Ở phía Tây thành phố Đồng Hới có một cơ sở sản xuất gốm sứ đang “ăn nên làm ra”. Ông chủ công ty là cựu chiến binh Trần Đức Huấn, thuộc Đoàn tàu không số huyền thoại. Trước lúc lên đường ra Hà Nội dự Hội nghị tổng kết 5 năm CCB toàn quốc làm kinh tế giỏi, ông đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm khó quên về cuộc đời ông. Đó là những ngày cùng đồng đội vượt sóng gió trên Biển Đông. Phục viên, ông lại vượt qua mọi gian truân để làm kinh tế, vươn lên làm giàu.
Ký ức hào hùng
Để phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, có những con đường "xẻ dọc Trường Sơn", "xẻ ngang Trường Sơn", rồi cả "xẻ dọc Biển Đông" đi cứu nước. Và ông Trần Đức Huấn vinh dự được tham gia trên cả hai tuyến đường trên bộ và trên biển.
Năm 1967, ông tham gia lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu trên Quốc lộ 12A ở miền Tây Quảng Bình. Đơn vị N74 của ông có nhiệm vụ bảo đảm mạch máu giao thông từ Cổng Trời đến đèo Mụ Giạ, là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Sau hơn một năm lao động và phục vụ chiến đấu quên mình, lập nhiều thành tích xuất sắc, ông được đi học Trường Đại học Hàng hải. Tháng 5-1970, đang là sinh viên năm thứ nhất, ông xung phong vào bộ đội hải quân và được về công tác ở Lữ đoàn 125. Là thế hệ thứ hai của đơn vị anh hùng nhưng các chuyến vận chuyển vào Nam vẫn không kém phần gay go, nguy hiểm. Nếu các chuyến tàu đi trước cần đầy mưu trí dũng cảm, thì những chuyến sau này càng đòi hỏi trí tuệ hơn, can trường hơn, thậm chí có lúc phải "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" như trên đường bộ.
Trung sĩ Trần Đức Huấn công tác trên Tàu 412, tàu có trọng tải 50 tấn, do đồng chí Hoàng Ngọc Vĩnh làm thuyền trưởng, Hoàng Văn Đồng làm Chính trị viên. Nhiệm vụ chủ yếu của tàu là vận tải chi viện cho chiến trường Đường 9 và Trị Thiên, nhưng cũng có những chuyến đi xa, vào tận Cà Mau, sang cả Cam-pu-chia, chở súng đạn, xăng dầu, lương thực và cả xe tăng, thiết giáp nữa.
Ông Huấn kiểm tra sản phẩm bát đựng mủ cao su trước khi xuất xưởng. |
Có nhiều chuyến đi đầy nguy hiểm trong sự truy cản của tàu chiến và máy bay Mỹ ngụy; riêng chuyến đi năm 1972, ông Huấn và những thủy thủ trên tàu không thể quên. Dạo ấy để phục vụ chiến trường K, con tàu có trọng tải hơn 100 tấn chở hàng vào chi viện. Ông Huấn lúc ấy phụ trách hàng hải, cùng con tàu chạy xa trên vùng biển quốc tế vào biển Tây. Tàu rời bến Đồ Sơn đúng ngày 26-3, qua hàng ngàn hải lý đến đảo Phú Quốc rồi Thổ Chu, gặp bão trú lại nhiều ngày. Khi biển lặng, vào gần đất liền qua nhiều lần phát tín hiệu không thấy trả lời, các đêm sau cũng vậy, biết là cơ sở đã bị lộ, tàu được lệnh quay ra. Để tránh sự nhòm ngó của địch, lại lênh đênh trên vùng biển quốc tế nhiều tháng liền. Khi về đến Hải Phòng đúng ngày 2-9, vậy là con tàu đã hành trình gần 6 tháng giữa muôn trùng bão tố…
Sau hơn 12 năm phục vụ chiến đấu, Trung úy Trần Đức Huấn từ chức vụ hàng hải đã được cử làm thuyền trưởng. Ông gắn bó với Lữ đoàn anh hùng đến năm 1982 thì được nghỉ theo chế độ bệnh binh. Về quê hương trong điều kiện sức khỏe hạn chế và khó khăn chung của cả nước, ông lại bắt tay vào cuộc chiến mới chống đói nghèo.
Đi lên từ đất và lửa
Hoàn cảnh gia đình ông Huấn lúc bấy giờ rất khó khăn, mẹ già, con nhỏ, vợ không có việc làm. Phường Nam Lý đất chật người đông, với 36.000 đồng phụ cấp mỗi tháng, ông không biết làm gì để tạm đủ ăn. Ban đầu ông lên rừng đốn củi về chợ bán. Thấy phá rừng như thế không ổn, lại quá vất vả nên ông chuyển qua nấu tinh dầu tràm, cũng không có lãi. Ông lại chuyển sang kinh doanh thu mua phế liệu. Làm được mấy năm, có được ít vốn ban đầu, ông mua lại cả khu nhà xưởng của Xí nghiệp Gốm sứ Quảng Bình sắp giải thể để lấy sắt vụn bán. Tính nhẩm bán cả mấy bộ khung nhà sắt sẽ có lãi lớn, ông đã mừng. Nhưng khi thấy đội ngũ công nhân ở đây đang thất nghiệp, nhiều tháng trời không có lương, ông thấy thương họ và quyết tâm vực lại cơ sở sản xuất này. Hợp đồng thuê lại mặt bằng và nhân công để sản xuất gốm sứ, ông đã vạch ra con đường đi lên từ đất sét và ngọn lửa. Mơ ước là vậy nhưng để thực hiện nó không phải dễ dàng.
Để học nghề gốm, ông xin đến làm nghề cho làng gốm Bát Tràng. Vừa học vừa làm, làm là chính, làm để mà học, học trong thực tế, nên ông không ngại khi được cử làm bất cứ việc gì. Từ nhào nặn đất đến cào than, đốt lò, dọn vệ sinh... Vừa làm ông vừa quan sát công thức, cách duy trì lửa, tráng men. Sau nhiều ngày tháng vất vả, ông chủ lò gốm Bát Tràng biết ông Huấn có tâm huyết với nghề gốm, đã tận tình truyền nghề và vào tận Quảng Bình giúp ông xây lò, hướng dẫn cách nung.
Sản phẩm làm ra đang bán chạy trên thị trường thì tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) chia tách, hợp đồng của ông bị hủy. Mất nhiều vốn liếng đầu tư nhưng không nản chí, ông lại về mở lò tại nhà để sản xuất gạch men ốp tường và lan can sứ. Sản phẩm làm ra bán không kịp, nhưng cũng bị đình chỉ bởi công việc của ông gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều đêm dài suy nghĩ, cuối năm 2000 ông Huấn quyết định vào Tây Nguyên tham quan cách làm ăn. Khi vào Đắc Lắc, biết Xí nghiệp Sản xuất bát đựng mủ cao su và nhựa thông ở đây đang bên bờ vực phá sản, ông đã xin tiếp nhận để sản xuất. Sau khi kiện toàn lại tổ chức, thay thế thiết bị và cải tạo lại lò cũ, ông Huấn đã làm cho xí nghiệp này có sức sống mới, sản phẩm làm ra ngày càng tăng. Công nhân sau nhiều tháng không có lương đã được trả lương đầy đủ, từ chỗ mỗi người được hưởng 400.000đồng/tháng đã tăng lên 2.700.000đồng/tháng. Doanh thu mỗi năm từ hàng trăm triệu đồng đã lên tới 3 tỷ đồng. Nhiều năm liền, ông được tuyên dương là CCB làm kinh tế giỏi của tỉnh Đắc Lắc, được đi báo cáo điển hình toàn tỉnh.
Đầu năm 2008, mặc dù đang làm ăn rất thuận lợi ở Đắc Lắc nhưng ông Huấn vẫn trở về Quảng Bình để góp sức xây dựng quê hương. Các nông trường, trang trại trồng cây cao su và thông nhựa ở địa phương lúc này đang phát triển mạnh. Được lãnh đạo tỉnh và Hội CCB tỉnh khuyến khích, ông quyết định mở cơ sở sản xuất bát đựng mủ. Mạnh dạn thuê hơn 2ha ở vùng gò đồi phía Tây thành phố Đồng Hới, ông xây nhà máy sản xuất gốm với quy mô hiện đại. Sau gần một năm xây dựng cơ sở hạ tầng, sắm máy móc thiết bị, tuyển dụng công nhân, đến nay cơ sở của ông đã làm ăn rất ổn định. Đội ngũ công nhân từ chỗ vài ba chục người nay đã tăng lên 80 người, trong đó có 12 người là con em các CCB trong tỉnh. Con em của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là con của các CCB, ông tận tình giúp đỡ. Trên vùng đất mới, công nhân ngày càng đông, lương bình quân ngày càng cải thiện, hiện nay mỗi người có hơn 3.000.000đồng/tháng, là mức lương tương đối cao so với các xí nghiệp trong vùng. Sản phẩm làm ra mỗi năm càng tăng về số lượng và đẹp về chất lượng. Riêng 6 tháng đầu năm Xí nghiệp Đức Huấn đã sản xuất được 2,7 triệu sản phẩm bát đựng mủ cao su, doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ không những trong tỉnh mà còn vươn xa vào tận các tỉnh Tây Nguyên. Cơ sở của ông gần như “độc quyền” về loại bát đựng mủ ở khu vực miền Trung, bởi chất lượng rất tốt, giá thành hợp lý.
Không những sản xuất kinh doanh giỏi, ông Huấn luôn thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước và tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, ông luôn quan tâm giúp đỡ, ủng hộ người nghèo và gia đình các CCB có hoàn cảnh khó khăn. 15 người tham gia Đoàn tàu không số hiện còn sống của Quảng Bình (trong tổng số 30 người), đều có hoàn cảnh khó khăn, trừ ông Huấn, bởi vậy việc giúp đỡ đồng đội là điều ông xác định phải làm thường xuyên. Dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, là phó trưởng Ban liên lạc CCB tàu không số ở tỉnh Quảng Bình, mặc dù mưa to gió lớn nhưng ông vẫn đi khắp nơi trong tỉnh, liên lạc với đồng đội để tổ chức cho đàng hoàng. Đồng chí Lương Tiến Đại, Chủ tịch CCB tỉnh Quảng Bình nói với tôi:
- Không phải bây giờ mà đã nhiều năm nay, ông Trần Đức Huấn là một CCB biết vượt qua khó khăn, làm kinh tế giỏi, giúp đỡ con em trong Hội rất nhiệt tình. Ông Huấn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Theo QĐND
"Nhìn lại 20 năm hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của Interpol. Những kết quả đó đã khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực bảo đảm an ANTT trong thời kỳ hội nhập" - GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
(HBĐT) - Thượng tá Bùi Văn Hiền, Trưởng Công an huyện Lạc Sơn cho biết: Trong những năm qua, Lạc Sơn chịu tác động không nhỏ của tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, tình trạng say rượu gây rối trật tự xã hội. Mặt khác, hàng năm, trên địa bàn huyện có đến hàng nghìn lượt người đi làm ăn xa khi trở về địa phương mang theo một số thói hư, tật xấu, mắc tệ nạn xã hội, làm nảy sinh phức tạp về ANTT. Hiện nay, số đối tượng, người nghiện ở Lạc Sơn chủ yếu là thanh niên đi làm ăn xa mắc nghiện mang về địa phương.
(HBĐT) - Ngày 28/10, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo sỹ quan dự bị năm 2011 theo Quyết định số 1831/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc mở lớp đào tạo sỹ quan dự bị năm 2011. Dự lễ khai giảng có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh quân khu 3, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh.
(HBĐT) - Công an huyện Lạc Thủy vừa tham mưu UBND huyện thành lập cụm ANTT bắc Lạc Thủy gồm 3 xã, thị trấn: Thanh Nông, Phú Thành và thị trấn Thanh Hà. Sau gần 1 tháng thành lập, mô hình đã từng bước khẳng định được tính hiệu quả. Hoạt động của cụm đã có tác dụng xóa bỏ dư luận về các hoạt động cờ bạc đông người trên địa bàn; tổ chức vây bắt thành công 1 vụ trộm xe máy từ xã Phú Thành đến xã Thanh Nông, được nhân dân ủng hộ.
(HBĐT) - Đó là đánh giá từ BCĐ phòng - chống tội phạm, phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và buôn bán phụ nữ trẻ em tỉnh, qua 1 năm thực hiện Chỉ thị số 48- CT/TƯ của Bộ Chính trị về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.
(HBĐT) - Mai Châu là huyện có hệ thống giao thông thuận lợi, thúc đẩy KT-XH có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình hình tội phạm, TNXH trên địa bàn huyện có những diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi.