Thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) sau khi cơn bão tín dụng đen đi qua.

Thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) sau khi cơn bão tín dụng đen đi qua.

Sự giàu có giả tạo tại thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) đã qua đi, sau "cơn bão" tín dụng đen mang tên "Quang Quyên" với sự đổ bể của khoản tín dụng đen lên tới vài trăm tỷ đồng. Nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội khi nhiều gia đình vì nợ nần đành phải "tan đàn xẻ nghé"…

Quốc lộ 32 mở rộng, giao thông thuận tiện - thị trấn Phùng (Đan Phượng) huyện ven đô mới sáp nhập vào Hà Nội cách đây khoảng dăm năm - đã có sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Có một thời các dịch vụ môi giới bất động sản mọc lên như nấm, đâu đâu người ta cũng nói đến chuyện đầu tư, chuyện vay vốn… Nhưng sự giàu có giả tạo ấy đã qua đi, sau "cơn bão" tín dụng đen mang tên "Quang Quyên" với sự đổ bể của khoản tín dụng đen lên tới vài trăm tỷ đồng. Nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội khi nhiều gia đình vì nợ nần đành phải "tan đàn sẻ nghé"…

"Em bị lừa cho đến phút cuối cùng"

Lê Thị Thu (trú tại phố Thụy Ứng, thị trấn Phùng) thốt lên một cách tuyệt vọng! Hơn hai tháng trốn chui trốn lủi, tránh sự đòi nợ gắt gao của các chủ nợ, mới đây Thu và chồng là Nguyễn Văn Bính vừa trở về nhà. Vào thời điểm này, vợ chồng Thu, Bính đang là chủ nợ của vợ chồng Quang, Quyên với khoản tiền lên tới 26 tỷ đồng nhưng họ đồng thời cũng là con nợ của rất nhiều người khác.

"Vợ chồng em khổ đã đành, giờ còn kéo theo 60 - 70 người khác cũng rơi vào cảnh ngộ như mình, trong đó có cả người thân của gia đình. Vì thế, khi chúng em rơi vào cảnh này cũng chẳng ai giúp đỡ được", Thu giãi bày, mắt ngấn lệ. Theo lời của Bính thì Bính và Quang vốn là chỗ bạn học cũ. Khoảng 6 năm trước, Bính nhận khoan giếng thuê vẫn thường nhờ Quang vận chuyển đồ nghề, khi đó Quang chỉ là gã xe lam, kinh tế và uy tín chưa có được như sau này.

Thời gian sau đó, Bính xin vào làm hợp đồng tại một bệnh viện ở Hà Nội nên hai bên ít có dịp gặp nhau. Bẵng đi một thời gian, khoảng đầu năm 2010, Quang cùng vợ chủ động đến gặp Bính đặt vấn đề vay tiền làm ăn. Từ lần gặp gỡ đó, Quyên thường chủ động tiếp cận Thu hỏi vay tiền. Đây là một trong các thủ đoạn tinh vi của vợ chồng Quang, Quyên. Họ thống nhất, lợi dụng vào mối quan hệ quen biết, sau đó Quyên sẽ tìm cách tiếp cận với những người phụ nữ là "tay hòm chìa khóa" để vay tiền.

Các lần vay tiền, Quyên đều nói rằng để đảo nợ ngân hàng rồi vay vốn để buôn bán bất động sản. Quyên chi tiêu rất hào phóng và trả lãi suất hằng tháng rất đầy đủ, vì thế có khoản tiền hơn một tỷ đồng có khi Thu chỉ biên nhận bằng vài chữ "Chị Quyên vay tiền của vợ chồng Thu, Bính"

Kể đến đây, đôi mắt Thu đỏ hỏe còn Bính thì ngồi lặng thinh. Sau biến cố lớn của gia đình, Bính già sọm hẳn đi, đôi mắt thâm quầng mệt mỏi. Khi vợ chồng Quang, Quyên bỏ trốn, mang theo hy vọng của hàng trăm con người thì vợ chồng Thu, Bính cũng bị các chủ nợ đến nhà đòi tiền, bị đánh đập cho đến thâm tím mặt mày.

"Của đau con xót", nhiều người vì tiếc của còn đe dọa nếu không trả lại tiền thì sẽ bắt cóc con của họ. Cực chẳng đã, vợ chồng Thu, Bính buộc phải dắt díu nhau bỏ trốn lên Hà Giang. Giờ đây, vợ chồng họ có nguy cơ bị đẩy ra ngoài đường bất cứ lúc nào khi căn nhà, từng là tổ ấm của vợ chồng họ cũng đang đứng tên một chủ sở hữu khác.

Bính ngồi thẫn thờ khi thấy vợ sụt sùi, cũng bộc bạch: "Cho đến trước ngày bỏ trốn, Quyên vẫn lừa vợ chồng tôi. Hôm đó gần rằm Trung thu, Quyên mang biếu vợ chồng tôi một hộp bánh Trung thu. Hộp bánh không ngờ trị giá nhiều tỷ đồng chị ạ. Rồi nó bảo vợ chồng tôi cho mượn chiếc xe ôtô đi cầm cố mấy hôm sau sẽ trả nhưng sau đó thì mang chiếc xe đi luôn", Bính đau xót. 

Con chim chết vì miếng mồi …

Nỗi đau nhân lên gấp bội ở những nơi cơn bão tín dụng đen tràn qua như thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên); thị trấn Phùng (Đan Phượng)... Nhiều gia đình đang yên ấm bỗng chốc "tan đàn sẻ nghé", vợ phải xa chồng, con phải lìa mẹ. Một bầu không khí ảm đạm bao trùm khắp các làng quê vốn thanh bình yên ả: Giữa đêm khuya một vài vụ đòi nợ thuê; tiếng cãi vã của các cặp vợ chồng vì nợ nần.

Cá biệt, có người định tìm đến cái chết, giải thoát cho bản thân… Những người đi gom tiền thì bị sức ép đòi tiền, người trót thế chấp sổ đỏ thì bị ngân hàng thông báo đòi nhà. Còn những người đã đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng Quang, Quyên thì đang sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu vì không biết tài sản của mình đã bị cầm cố ở đâu.

Con nợ Nguyễn Thị Cúc và vợ chồng Thu, Bính.

Vụ vỡ nợ tín dụng đen của Nguyễn Thị Cúc tại Phú Xuyên; vụ vỡ nợ tại thị trấn Phùng hay vụ do Nguyễn Thị Dậu ở Hà Đông và đối tượng Phạm Thị Chinh ở Hà Nội thực hiện, thủ đoạn không mới so với những vụ vỡ hụi của hàng chục năm trước đây. Vẫn là đối tượng lợi dụng mối quan hệ quen biết, tạo dựng niềm tin, trả với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng… nhưng vẫn có rất nhiều người rơi vào cái bẫy tín dụng đen. Chỉ có khác hơn một chút là giờ đây số tiền chiếm đoạt lớn hơn nhiều, đối tượng cũng tinh vi hơn khi chúng biết nhằm vào những gia đình có kinh tế khá giả, có uy tín và có khả năng huy động vốn.

Trở lại vụ vỡ nợ tín dụng đen tại thị trấn Phùng, gặp các chủ nợ của vợ chồng Quang, Quyên đồng thời cũng đang là "con nợ khủng" của những "cầu dưới", chúng tôi đã phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao ngay cả những người nông dân hiền lành, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", thậm chí cả người tu hành cũng bị "xoáy" vào cơn lốc tín dụng đen mà số tiền khi bị vỡ nợ khiến người ta phải giật mình.

Câu chuyện của chị Dung, một trong các chủ nợ của Quyên, sẽ giúp bạn đọc hình dung được về "bức tranh" ảm đạm của các vụ vỡ nợ tín dụng đen đang hoành hành tại Hà Nội thời gian qua. Trước đây, Dung từng có công việc ổn định tại một ngân hàng. Dạo đó thấy người ta "làm tiền" (cách gọi dân dã của những người cùng huy động vốn), Dung và chồng cũng bàn bạc nhau huy động vốn.

Mỗi tháng Dung hưởng chênh lệch tiền lãi là 30 triệu đồng do Quyên trả. "Ngồi mát, ăn bát vàng", Dung lao vào vòng xoáy của tín dụng đen như một con thiêu thân, tổng số tiền vợ chồng Dung đang nợ khoảng 10 tỷ đồng. "Có lúc, túng quẫn hai vợ chồng bàn nhau hay là uống một liều thuốc ngủ cho quên đi tất cả. Nhưng em lại nghĩ đến 3 đứa con nhỏ, đứa bé nhất mới được 5 tháng tuổi. Giờ em đã mất phương hướng và không còn khả năng trả nợ", Dung giãi bày.

Đó cũng là tâm trạng chung của những người là nạn nhân của các vụ vỡ nợ tín dụng đen ở Hà Nội trong những ngày qua. Cơn lốc tín dụng đen đã tác động đến hoạt động kinh doanh cũng như trật tự an toàn xã hội. Một số doanh nghiệp có khả năng đứng trên bờ phá sản vì thiếu vốn, vì những khoản tiền quá hạn ngân hàng không có khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, tình hình ANTT cũng tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp với các vụ thuê côn đồ đòi nợ, siết nợ… kéo theo đó là các phản ứng dây chuyền dù lực lượng Công an và chính quyền sở tại đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm đảm bảo tình hình ANTT và đời sống xã hội.

Thực tế từ các vụ vỡ nợ trên cho thấy, khả năng thu hồi nợ trong vụ việc này là rất khó thực hiện. Bởi các khoản tiền từ tín dụng đen đã bị chia ra rất nhiều phần. Một phần về tay những người được hưởng lợi từ tín dụng đen mang lại, số tiền này đã đưa vào ăn chơi, việc này kéo dài trong một thời gian, không có khả năng thu hồi. Một phần khác được đưa vào kinh doanh bất động sản, trong khi đó thị trường này hiện đang "đóng băng", một số người để có tiền trả nợ buộc phải chấp nhận bán với giá thấp hơn rất nhiều lần so với giá tiền đã bỏ ra mua đất.

Trong khi đó, các đối tượng huy động vốn cũng tìm cách tẩu tán tài sản, hoặc chuyển nhượng tài sản cho người khác đứng tên, việc chứng minh của cơ quan điều tra là rất khó khăn.  

Rời thị trấn Phùng, thị trấn Phú Minh… nơi cơn bão tín dụng đen vừa đi qua, trong tôi luôn day dứt bởi nước mắt và cảnh ngộ thê thảm của những người như chị Dung, chị Thu… Hậu quả của nó chắc chắn còn kéo dài, chưa thể giải quyết dứt điểm với bao hệ lụy

 

                                                            Theo Báo CAND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Lực lượng tự vệ Bảo hiểm xã hội tỉnh tích cực nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ, góp phần xây dựng KVPT thành phố ngày càng vững chắc.
Ông Mai Xuân Chiến, Phó giám đốc Chi nhánh Viettel Hòa Bình đại diện Tập đoàn viễn thông quân đội trao nhà “mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội” cho gia đình anh Vũ Quốc Hùng.

Bắt xe Camry chở 477kg tê tê cùng nhiều biển số giả

Khoảng 14h ngày 11.12, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường (PC 63) Công an Hà Tĩnh bắt xe ô tô Camry vận chuyển 447kg tê tê và hàng chục biển số giả.

Ném bật lửa vào phóng viên đang tác nghiệp

Trong ngày 11/12, tổ công tác Y2/141 của Công an Hà Nội đã phát hiện 2 vụ ngang nhiên chống lại người đang làm nhiệm vụ. Trong đó Chu Đăng Khoa là kẻ đã ném bật lửa vào một nữ PV Báo Pháp luật Đời sống đang tác nghiêp

Nghệ An: Cha đưa con gái vào tù

Được một đối tượng quen trong trại giam “đặt hàng”, Đặng Danh Văn gom heroin và bảo con gái mang đi bán. Khi con gái Văn đang giao hàng cho khách thì bị cơ quan công an ập vào bắt quả tang.

Chuyện về những người “vác tù và”  ở khu Thủy Sản

(HBĐT) - Mặc dù có quyết định thành lập từ năm 2009 nhưng cho đến giờ, 8 thành viên trong tổ tự quản về ANTT (TTQ về ANTT) ở khu vực Thủy Sản, phường Phương Lâm (TPHB) vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế độ ưu đãi nào. Tuy vậy, họ vẫn duy trì hoạt động, tích cực đảm bảo giữ gìn ANTT ở một trong những điểm nóng, phức tạp nhất trên địa bàn thành phố.

Xứng danh phong trào của toàn dân

Có thể nói, phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Big C: Bảo vệ tiếp tay, nhân viên trộm cắp

Nhóm trộm của Thuỷ "móm" đã bàn cách mua chuộc bảo vệ Cửu của siêu thị Big C. Mỗi lần Cửu "làm ngơ" là nhận được 500.000đ. Còn 5 nữ nhân viên của Big C thì cho quần áo vào hộp bánh để qua mắt thu ngân siêu thị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục