Nhiều phụ huynh vẫn coi nhẹ chuyện đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi tham gia giao thông. Ảnh chụp tại trường tiểu học Đồng Tiến (TPHB).
(HBĐT) - Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng mô tô, xe gắn máy. Cụ thể, tại mục k, khoản 3, Điều 9 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng với hành vi chở người ngồi trên xe máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật”.
Theo đó, thời gian qua, các lực lượng chức năng, nhất là CSGT đã triển khai thực hiện với lộ trình rõ ràng, cụ thể. Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó phòng CSGT CA tỉnh cho biết: Phòng CSGT đã xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với ngành GD-ĐT, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới giáo viên, HS-SV, đoàn viên, hội viên các quy định của pháp luật về TTATGT. Trong đó, chú trọng nội dung quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng mô tô, xe gắn máy theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Công tác tuyên truyền được thông qua nhiều hình thức như cấp phát tờ rơi, lồng ghép vào nội dung hoạt động sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, qua các giờ ngoại khóa hoặc chuyên đề của các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT, THCS và tiểu học... Qua đó giúp mọi người nhận thức rõ tác dụng của việc đội MBH khi tham gia giao thông cũng như hình thức xử phạt nếu vi phạm. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng CSGT quán triệt rõ quá trình TT-KS sẽ kiên quyết xử lý đối với trường hợp không đội MBH cho trẻ em đủ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông như những lỗi vi phạm khác.
Lực lượng CSGT đã vào cuộc bằng việc xử phạt phụ huynh không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Tuy nhiên, có mặt ở khu vực cổng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Hòa Bình trước giờ học và giờ tan trường, chúng tôi thấy việc chấp hành quy định này còn khá hời hợt, đánh giá sơ bộ chỉ có khoảng 30 - 40% các bé được đội MBH khi được phụ huynh đưa đến trường. Họ có muôn vàn lý do để bao biện cho sai phạm của mình, nào là: “Từ nhà đến trường chỉ đi đoạn đường gần, đi trong đường xương cá thì cần gì đội MBH”, rồi “Con trẻ không thích đội nên chiều các cháu” hoặc “Vội quá nên quên”, “Trẻ không quen, đội nặng đầu, khó chịu”..., thậm chí còn có phụ huynh trả lời thản nhiên là không biết quy định về việc trẻ đủ 6 tuổi trở lên là phải đội MBH vì không thường xuyên đọc báo, nghe đài. Cũng không ít phụ huynh có suy nghĩ lực lượng chức năng không “nỡ” làm khó cho phụ huynh và các bé nên vẫn mặc nhiên vi phạm. Bên cạnh đó, tình trạng đội MBH cho trẻ theo kiểu đối phó vẫn còn diễn ra. Không ít trẻ bị phụ huynh cho đội MBH của người lớn hoặc sử dụng những chiếc mũ không đảm bảo chất lượng... ở trung tâm thành phố đã vậy, về khu vực nông thôn, quy định đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên bị các bậc phụ huynh phớt lờ bởi trong thực tế, ngay cả người lớn khi điều khiển mô tô, xe gắn máy đội MBH ở khu vực này chiếm tỷ lệ thấp, việc đưa, đón con đi học quên đội MBH là chuyện rất bình thường...
Những tưởng việc áp dụng xử phạt đối với các trường hợp không đội MBH cho trẻ đủ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông sẽ làm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh nhưng trên thực tế, các bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ con em mình. Vì vậy, thị trường MBH cho trẻ vẫn trong cảnh đìu hiu. Đến các cửa hàng kinh doanh MBH trên địa bàn TPHB, chúng tôi thấy, mũ dành cho trẻ em được bày bán khá nhiều. Giá mỗi chiếc MBH trẻ em dao động từ 100.000 - 230.000 đồng và kiểu dáng cũng khá đa dạng với đủ màu sắc, kích cỡ nhưng vẫn vắng khách mua. Chị Nguyễn Thị Hậu, chủ cửa hàng MBH cho biết: Thời gian gần đây, nhu cầu mua MBH cho trẻ đang có chiều hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, do các lực lượng chức năng còn có phần “nới tay”, nhận thức, ý thức của các bậc phụ huynh còn hạn chế và coi nhẹ. Vì vậy, hàng đã lấy về nhiều nhưng số lượng bán ra không như mong đợi.
Bất kể là ai, khi điều khiển hoặc ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông nếu không may bị tai nạn mà không đội MBH đều có nguy cơ bị chấn thương đầu nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong. Theo thống kê của BVĐK tỉnh, TNGT chiếm 1/2 các nguyên nhân khiến trẻ bị chấn thương sọ não phải vào bệnh viện. Đa số các trường hợp chấn thương sọ não ở trẻ em phải vào bệnh viện đều xảy ra ở trẻ không đội MBH. Bên cạnh đó, việc cha mẹ đội MBH cho trẻ sai kích cỡ, khối lượng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Coi nhẹ việc đội MBH cho con em mình khi tham gia giao thông sẽ bị các lực lượng chức năng xử lý và hơn nữa đó là nguy cơ cao có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề với con trẻ. Đã đến lúc các bậc phụ huynh không thể coi nhẹ, thờ ơ với quy định của Chính phủ.
(HBĐT) - Ngày 27/5, Đoàn công tác BCĐ chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm do Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng BCĐ làm trưởng đoàn đã làm việc với BCĐ phòng chống ma túy, mại dâm HIV/AIDS (Ban chỉ đạo 09) tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 09 cùng các đồng chí trong BCĐ tỉnh.
(HBĐT) - Tính từ ngày 15/4 cho đến ngày 24/5/2013, Đội CSGT - Công an huyện Đà Bắc đã tổ chức làm thủ tục sang tên, đổi chủ cho 12 phương tiện giao thông là xe máy của người dân trong huyện. Trong thời gian này Đội CSGT - Công an huyện Đà Bắc cũng đã làm thủ tục chuyển đi các địa phương khác cho 26 phương tiện.
(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hòa Bình nhận được đơn của ông Nguyễn Ngọc Mận, trú tại đội 5, thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Văn Thập, đại biểu HĐND xã Vĩnh Tiến, Trưởng thôn Kim Đức. Trong đơn nêu ông Nguyễn Văn Thập vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Năm 2010 đã chuyển hộ khẩu về Mỹ Đức - Hà Nội nhưng vẫn được đưa vào danh sách đề cử, trúng cử là đại biểu HĐND xã Vĩnh Tiến khóa XVIII, nhiệm kỳ 2011-2016, là Trưởng thôn Kim Đức từ năm 2004 đến nay. Quá trình làm Trưởng thôn, ông Thập không chấp hành sự lãnh đạo và các nghị quyết của chi bộ thôn.
(HBĐT) - Đồng chí Bàn Tiến Sỹ, Trưởng công an xã Bắc Phong (Cao Phong) cho biết: Xã Bắc Phong cách trung tâm thị trấn trên 1 km gồm 14 xóm với dân số 1.047 hộ, 4.505 nhân khẩu, có địa giới hành chính giáp ranh với các xã Thu Phong, Bình Thanh, Tây Phong, thị trấn Cao Phong, phường Thái Bình (TP. Hòa Bình) và xã Trung Hòa (Tân Lạc). Xã có tuyến quốc lộ 6A chạy qua và trục đường liên xã Bắc Phong - Tây Phong thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển lưu thông hàng hóa nhưng cũng là điều kiện cho bọn tội phạm hoạt động.
(HBĐT) - Đến ngày 23/5, toàn tỉnh đã gặt được khoảng 2.500 ha lúa vụ chiêm xuân, đạt 15% diện tích lúa gieo cấy. Phần diện tích lúa còn lại đã trổ bông, sẵn sàng cho thu hoạch rộ trong thời gian từ nay đến giữa tháng 6/2013. Tuy nhiên, trong quá trình thu hoạch lúa, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh đang bị người dân tự ý “trưng dụng” để tuốt lúa, phơi lúa, đốt rơm rạ… Việc lấn chiếm gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng, đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan có biện pháp can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người tham gia giao thông. Ghi nhận của phóng viên Báo Hòa Bình trên một số tuyến đường nội tỉnh.
(HBĐT) - Trong khoảng trung tuần tháng 5/2013, trên địa bàn TP. Hòa Bình, cơ quan Công an liên tục nhận được đơn trình báo về việc có nhóm đối tượng sử dụng xe máy cướp giật đồ của người dân trên đường phố, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. Qua xác minh, Công an TP. Hòa Bình đã xác lập chuyên án truy xét mang bí số CG 05/13 và giao cho đội CSĐT tội phạm hình sự nhanh chóng đấu tranh triệt phá.