Bản đồ đo đạc giao đất khoán rừng năm 1994 (tờ bản đồ số 5) của xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã được lập không đúng với thực tế. Trong ảnh: Cán bộ địa chính xã Thanh Hối rà soát, đối chiếu bản đồ giao đất, khoán rừng cho các hộ dân.
(HBĐT) - Khu đồi Mó Đác - Khụ Ra (xã Thanh Hối, Tân Lạc) có tổng diện tích thực tế là 30.220 m2. Năm 1995, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, khu đồi này đã được giao cho 7 hộ gia đình ở xóm Sung 1 và xóm Chiềng Nen (xã Thanh Hối). Cuối năm 1995, 7 hộ gia đình này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với tổng diện tích trên giấy là 104.000 m2 (gấp 3 lần so với thực tế).
Một vụ kiện hy hữu
Ngày 28/3/2011, TAND huyện Tân Lạc nhận được đơn của các ông: Bùi Văn Đựng, Bùi Văn Thương và bà Bùi Thị Đoàn (xóm Sung 1, xã Thanh Hối) kiện các ông Bùi Văn Hải, Bùi Văn Đậu, Bùi Văn Tăng, Bùi Văn Dọn (xóm Chiềng Nen) vì đã canh tác vào đất của 3 hộ dân xóm Sung 1. Điều đặc biệt là cả 7 hộ gia đình này đều đã trình ra được trước tòa giấy CNQSDĐ do UBND huyện Tân Lạc cấp, kèm theo đó là biên bản giao đất, giao rừng và các giấy tờ liên quan... thể hiện quyền sử dụng hợp pháp khu vực đất đồi này. Để có căn cứ giải quyết vụ việc, TAND huyện Tân Lạc đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ khu vực đất tranh chấp. Xem xét, thẩm định thực địa cho thấy, diện tích tổng thể toàn bộ thửa đất tranh chấp giữa các hộ là 30.220 m2, hiện đang do 4 hộ dân xóm Chiềng Nen canh tác trồng cây keo và lim. Tuy nhiên, theo toạ độ trên bản đồ, khu đất này lại trùng khớp vào vị trí được cấp GCNQSDĐ của 3 hộ dân xóm Sung 1.
Để có cái nhìn đầy đủ, khách quan nhất về vụ việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Bùi Văn òn, cán bộ địa chính xã Thanh Hối và gặp gỡ từng hộ gia đình.
Tại trụ sở UBND xã Thanh Hối hiện nay vẫn còn lưu giữ sổ địa chính và tờ bản đồ số 5 có ghi chép đầy đủ, chi tiết thông tin về các thửa đất đang trong diện tranh chấp. Các biên bản giao đất - giao rừng thể hiện việc giao đất - giao rừng có sự chứng kiến của đại diện Hạt kiểm lâm, UBND xã, HTX và cán bộ quản lý ruộng đất. Sau khi được giao đất - giao rừng, ngày 23/11/1995 tất cả 7 hộ gia đình đều được UBND huyện Tân Lạc cấp GCNQSDĐ.
Khi rà soát trên tờ bản đồ số 5, các lô đất tranh chấp này không hề trùng lên nhau, thậm chí cách nhau khá xa. Cụ thể, các thửa đất số 155, 156, 157 thuộc khu vực đồi Mó Đác - Khụ Ra. Các thửa đất số 176, 177, 191, 192 lại nằm rải rác tại khu Núi Nhót. Vậy tại sao lại xảy ra sự tranh chấp?
Qua trao đổi, tất cả 7 hộ gia đình đều khẳng định là được giao đất tại khu vực quả đồi giáp ranh giữa xóm Sung 1 và xóm Chiềng Nen. Tuy nhiên, cũng là khu đồi đó nhưng các hộ dân xóm Sung 1 gọi là đồi Mó Đác, còn các hộ dân bên xóm Chiềng Nen gọi là đồi Khụ Ra. Tại 7 biên bản giao đất - giao rừng của các hộ gia đình này cũng thể hiện tên gọi khác nhau như vậy. Tìm hiểu lại phương thức giao đất - giao rừng năm 1994 cho thấy, các hộ gia đình được HTX giao đất theo hình thức khoanh bao, căn cứ chủ yếu là giáp ranh và hướng, các hộ gia đình tự chia, không tiến hành đo đạc cụ thể.
Do đó, tại biên bản hoà giải về việc tranh chấp đất được lập ngày 20/1/2011 tại UBND xã Thanh Hối, các bên liên quan đều có chung một nhận định là: “Khi giao đất - giao rừng, hai HTX Nam Thanh và HTX xóm Sung không có sự phối hợp, thoả thuận; một quả đồi nhưng hai xóm lại có hai tên gọi khác nhau dẫn đến việc giao trùng. Khi làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cấp giấy CNQSDĐ, cấp có thẩm quyền (lúc bấy giờ là Phòng địa chính huyện Tân Lạc - PV) đã cấp giấy CNQSDĐ mà không xem xét, thẩm định nên không phát hiện ra sự chồng chéo.
Người nông dân “vác sổ đỏ” đi tìm đất
Nghiên cứu, xem xét tờ bản đồ giao đất, khoán rừng, bản đồ đo đạc năm 1994 của xã Thanh Hối (tờ bản đồ số 5) và các giấy CNQSDĐ của 7 hộ gia đình, chúng tôi đã phát hiện ra khá nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý đất đai, cấp giấy CNQSDĐ. Trên tờ bản đồ số 5, toàn bộ diện tích đất rừng của xã Thanh Hối đã được chia thành các thửa nhỏ, giao hết cho người dân. Nhiều khu vực rừng sinh thái, rừng già tự nhiên như khu vực Đồi Thôi với rừng cây nguyên sinh cổ thụ cũng đã được giao và cấp giấy CNQSDĐ cho người dân. Cũng trên bản đồ, các thửa đất rừng được chia vuông vắn và có diện tích khá đồng đều như “ô bàn cờ”. Vì cách “chia đất trên giấy” này nên nếu nhìn trên bản đồ không hề có việc giao đất trùng lặp như tại xóm Sung và xóm Chiềng Nen! Nhìn thẳng vào thực tế, ông Bùi Văn òn - cán bộ địa chính xã Thanh Hối xác nhận: “Bản đồ đo đạc giao đất khoán rừng khoanh bao năm 1994 đã được lập không đúng với thực tế!”. Đây chính là lý do vì sao bản đồ địa chính đất lâm nghiệp của xã Thanh Hối được can vẽ khoa học, chính xác năm 2007 theo Quyết định 672/QĐ - TTg lại khác hoàn toàn so với bản đồ đo đạc giao đất, khoán rừng năm 1994.
Trong khi đó, bản đồ khoanh bao năm 1994 là cơ sở để năm 1995, phòng Địa chính huyện Tân Lạc trích lục và cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân xã Thanh Hối. Khi bản đồ đã không chính xác thì giấy CNQSDĐ cũng sai sót so với thực tế là điều không thể tránh khỏi. Tất cả các giấy CNQSDĐ được cấp năm 1995 cho các hộ gia đình này đều ghi rõ trích lục bản đồ theo tỷ lệ 1: 10.000 nhưng các thửa đất đều được trích lục cẩu thả, diện tích lớn thì vẽ nhỏ và ngược lại; thậm chí giấy CNQSDĐ của ông Bùi Văn Đựng có đầy đủ con dấu, chữ ký của Trưởng phòng Địa chính và Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc nhưng ngày/tháng/năm cấp thì lại để trống?!
Giao đất trên giấy, giấy CNQSDĐ không đúng với thực tế - đây chính là nguyên nhân cơ bản của việc hàng loạt người dân xã Thanh Hối phải “vác sổ đỏ” đi tìm đất. Trong đó, nhiều hộ dân xã Thanh Hối có “sổ đỏ” trong tay nhưng đành phải chấp nhận không có đất vì nếu chiếu theo bản đồ thì khu đất đó đã có người canh tác ổn định từ lâu, thậm chí một số hộ dân ở đội 9 - HTX Nam Thanh như ông Bùi Văn Kỳ, Bùi Văn Bẩm... có “sổ đỏ” nhưng phải chấp nhận không có đất vì nằm ở vị trí giáp ranh, theo kiểu ước lệ, chia tượng trưng. HTX đã chia “nhầm” cho các ông vào đất của xã Gia Mô và xã Lỗ Sơn. Theo số liệu thống kê của UBND xã Thanh Hối, số hộ dân của xã hiện đang có sổ đỏ nhưng thực tế không có đất canh tác là khá nhiều. Lý giải tình trạng này, cán bộ địa chính xã cho biết thêm: Nhiều hộ gia đình khi được giao đất, cấp giấy CNQSDĐ nhưng đã bỏ hoang đất không canh tác hoặc canh tác nhưng không lưu ý đến diện tích, giáp ranh. Khi tranh chấp xảy ra giữa một bên là người có giấy CNQSDĐ hợp pháp, một bên là người canh tác ổn định từ nhiều năm nay được những hộ giáp ranh công nhận thì chính quyền chỉ có thể giải quyết theo hướng hoà giải, chia đôi diện tích và đề nghị cấp “sổ đỏ” mới.
Trở lại với vụ kiện hy hữu của 7 hộ dân xóm Sung 1 và xóm Chiềng Nen. Ngày 16/9/2011, TAND huyện Tân Lạc đã ra quyết định số 13/2011/QĐST-DS công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Trong đó nêu rõ: Các đương sự đã cùng thoả thuận chia đều diện tích đất đồi tranh chấp trên thực tế là 30.220 m2; mốc giới thửa đất do các bên tự phân định theo nguyên tắc thoả thuận; cây cối thuộc hộ nào thì hộ đó sử dụng. Ngoài ra, các hộ đều thống nhất sẽ giao trả lại giấy CNQSDĐ cũ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền và đề nghị cấp lại giấy CNQSDĐ cho từng hộ theo diện tích và mốc giới phân định mới theo thoả thuận.
Trước những sai sót, bất cập trong công tác quản lý đất đai, cấp giấy CNQSDĐ tại xã Thanh Hối, chúng tôi đã có buổi làm việc đồng chí Bùi Văn Tện - Trưởng phòng TN-MT huyện Tân Lạc xác nhận: “Vì tiến hành giao đất, giao rừng theo hình thức khoanh bao nên đã không tránh khỏi những sai sót khi cấp giấy CNQSDĐ. Nổi lên là sai sót về vị trí và diện tích thửa đất. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều có tình trạng này. Mới đây, phòng TN-MT cũng giải quyết vụ việc ở xã Ngọc Mỹ, 1 quả đồi được giao cho 5 hộ gia đình nhưng khi đo đạc thực tế cả quả đồi thì tổng diện tích không bằng diện tích đất trong 5 giấy CNQSDĐ cộng lại. Trước đó, phòng TN-MT đã phải tiến hành hoà giải nhiều vụ việc tương tự tại các xã Quyết Chiến, Do Nhân, Mỹ Hoà, Mãn Đức...”.
Hiện nay, để khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng này, huyện Tân Lạc cùng với các địa bàn khác trong toàn tỉnh đang tiến hành đo đạc địa chính theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc “lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, xét duyệt cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp”. Khi hoàn thành việc triển khai Quyết định 672/QĐ-TTg sẽ giải quyết 3 vấn đề: thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 khu vực đất lâm nghiệp và đồi núi chưa sử dụng; hoàn thành việc giao đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng phục vụ sản xuất phát triển kinh tế; trên cơ sở bản đồ địa chính tiến hành đăng ký, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp, đất đồi, núi chưa sử dụng cho các đối tượng sử dụng đất. Việc điều chỉnh và cấp mới giấy CNQSD đất lâm nghiệp theo diện tích và tình trạng canh tác thực tế sẽ hạn chế được tình trạng tranh chấp đất đai, góp phần ổn định xã hội.
Dương Liễu
(HBĐT) - Đồng Tâm là xã thuộc vùng trung tâm của huyện Lạc Thủy. Xã có trên 1.600 hộ với hơn 5.600 nhân khẩu, sinh sống tại 18 thôn, xóm. Xã có địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều xã ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, cán bộ, nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở, giữ gìn bình yên thôn, xóm.
Đuổi theo vài chục mét, đối tượng đã mệt nhoài cũng như thấy mũi “vây ráp” phía bên phải tiếp cận, khóa chặt lối chạy, hắn vội đổ sụp xuống ruộng. Thúc thủ trước sự khống chế của tổ công tác, Quang chỉ kịp nói một câu: “Xin các anh cho em nghỉ tí”.
Để đảm bảo an toàn, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào về với đất Tổ, Công an tỉnh Phú Thọ đã tổ chức, triển khai nhiều phương án bảo vệ cụ thể trong những ngày qua và trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.
(HBĐT) - Ngày 28/3, tại huyện Kim Bôi, Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh) đã phối hợp với các Ban Tuyên giáo 11 huyện, thanh phố tổ chức hội nghị giao ban phối hợp chỉ đạo công tác tư tưởng văn hóa trong LLVT.
(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hoà Bình nhận được đơn của ông Bùi Ngọc Phụng (trú tại số nhà 45, tổ 3, phường Đồng Tiến, TPHB) kiến nghị về việc tranh chấp đất với hộ ông Vì Văn Diện (tổ 3, phường Đồng Tiến, TPHB). Để có cái nhìn đầy đủ, khách quan về vụ việc, PV Báo Hoà Bình đã tiến hành xác minh tại thực địa và có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường Đồng Tiến.
(HBĐT) - TAND tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hành chính về việc khởi kiện Phòng ĐKKD thuộc Sở KH- ĐT tỉnh Hoà Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 4 và lần thứ 5 đối với Công ty CP Bột và giấy Hoà Bình (CPB&G HB).