(HBĐT) - Vào trung tuần tháng 3, chúng tôi có mặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh gặp lại một nhân vật từng làm gieo rắc nỗi kinh hoàng với lực lượng công an và nhân dân địa phương. Dương Ngô Duy, SN 1973 ở thôn Đồng Gai, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, 1 trùm ma túy thực thụ vùng Kinh bắc, kẻ coi thường cả tính mạng mình khi hùng hồn tuyên bố “đằng nào cũng chết thà tự chết còn sướng hơn”. Ấy vậy mà khi gặp lại Duy, lần đầu tiên tôi thấy Duy khóc. Những giọt nước mắt nối dài khi Duy kể về gia đình, bố mẹ, những đứa con. Ngày giỗ bố mẹ, không về được, hắn ân hận, dằn vặt. Tính bản thiện trong con người tử tù thức tỉnh, dù muộn vẫn hơn không.
“Làng ma túy”…
Ngọc Vân là một xã thuần nông nằm ở phía tây của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Không có nghề phụ nên thu nhập của người dân nơi đây chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp. Ma túy xuất hiện ở Ngọc Vân đã vài chục năm, khởi đầu là một phụ nữ quê gốc Gia Lương, Bắc Ninh lấy chồng ở thôn Hội Phú, xã Ngọc Vân đi buôn thuốc phiện từ Sơn La về Ngọc Vân bán kiếm lời. Không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đồng tiền lại kiếm ra dễ dàng, thế là người này rủ rê người kia. Ma túy như căn bệnh truyền nhiễm, chẳng mấy chốc lan rộng khắp trong làng, ngoài xã. Đến đầu năm 1999, việc buôn bán thuốc phiện được nâng cấp, chuyển sang hêrôin và ma túy tổng hợp. Có thời điểm, toàn xã có tới 19 thôn với hơn 170 đối tượng buôn bán ma túy số lượng lớn, có tên buôn hàng trăm bánh. Điều này chỉ có thể lý giải là do lợi nhuận đem lại từ ma túy quá lớn. Mua một bánh ở Sơn La đem trót lọt về Bắc Giang bán sẽ thu lợi từ 30 – 40 triệu đồng. Không có vốn, xách thuê cũng kiếm được vài chiệu đồng/bánh. Số tiền đó bằng thu nhập của cả gia đình trong một tháng làm nông nghiệp. Ma lực của đồng tiền khiến nhiều người bất chấp tất cả và ở Ngọc Vân có không ít gia đình cả nhà cùng tham gia vận chuyển, buôn bán ma túy. Không cần lật sổ kiểm tra, cán bộ xã có thể kể vanh vách những gia đình ấy. Có những gia đình ở Ngọc Vân giàu nhanh chóng từ đồng tiền bất chính. Biệt thự mọc lên, xe hơi xuất hiện trên đường làng cũng là lúc Ngọc Vân nổi tiếng về ma túy. Người Bắc Giang đồn có lần, một nhóm nông dân ở Ngọc Vân đã vác tiền lên để mua cả dãy nhà trên phố. Sợ dính dáng đến ma túy nên không ai dám bán. Chẳng biết tin đồn chính xác được bao nhiêu phần trăm nhưng có một điều chắc chắn là khi nhắc đến Ngọc Vân, người ta nghĩ ngay đến nghề buôn ma túy. Người làng Ngọc Vân ở xa về tới ngã ba đình Trám, cách nhà hơn chục cây số, muốn đón xe ôm về nhà cũng khó bởi nói về Ngọc Vân, chả mấy bác tài dám đi vì sợ vô tình tiếp tay cho đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy. Cưới vợ thì còn đỡ chứ gả chồng cho con về Ngọc Vân, người ta cũng sợ bởi lỡ đâu nhà thông gia có dính dáng với cái thứ chết người kia thì cuộc đời con gái coi như bỏ hẳn…
Sinh ra, lớn lên trong bóng đen ma túy bao phủ, thật khó để một con người có thể đứng vững trước cám dỗ của những món hàng siêu lợi nhuận. Ngay từ khi còn nhỏ, Dương Ngô Duy chứng kiến biết bao gia đình tan nát vì ma túy, vợ không chồng, con không cha, những gia đình vắng bóng đàn ông. Tuy nhiên, cũng không thiếu gia đình giàu lên một cách nhanh chóng, hưởng cuộc sống giàu sang, phú quý. Với suy nghĩ non nớt, đứng giữa 2 con đường, không có người định hướng, Duy không biết nên chọn con đường nào cho đúng. Nếu làm ăn lương thiện, theo nghề truyền thống gia đình là làm nông, Duy sẽ sống thanh thản, không phải lo lắng, như vậy, cuộc sống sẽ khó khăn, thiếu thốn. Viễn cảnh về một cuộc sống an nhàn, giàu có, luồng suy nghĩ đó đã ám ảnh, gieo rắc vào con người Duy ngay từ nhỏ.
Buôn ma túy để đổi đời.
Lớn lên, Duy lập gia đình với một người con gái cùng quê, làm nghề nông, hiền hậu. Họ sinh được 2 con, 1 trai, 1 gái. Dù cuộc sống khó khăn, song mái ấm gia đình họ luôn tràn ngập tiếng cười, hạnh phúc. Các con ngày càng khôn lớn, gánh nặng vật chất, tiền bạc lại đè nặng lên vai 2 vợ chồng. Không chịu cảnh khó khăn, cơ cực, Duy tiếp xúc với đám bạn giàu có, biết rằng, có một cách làm giàu nhanh chóng mà không phải đổ mồ hôi, nước mắt, không phải chân lấm, tay bùn. Duy đánh nhắm mắt, đưa chân vào bùn lầy, thực hiện hành vi phạm pháp để biến ước mơ làm giàu trở thành sự thực. Từ đây, cuộc đời Duy bước sang một trang mới.
Khoảng đầu năm 2007, Duy lái xe chở thuê đồ gỗ gia dụng lên xã Tân Lãng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để giao cho Hà Văn Nhạy, SN 1973 ở xã Tân Lãng, huyện Văn Lãng. Từ đó, Duy và Nhạy trở nên thân thiết, làm việc gì cũng có nhau. Cả 2 tính toán một phi vụ làm ăn lớn.
Đầu tháng 4/2009, Duy bàn với Nhạy kinh doanh hêrôin. Theo đó, Duy sẽ tìm hàng về cho Nhạy bán với giá 170 triệu đồng/bánh. Thông qua các mối làm ăn, được “chiến hữu” giới thiệu, Duy biết Sồng A Pủa, người dân tộc Mông ở xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là một đầu mối, chuyên cung cấp hêrôin với số lượng lớn. Cần mua bao nhiêu bánh, Pủa cũng có, miễn là có tiền, làm ăn sòng phẳng, thù lao thỏa đáng. Sau đó, quy đã tìm gặp Pủa, thỏa thuận phương thức mua bán, giá cả. Pủa báo giá 7.400 USD/bánh. Mỗi bánh Duy được 40 triệu đồng tiền chênh lệch. Lóa mắt trước siêu lợi nhuận của ma túy, Duy về bàn với vợ, quy đổi toàn bộ gia sản của mình sang USD để mua ma túy. Khoảng 13h ngày 11/5/2009, Duy lái ôtô, mang theo 290.000 USD lên nhà Pủa, mua 40 bánh hêrôin. Sau khi lấy được hàng, Duy hẹn Nhạy đến nhà riêng để nhận. Sau khi đếm đủ 40 bánh hêrôin, Nhạy lấy 6,8 tỷ đồng trả cho Duy. Lần đầu tiên được cầm số tiền lớn, Duy không tin những gì đã xảy ra. Với người bình thường, như vậy đủ sống sung túc cả đời, song thói đời đâu có vậy. Lòng tham con người vô đáy, việc kiếm tiền trở nên quá dễ dàng, Duy quyết định thực hiện thêm nhiều chuyến hàng với số lượng ngày càng tăng. Ngày 26/6/2009, Duy một mình lái xe Camry mang theo 100.000 USD lên nhà Pủa để lấy “hàng”. Lần này, Duy nhận 49 bánh hêrôin từ Pủa.
Sau 2 lần buôn trót lọt 89 bánh hêrôin, nhận thấy việc buôn bán “hàng trắng” đem lại siêu lợi nhuận, Duy quyết định dồn toàn bộ tiền mà mình dành dụm được, thực hiện phi vụ làm ăn lớn. Nếu thành công, cả gia đình Duy sẽ sống cuộc sống vương giả Duy sẽ sống lương thiện, từ bỏ làm ăn phi pháp. Nhưng “vỏ quýt dành có móng tay nhọn”, toàn bộ hành trình mua bán ma túy của Duy đã bị lực lượng Công an đưa vào tầm ngắm. Đúng theo kế hoạch, ngày 5/8/2009, Duy thuê một chiếc xe Innova, tiếp tục mang tiền lên gặp Pủa, mua tiếp 120 bánh hêrôin. Sau khi nhận “hàng”, Duy hí hửng, đánh xe ngược trở lại Lạng Sơn để gặp Nhạy. Tuy nhiên, khi đến khu vực xã Phong Phú, (Tân Lạc), Duy bị lực lượng công an chốt chặn, bắt giữ cùng tang vật 120 bánh. Số lượng ma túy lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy kế hoạch bị bại lộ, với bản chất “máu lạnh” cho rằng, đằng nào cũng chết thà tự chết, còn sướng hơn, Duy dùng dao nhọn, lạnh lùng cứa cổ mình, máu me nhuốm đỏ buồng lái. Có lẽ, ông trời không để hắn chết để hắn còn ăn năn, nối cải, gặm nhấm lỗi lầm, trả giá vì những gì mình đã gây ra.
Nước mắt kẻ máu lạnh.
"Sinh có hạn, tử bất kỳ", câu nói người xưa lại không đúng với tử tù. Khi bản án tử hình được tuyên, cái chết đã được báo trước. Và cũng chính lúc mòn mỏi gặm nhấm từng giây phút cô độc khủng khiếp cuối đời; nỗi sợ hãi, ám ảnh cùng sự ân hận, giày vò của tội ác lên đến tột cùng; tiếc đời, khát vọng sống càng mãnh liệt.
Trái ngược lúc "đánh quả" hàng "trắng" không ghê tay, Duy luôn nơm nớp sợ hãi. Kết quả bản án tử hình phiên tòa phúc thẩm ngày 28-7-2011 vẫn không thay đổi, hắn chỉ còn nuôi hy vọng mong manh cuối cùng vào hai tờ đơn xin Chủ tịch nước ân xá. Từng giây phút, hắn mong được thoát tội chết, dẫu trong thâm tâm biết rằng, tội lỗi gây ra quá nặng. Ngắt quãng trong tiếng nấc nghẹn, Duy ân hận thú nhận "Em tự làm khổ bản thân, có tội với gia đình. Ðúng lúc các con rất cần bố, vậy mà...", rồi gục mặt xuống bàn day dứt. Duy cho biết, cách đây vài tháng là ngày giỗ của bố mẹ hắn, được gia đình thông báo mà không thể về được, Duy khóc rất nhiều. Hắn tâm sự với cán bộ quản giáo, bố mẹ nuôi em khôn lớn, dành biết bao hy vọng, đến khi bố mẹ mất đi, vẫn tin rằng, em là người tốt. Em có tội với bố mẹ, với gia đình rất nhiều. Tới đây, về gặp các cụ ở dưới suối vàng, có lẽ em không dám nhìn mặt mọi người. Giọt nước mắt của kẻ tử tù lăn dài, tính bản thiện được thức tỉnh dù muộn vẫn hơn không.
Cũng may 120 bánh hêrôin đã bị bắt giữ, nếu tán phát trót lọt, chỉ mình hắn sung sướng vì kiếm bộn tiền, còn biết bao thanh niên sẽ trở nên “thân tàn ma dại". Cuộc đời, ai biết được chữ ngờ. Trước đây đọc báo, cứ thấy buôn ma túy bị xử bắn là hắn rùng mình, thế mà bây giờ lại là "người trong cuộc" khi án tử luôn lơ lửng trên đầu. Bất đắc dĩ mới phải tước đoạt quyền sống một con người, trừ khi cái ác đó "trời không dung, đất không tha" và không thể phục thiện. Cũng một lần trở về với đất, nhưng hành trình ấy quá đớn đau. Khác hẳn vẻ lạnh lùng đến ghê rợn của tội đồ trên thương trường buôn ma túy, khi cái chết cận kề, những tử tù thật sự ăn năn, sám hối, tự vấn lương tâm.
Trung tá Nguyễn Khắc Hùng, Phân trại trưởng trại tạm giam Công an tỉnh, nhận xét: mới đầu vào trạm, Duy lầm lì, ít nói, ngại giao tiếp với mọi người. Hắn thận trọng, cảnh giác, đối phó với cán bộ điều tra, quản giáo, các phạm nhân khác nhằm che đậy quá trình phạm pháp. Sau khi cơ quan điều tra kết luận về đường dây buôn bán ma túy, bắt giữ những tên đồng phạm, tòa án nhân dân tuyên án tử hình thì hắn lập tức thay đổi quan điểm, cách sống tích cực hơn. Sự đời "có vay, có trả", có tử tù đã chấp nhận ra đi bởi chính họ biết rất rõ rằng, chỉ có cái chết mới khiến họ thanh thản, gột rửa hết tội ác tày trời. Hắn hòa nhã với mọi người, chấp hành mọi quy định của trại, không có biểu hiện tiêu cực, bất mãn, suy sụp. Tuyệt đối nghe lời cán bộ quản giáo, không chống đối la hét như những tử tù khác. Chính thái độ cởi mở, hòa đồng, hắn được cán bộ quản giáo và phạm nhân khác yêu mến, trân trọng. Trung tá Hùng kể, do bị cùm chân quá lâu, hắn bị tê cơ, đau khắp mình mẩy, chân không di chuyển được. Lúc đó là ban đêm, không chịu được, hắn la hét, gọi với cán bộ quản giáo. Đó là lần duy nhất hắn lớn tiếng. Ngay trong đêm, cán bộ quản giáo cùng với y tá đã có mặt, tiêm thuốc giảm đau, tận tình chăm sóc, động viên, không lâu sau hắn khỏi bệnh.
Duy là người sống tình cảm, rất nội tâm, thích được gần gũi, nói chuyện, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Nhiều lúc thèm được nói chuyện, tâm sự, hắn nài nỉ cán bộ lắng nghe hắn kể một câu chuyện. Sau những lần đó, hắn thấy nhẹ nhõm hơn. Duy nhớ gia đình, nhất là 2 con của hắn. Mỗi lần vào thăm gặp, Duy đều động viên 2 con cố gắng chăm ngoan, học giỏi, đừng vì bố bị tù tội chán nản, tự ti, nảy sinh tiêu cực. Chính nhờ những lời động viên đó, 2 chị em học hành giỏi giang. Vừa rồi, biết tin con gái đầu đỗ đại học ở Hà Nội, Duy vui lắm. Gặp quản giáo, hắn chuyện trò rôm rả, kể về con mà lòng tự hào, sung sướng. Trong lúc khó khăn, cùng cực, hắn thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên của gia đình, người thân. Người em trai của hắn làm nghề lái xe, 1 tháng đôi lần thăm gặp, hỏi han, động viên, thông báo tình hình gia đình để hắn yên tâm. Những lúc này, hắn mới nhận thấy cuộc sống giá trị biết chừng nào.
Thời gian dần trôi đi, ngày hắn bị hành hình không còn xa, song hắn vẫn lạc quan, yêu đời. Tính bản thiện trong con người hắn được thức tỉnh.
Thay lời kết.
Rời Trại tạm giam Công an tỉnh, chúng tôi ra về mang theo tâm trạng bâng khuâng, khó tả. Muốn giận, muốn trách hắn lắm vì những chuyến hàng ma túy trót lọt xưa kia đã kịp đày đọa biết bao người nghiện, xô đẩy biết bao gia đình vào cảnh "tan cửa, nát nhà". Duy cúi gằm mặt, lê từng bước trĩu nặng về buồng biệt giam lại gợi nhớ cho tôi những lần gặp những tử tù ma túy trước đây. Nó chất chứa phản xạ rất bản năng khi tiếp xúc với những người sắp vĩnh viễn giã từ cõi đời đang thèm sống, xen lẫn tiếc nuối cho những sai lầm không còn cơ hội sửa chữa và nỗi xót xa bởi sự mù quáng, tham lam vô độ của con người. Có lẽ, lời khuyên này sẽ không bao giờ muộn với những người đã và đang định làm giàu từ "cái chết trắng": hãy sớm tỉnh ngộ bởi ma túy không phải con đường dẫn đến thiên đường giàu sang hạnh phúc mà trái lại, đẩy con người ta đến địa ngục tối tăm, không lối thoát.
Hoàng Việt (TTV)
(HBĐT) - Vào hồi 13h10 ngày 17/4, tại Km 71, quốc lộ 6, trên địa bàn tổ 22, phường Đồng Tiến (thành phố Hoà Bình) xảy ra vụ tai nạn xe máy nghiêm trọng. Chiếc xe mô tô mang biển kiểm soát 28-H1 07876 không làm chủ được tốc độ va vào ta luy dải phân cách giữa đường đi bộ và đường dành cho ô tô, xe máy.
(HBĐT) - Thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, tham gia ủng hộ quỹ tiết kiệm xây dựng “Ngôi nhà 100 đồng” và “Góc học tập tình thương 100 đồng”, thời gian qua, tập thể CB-GV, CNVQP cùng toàn thể học viên trường Quân sự tỉnh đã sôi nổi hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, đem lại hiệu quả cao.
(HBĐT) - Theo thông tin từ Công an thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) vào hồi 17h ngày 15/4 tại gara sửa chữa ô tô Phúc Hảo, khu 11, thị trấn Hàng Trạm đã xảy ra một vụ tai nạn lao động làm anh Vũ Văn Phúc, sinh năm 1988, trú quán tại Nam Trực - Nam Định là thợ sửa chữa xe ô tô tại đây tử vong.
(HBĐT) - Ngày 16/4, tại Nhà văn hóa huyện Đà Bắc, TAND tỉnh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy đối với bị cáo Bàn Văn Ban, sinh năm 1980, trú tại xóm Ngù, xã Hiền Lương, Đà Bắc; Triệu Văn Tâm, sinh năm 1965, trú tại Suối Nhúng, Phúc Sạn, Mai Châu và Triệu Văn Thu, sinh năm 1972, trú tại xóm Tằm, Cao Sơn, Đà Bắc.
(HBĐT) - Ngày 16/4, TAND tỉnh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị can Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1966, trú tại xã Phú Minh (Kỳ Sơn).
(HBĐT) - Xã Trung Minh nằm ven quốc lộ 6, là địa bàn cửa ngõ TP. Hòa Bình. Xã có 7 xóm, phố, trong đó có 4 xóm nông nghiệp, 3 phố phi nông nghiệp với 1.630 hộ, trên 6.000 nhân khẩu, dân số phi nông nghiệp chiếm trên 60%. Năm 1999, trên địa bàn có 140 đối tượng nghiện ma túy, đến nay giảm còn 35 đối tượng. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, lực lượng công an phát huy vai trò nòng cốt, xã Trung Minh đã chủ động, tích cực đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy, từng bước ngăn ngừa, đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng.