vụ án và khởi tố các đối tượng tàn phá rừng ở đây!
Theo Bao LĐ
Hiện nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở mà người dân vẫn thường gọi "Sổ đỏ" luôn là câu chuyện của sự ì ạch, chậm trễ và vòng vo...
Dưới danh nghĩa là SV mang tên Phương Anh, Trần Thị Tho đã kể về nỗi khổ khi mang thai một mình với anh Thành - một đại gia buôn bán ôtô ở TP HCM. Tho không hề đòi hỏi hay đề nghị anh Thành hỗ trợ bất cứ thứ gì về tài sản, tiền bạc, khiến anh Thành càng tin tưởng và gửi cho Tho tổng cộng 200 triệu đồng.
Không tem kiểm định, nơi sản xuất, không có xốp tản lực khi va chạm… Những chiếc MBH mỏng tang, nhẹ hều chỉ có hình thức bên ngoài bắt mắt vẫn bày bán công khai, tràn ngập đường phố. Điều đáng nói, những chiếc MBH không đảm bảo chất lượng lại được đa số người dân sử dụng để qua mặt CSGT.
(HBĐT) - Ngày 25/3, TAND tỉnh đã tổ chức phiên toà lưu động xét xử sơ thẩm xét xử vụ án giết người tại huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Ngày 25/3, Công an thành phố Hoà Bình đã phối hợp với Ban giám hiệu Trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật Tây Bắc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường bộ và tác hại của ma tuý cho hơn 100 sinh viên nhà trường nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và tác hại của ma tuý cho sinh viên.
(HBĐT) - Ngày 25/3, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác ANTT năm 2010 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2011.