Sau khi nghe HĐXX tuyên án, chị Như cảm thấy trời đất sụp dưới chân mình. Nhìn người chị họ thân thiết với gia đình, người đã "lo" chị bị mất nhà khi "cắm" sổ đỏ ở hàng cầm đồ bình thản ra về, chị càng uất nghẹn. Chị đã thua ngay giữa công đường.
Một ngày đẹp trời, bất ngờ chị Nguyễn Bạch Như, hộ khẩu thường trú ở đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận được tin, Ngân hàng HB Bank khởi kiện đòi phát mại ngôi nhà của gia đình chị để thu món nợ mà người khác vay hơn 4 tỷ đồng. Niềm hy vọng cuối cùng của chị là nhờ đến các cơ quan pháp luật để bảo vệ sự ngay tình cho chị, rằng chị không vay số tiền đó, rằng thửa đất hơn 100m2 mà 20 con người đang sinh sống là của gia đình chị. Thế nên khi Hội đồng xét xử quyết định ngân hàng được quyền phát mại ngôi nhà để thu hồi nợ, chị như ngất xỉu…
Dụ bố mẹ ủy quyền cho con, dụ con làm giấy tờ bán nhà…
Tìm đến Báo CAND với lá đơn trình bày sự việc, văn bản sơ thẩm xét xử ngày 18/1/2012 của TAND TP Hà Nội cùng nhiều giấy tờ liên quan khác, nước mắt chị Như lăn dài. Chị cho biết, đầu năm 2010, chị vay của một người quen 300 triệu đồng, lãi suất 1,2%/tháng. Để vay số tiền này, chị phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên ông Nguyễn Công Chức, bố đẻ của chị.
Thế rồi một hôm, chị Lê Thị Dư, người họ hàng có quan hệ thân thiết với gia đình chị khuyên nên rút sổ đỏ về, nếu cứ đặt sẽ có lúc bị mất nhà. Không chỉ vậy, chị này còn bảo sẽ cho chị Như vay 300 triệu đồng và hứa sẽ vay tiền ở ngân hàng giúp. Lo sợ cắm sổ đỏ ở hàng cầm đồ dễ bị mất nhà như lời cảnh báo, chị Như vay luôn số tiền này và đem ra chuộc sổ đỏ về. Chị không ngờ, mình "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa".
Gia đình chị Như (Hoàng Mai-Hà Nội) đang lo sợ căn nhà này bị ngân hàng phát mại. |
Chị Như cho biết, ngày 29/3/2010, chị Dư mời công chứng viên đến tận nhà mình làm "Hợp đồng ủy quyền", trong đó có nội dung: Bố mẹ chị Như là ông Nguyễn Công Chức, bà Bùi Thị Hảo, chủ sở hữu phần còn lại của thửa đất 117, ở phường Vĩnh Hưng có diện tích 125,6m2 (trong đó có 22,7m2 ngõ đi chung) ủy quyền cho con gái là chị Như được: "thế chấp hoặc đảm bảo nghĩa vụ dân sự cho bên thứ ba vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng và toàn quyền xử lý tài sản nêu trên theo quy định của pháp luật khi ngân hàng, tổ chức tín dụng phải phát mại tài sản thế chấp; được làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để cho thuê, chuyển nhượng, tặng…".
Chỉ vào dấu điểm chỉ trên bản "Hợp đồng ủy quyền" lập tháng 3/2010, chị Như nói, bố mẹ chị đều già yếu. Bản thân bố chị còn bị liệt nửa người nên đến cả việc điểm chỉ cũng phải có sự giúp đỡ của người khác. Cũng như chị, họ không mảy may nghi ngờ lòng tốt của chị Lê Thị Dư. Thế nên sau đó, chị Dư nói là sang tên cho chồng chị ta là ông Nguyễn Văn Thuận, để ông này lập hồ sơ vay vốn ở ngân hàng giúp, chị tin ngay.
Ngày 13/4/2010, tại Văn phòng công chứng Thái Hà, bản "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa ông bà Nguyễn Công Chức, Bùi Thị Hảo mà đại diện là chị Nguyễn Bạch Như cho ông Nguyễn Văn Thuận, trú tại phường Vĩnh Hưng được thực hiện, trong đó có nội dung: "Chuyển nhượng cho bên B (ông Thuận) quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất còn lại tại thửa đất số 117; giá chuyển nhượng là 300 triệu đồng".
Một thửa đất có diện tích hơn 100m2, ở quận Hoàng Mai ở thời điểm sốt đất đầu năm 2010 lại có giá chuyển nhượng 300 triệu đồng? Chuyện khó tin nhưng có thật trên bản "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" mà chị Như ký kết với ông Thuận. Bởi ký kết chuyển nhượng với giá quá rẻ mạt như vậy nên chị Như tin rằng, đây là việc làm để hợp lý hóa hồ sơ vay tiền ngân hàng chứ họa có… người điên mới bán nhà rẻ như vậy. Chị không ngờ rằng, nó lại là căn cứ pháp lý quan trọng để ngân hàng có quyền phát mại và thu hồi nợ. Và chị cũng càng không tin, bản hợp đồng này là thứ giấy tờ để ông Nguyễn Văn Thuận đến UBND quận Hoàng Mai sang tên GCNQSDĐ, và trở thành chủ nhân thửa đất...
Khi ra tòa mới biết mình bị lừa
Trước khi nhận được giấy triệu tập của tòa án, chị Như được Dư cho biết đã thế chấp sổ đỏ ở một ngân hàng khác để vay 2 tỷ đồng và tháng 10/2010 sẽ chuyển lại quyền sử dụng đất cho bố mẹ chị. Mãi đến khi tham dự phiên xét xử ngày 18/1/2012 vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng", chị Như mới biết, ngày 16/6/2011, Ngân hàng HB Bank ký kết hợp đồng tín dụng trung - dài hạn với ông Nguyễn Văn Thuận và bà Lê Thị Dư.
Theo đó, ngân hàng này cho họ vay 3,8 tỷ đồng; lãi suất 26%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn; mục đích vay để mua đất xây dựng nhà kho phục vụ sản xuất kinh doanh; tài sản đảm bảo cho các khoản nợ phát sinh là quyền sử dụng thửa đất số 117 đứng tên chủ sử dụng là ông Nguyễn Văn Thuận. Sau khi vay, ông Thuận, bà Dư không trả tiền gốc, tiền lãi vì vậy từ ngày 25/7/2011, Ngân hàng chuyển toàn bộ số nợ sang thành nợ quá hạn. Hiện tổng số nợ là 4,458 tỷ đồng. Nếu không thanh toán, ngân hàng đề nghị xử lý tài sản bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ.
Chị Như không tin vào tai mình khi biết, thửa đất đứng tên bố mẹ mình đã được sang tên đổi chủ. Chị còn tá hỏa khi thấy, người mình tin tưởng giao cả gia tài lại "đổi trắng, thay đen" như vậy. Đó là khi, Hội đồng xét xử (HĐXX) đọc đơn xin xét xử vắng mặt của ông Nguyễn Văn Thuận, trong đó có nêu: Việc chị Như bán nhà đất là tự nguyện, hai bên tự định giá, giao tiền. Sau khi mua bán, ông Thuận sang tên sổ đỏ đứng tên mình… Bi kịch là ở chỗ, đến khi ra chốn công đường, chị Như biết mình bị "lật kèo".
Số tiền 300 triệu quá nhỏ so với giá trị thửa đất trên 100m2 của gia đình chị được coi là "giá thỏa thuận, tiền trao, cháo múc". Chỉ vì tin, nên chị mới làm hợp đồng chuyển nhượng với ý nghĩ chỉ mang tính hình thức để làm thủ tục vay tiền ngân hàng, nào ngờ…
Đứng trước tòa, chị Như trình bày lại việc mình vay của chị Dư 300 triệu đồng, thỏa thuận ủy quyền cho ông Thuận, chồng chị ta quyền sử dụng đất để vay ngân hàng chứ không phải bán cho ông ta. Chị Như cũng đề nghị tòa tuyên không phát mại tài sản và hiện đang gửi đơn đến cơ quan Công an để giải quyết những vấn đề phát sinh với chị Dư.
Đề nghị của chị Như không được chấp nhận. HĐXX quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng HB Bank đối với ông Nguyễn Văn Thuận, bà Lê Thị Dư; buộc ông bà này thanh toán 4,458 tỷ đồng (cả gốc và lãi). Trường hợp ông Thuận, bà Dư không thanh toán nợ, Ngân hàng HB Bank đề nghị cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp; việc tranh chấp "Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ" giữa ông Thuận và chị Như sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi các đương sự có đơn yêu cầu và còn thời hạn khởi kiện.
Sau khi nghe HĐXX tuyên án, chị Như cảm thấy trời đất sụp dưới chân mình. Nhìn người chị họ thân thiết với gia đình, người đã "lo" chị bị mất nhà khi "cắm" sổ đỏ ở hàng cầm đồ bình thản ra về, chị càng uất nghẹn. Chị đã thua ngay giữa công đường.
Trò chuyện với tôi, chị Như cay đắng cho biết, việc chị tin người khiến cả nhà đang có nguy cơ bị đẩy ra đường là sai lầm nghiêm trọng. Là công nhân may, một mình nuôi hai con, gánh nặng cơm áo đè nặng lên vai chị. Khi có cơ hội làm ăn, chị cần vốn nên mới nhờ cậy bố mẹ cho mượn giấy tờ nhà đất. Có tài sản thế chấp nhưng việc làm thủ tục, hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng quá rườm rà nên chị mới tìm đến "tín dụng đen".
Khi nghe chị Dư cảnh báo khả năng mất nhà nếu "cầm" sổ đỏ cho tư nhân, chị đã tin theo chị ta. Trước và sau phiên tòa, chị nhiều lần đến nhà vợ chồng Thuận - Dư đòi nợ nhưng không gặp họ, nay thì chẳng biết ở đâu. Hiện chị đã gửi đơn lên cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội đề nghị làm rõ việc làm trên của vợ chồng này. Mặt khác, chị cũng gửi đơn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội đề nghị xét xử lại để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị.
Là người tham gia xét xử nhiều vụ án "tranh chấp tín dụng", ông Phạm Tuấn Anh, Chánh tòa Kinh tế, TAND TP Hà Nội cho biết, những vụ án có tính chất như vụ án nêu trên chiếm khoảng 1/3. HĐXX biết rõ mười mươi chủ tài sản là nạn nhân song vẫn không thể xử khác bởi "án tại hồ sơ". Sẽ còn bao nhiêu dân lành "sập bẫy" "tín dụng đen", "cò" tín dụng? Làm thế nào để tránh rơi vào cái bẫy chết người này? Cơ quan pháp luật liệu có biện pháp nào bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân? Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đăng tải về vấn đề này. |
Theo CAND
Chiều 9/3, Công an tỉnh Hà Giang đã ký quyết định khởi tố vụ án 4 "quan huyện" đánh bạc trong nhà nghỉ.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, vừa có thêm một đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy xuyên quốc gia từ Lào đưa vào Việt Nam tiêu thụ đã bị lực lượng này phối hợp với Công an tỉnh Savannakhet của Lào triệt phá thành công.
Chiều 8/3, Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết một đường dây chuyên dùng vàng giả lừa các tiệm vàng tại địa bàn vùng giáp ranh Bình Dương và Đồng Nai vừa bị triệt phá.
Chiều ngày 8/3, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam cho biết, cách đây 3 ngày, bệnh viện tiếp nhận em Bùi Xuân Thịnh (16 tuổi, học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Núi Thành) trong tình trạng chấn thương sọ não nguy kịch.
(HBĐT) - Thời gian qua, số vụ trộm cắp tài sản gia tăng đột biến trên địa bàn thành phố Hòa Bình, đặc biệt là trộm cắp xe máy chiếm khoảng 63% tổng số vụ mất trộm tài sản.
6h15’, biết không thể thuyết phục được đối tượng ra đầu thú, những người chỉ huy trận đánh quyết định tấn công. Một lực lượng cán bộ, chiến sỹ của Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát cơ động được lệnh áp sát phòng tum, nơi đối tượng đang ẩn náu. Khi cánh cửa phòng vừa giật bung ra, một quả lựu đạn cay, lựu đạn nổ nghi binh được tung vào, rơi cạch trên nền đất.