Ông Nguyễn Ngọc Năm: “Tôi nhiều lần kêu to: Tôi là nhà báo”

Ông Nguyễn Ngọc Năm: “Tôi nhiều lần kêu to: Tôi là nhà báo”

Ngày 9-5, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm - trưởng phòng phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế của Đài Tiếng nói Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về việc bị công an đánh khi đang tác nghiệp tại Văn Giang (Hưng Yên).

 

Cũng hôm qua, ông Bùi Huy Thanh - chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên - xác nhận lãnh đạo tỉnh này đang yêu cầu làm rõ vụ việc.

“Tôi bị đánh và còng tay”

Khẳng định rằng mình đã tuân thủ đúng pháp luật về báo chí đồng thời làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết ông từng đến nhiều “điểm nóng” nhưng chưa bao giờ nghĩ đến tình huống mình bị công an đánh. Ông Năm nói tiếp:

- Trước ngày diễn ra việc cưỡng chế, tôi có dự buổi họp báo do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên chủ trì. Trong buổi họp báo đó, đại diện tỉnh Hưng Yên (chánh văn phòng) đã trả lời rằng các nhà báo không nên đến khu vực cưỡng chế. Lý do đưa ra là để đảm bảo an toàn cho các nhà báo. Tuy nhiên, không có bất cứ quyết định nào bằng văn bản về việc này. Là nhà báo, tôi cần phải đến tận hiện trường quan sát để có thông tin định hướng một cách đúng nhất theo cách tiếp cận mà luật pháp cho phép.

* Tình huống nào khiến ông bị đánh hội đồng và bị còng tay?

- Đang đứng quan sát thì tôi nhìn thấy anh Hán Phi Long (phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam) bị một người mặc sắc phục công an đến hỏi. Nội dung hỏi gì tôi không nghe rõ, nhưng ngay sau đó họ xốc nách Long đẩy vào sát tường bao của nghĩa trang liệt sĩ cạnh đó. Tôi thấy hàng chục người gồm cả công an đánh Long bằng dùi cui, vụt vào mặt và đầu. Thấy đồng nghiệp bị đánh hội đồng, ôm bụng gục xuống, tôi chạy sang và hét lên nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, chúng tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sao các anh lại đánh nhà báo? Không được đánh, chúng tôi là nhà báo”. Họ buông Long và quay lại đánh tôi (như trong clip) và còng tay, mặc cho tôi ra sức thanh minh tôi là nhà báo. Nhưng cũng may, trong lúc họ tập trung đánh tôi, Long kịp chạy thoát và được người dân đưa ra trạm y tế cấp cứu. Tôi được dẫn giải lên xe thùng cùng với hai người dân, có cả phụ nữ, về Viện KSND Văn Giang để lấy lời khai.

* Đến khi nào thì lực lượng cưỡng chế, bao gồm công an, biết anh là nhà báo?

- Ngay sau khi đưa vào viện kiểm sát, tôi yêu cầu cảnh sát lấy từ túi áo tôi để kiểm tra các loại giấy tờ, họ mở còng cho tôi để lấy lời khai. Họ lập biên bản tạm giữ của tôi thẻ nhà báo, thẻ Đảng, thẻ hội viên Hội Luật gia Việt Nam, chứng minh nhân dân và điện thoại.

Họ giữ tôi tại trụ sở viện kiểm sát và Công an huyện Văn Giang để lấy lời khai hai lần. Ngay trước khi hoàn thành các thủ tục, tôi đề nghị với một thiếu tá, người lấy lời khai của tôi (anh Tiến, đội trưởng đội trọng án), để viết một lá đơn gửi giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên với ba nội dung: lãnh đạo Công an tỉnh cần có buổi làm việc với lãnh đạo của chúng tôi (trước nghỉ lễ 30-4) để làm rõ đúng sai, ai có lỗi phải chân thành nhận lỗi; tìm ra những người ra lệnh và người đánh chúng tôi để kiểm điểm, xử lý, rút kinh nghiệm; bồi thường tổn thất về sức khỏe, danh dự, tinh thần cho chúng tôi, nhất là phóng viên Phi Long. Sau đó một tuần không nhận được hồi âm, tôi có gọi điện hỏi anh Ngạn, giám đốc Công an Hưng Yên, anh Ngạn nói chưa nhận được. Ngày 2-5, tôi tiếp tục làm đơn lần thứ hai với nội dung tương tự. Ngày 3-5, giám đốc Trung tâm tin (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) gửi công văn đến công an tỉnh.

* Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ bị đánh như việc đã xảy ra hôm 24-4?

- Gần 15 năm làm báo, tôi đã đến rất nhiều điểm nóng trong nước và cả nước ngoài, những nơi thiên tai, lũ lụt nguy hiểm. Tôi cũng đã nghĩ đến những chuyện rủi ro giống như những người làm báo khác nhưng đó là chuyện chẳng may “tên rơi đạn lạc”, chưa bao giờ tôi cho rằng mình bị đánh như ở xã Xuân Quan hôm 24-4.

* Anh nói thế nào khi sự việc xảy ra đã nửa tháng mà không hề nhận được phản hồi từ Công an tỉnh Hưng Yên?

- Điều này để dư luận đánh giá thì rõ hơn. Tôi cũng không nằm ngoài phạm vi đó.

Ông Bùi Huy Thanh: “Phải xem lúc bị đánh họ có xưng là nhà báo không?” - Ảnh: LÊ KIÊN

Ngày 16-5 sẽ nghe các bên giải trình

Chiều 9-5, ông Bùi Huy Thanh - chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên - đã có cuộc làm việc với phóng viên một số báo xung quanh việc hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam xác nhận bị lực lượng chức năng hành hung gần khu vực cưỡng chế thu hồi đất tại xã Xuân Quan hôm 24-4.

Ông Thanh cho biết: “Ngày 8-5, đang họp Hội nghị trung ương 5 nhưng cả Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thông đã gọi điện về yêu cầu giải quyết khẩn trương sự việc này. Sáng nay (9-5), Vụ Pháp chế Văn phòng Chủ tịch nước cũng về làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên về toàn bộ vụ việc liên quan đến thu hồi đất tại Văn Giang, trong đó có nội dung hai nhà báo bị đánh. Cùng ngày, tôi đã làm việc với giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên Trần Huy Ngạn để thông báo yêu cầu của chủ tịch UBND tỉnh. Sau đó yêu cầu tổ công tác số 1, chốt số 3 xã Xuân Quan tường trình cặn kẽ sự việc. Ngày 16-5, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ có cuộc họp để nghe các bên tường trình sự việc, trong đó có lãnh đạo công an tỉnh, hai phóng viên và cơ quan quản lý họ là Đài Tiếng nói Việt Nam”.

“Quan điểm chỉ đạo về vụ việc này là xử lý nghiêm khắc nếu đúng đó là sai phạm của lực lượng chức năng. Chúng tôi mong hai nhà báo cung cấp băng gốc cho cơ quan công an vì phải có đầy đủ vật chứng, nhân chứng mới sớm xử lý được. Hơn nữa, cũng phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không, có thẻ hành nghề không hay là khi bị đưa về cơ quan công an mới xưng là nhà báo? Vấn đề này cần làm rõ mới xác định được tính chất vụ việc” - ông Thanh nói.

Khi phóng viên hỏi hai nhà báo đã xác nhận việc họ bị đánh, việc yêu cầu cung cấp băng gốc ghi lại chuyện bị đánh là rất khó vì hai nhà báo không phải người quay được cảnh chính mình bị đánh, ông Thanh cho rằng: “Phải có đầy đủ chứng cứ mới xử lý được vì hai nhà báo xác nhận mình bị đánh chỉ mới là một chiều, xem trên clip chỉ thấy người bị đánh đội mũ bảo hiểm, chưa rõ mặt là nhà báo thật hay không, giữa chuyện nhà báo đang tác nghiệp mà bị đánh và người chống đối bị đánh có tính chất rất khác nhau”. “Quan điểm là giải quyết thấu tình đạt lý, nhìn nhận ở mọi góc cạnh” - ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh tâm sự thêm: “Hôm đó tôi ngồi tại sở chỉ huy dã chiến, cầm bộ đàm chỉ đạo liên tục. Mình chỉ sợ trời nóng quá nên anh em cũng nóng lên, hung hăng làm chuyện gì đó không hay. Tôi luôn yêu cầu anh em phải hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn, thuyết phục nhân dân. Đến chiều 24-4, thấy anh em phản ảnh có một nhà báo bị bắt, tôi yêu cầu kiểm tra và phải thả ngay. Dù chưa có kết luận cuối cùng về tính thực hư của clip hai nhà báo bị hành hung nhưng dù đó là cảnh hành hung nhà báo hay dân cũng rất phản cảm”.

HOÀNG ĐIỆP - LÊ KIÊN

Hội Nhà báo Việt Nam đang tìm hiểu vụ việc

Liên quan vụ việc hành hung hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Hà Minh Huệ - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết ngày 9-5 hội đã cử cán bộ kiểm tra đến Hưng Yên làm việc với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới từ chuyến làm việc ấy.

Ông Huệ khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tích cực bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên. Tuy nhiên, cần phải có thời gian chứ không thể nôn nóng để có ngay câu trả lời được.

 

                                                                     Theo TuoiTre

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Lãnh đạo Công an tỉnh, Báo Hòa Bình và Đài PTTH tỉnh ký kết quy chế phối hợp.
Ban CHQS TPHB quan tâm xây dựng môi trường cơ quan văn hóa xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS TPHB trồng cây trong khuôn viên doanh trại của đơn vị.
Tiền giả được phát hiện tại Cửa hàng điện tử Lăng Hạnh- TP Hòa Bình.

Chính quyền xã Thanh Nông chậm trễ thực hiện quyết định giải quyết đơn khiếu nại của UBND huyện Lạc Thủy

(HBĐT) - Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh “Về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình đường cứu hộ nhân dân xã Thanh Nông”, ngày 9/7/2007, UBND xã Thanh Nông (Lạc Thủy) đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND “Về việc thành lập Ban GPMB để xây dựng tuyến đường phân lũ sông Đáy”.

Hội thi xây dựng và quản lý doanh trại chính quy xanh - sạch - đẹp, môi trường văn hóa tốt huyện Kỳ Sơn năm 2012

(HBĐT) - Ngày 8/5, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn đã tổ chức hội thi xây dựng và quản lý doanh trại chính quy xanh - sạch - đẹp; xe tốt - nhà xe tốt; môi trường văn hóa tốt năm 2012.

LLVT tỉnh củng cố vững chắc thế trận lòng dân

(HBĐT) - Xác định công tác dân vận chính là một trong những nền tảng cơ bản để xây dựng niềm tin giữa quân đội và nhân dân. Đồng thời, góp phần quan trọng vào củng cố thế trận lòng dân trong khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.

LLVT huyện Kỳ Sơn học tập và làm theo lời Bác

(HBĐT) - Đầu tháng 4, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn phối hợp với Công ty INT tổ chức trao học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi cho học sinh trên địa bàn huyện. Ngày được nhận học bổng là một ngày vui của gia đình, là niềm vinh dự, tự hào đối với các em Nguyễn Thanh Thúy, Bùi Thị Thu Uyên, học sinh trường tiểu học xã Dân Hòa và Nguyễn Huy Đạt, học sinh trường tiểu học xã Mông Hóa (Kỳ Sơn).

Chung quanh kiến nghị của ông Doãn Văn Huy ở tổ 31, phường Phương Lâm

(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hoà Bình đã nhận được đơn kiến nghị của ông Doãn Văn Huy ở tổ 31, phường Phương Lâm (TPHB) về việc gia đình ông bị gia đình bà Lý (vợ ông Nguyễn Văn Khuê) chiếm đất của gia đình tại khu đầm Quỳnh Lâm để xây dựng nhà ở. Phóng viên Báo Hòa Bình làm việc với các ban, ngành liên quan tìm hiểu, kết quả như sau:

Mai Châu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra

(HBĐT) - Ông Nghiêm Xuân Quý, Phó Chánh Thanh tra huyện Mai Châu cho biết: Là địa bàn vùng cao nên điều kiện phát triển KT-XH của huyện còn khó khăn. Xác định việc thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết KN-TC góp phần giữ ổn định ANCT-TTATXH trên địa bàn, Thanh tra huyện chú trọng xây dựng đội ngũ thanh tra vững vàng nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt 5 điều kỷ luật đối với cán bộ thanh tra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục