Theo kết quả kiểm tra sơ bộ Công văn số 1042/C67-P3 ngày 26-4-2013 của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (ĐB-ĐS), TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong văn bản này, nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý.
“Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối Cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đây là nội dung mục 2 của Công văn số 1042/C67-P3 ngày 26-4-2013 của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông ĐB-ĐS ký ban hành ngày 26-4-2013.
Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc nêu hai nhóm hành vi “có lời nói đe dọa, lăng mạ”, “hành vi chống đối cảnh sát giao thông” với hành vi “quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ” đã thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau.
Với nội dung văn bản này, có thể hiểu, khi bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm buộc phải “được phép đồng ý” của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Và Cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định là “được phép” hay chưa, và xác định “đúng là nhà báo hay giả danh nhà báo”. Điều này không phù hợp các quy định hiện hành về quyền của nhà báo (hoặc người dân) khi quay phim, chụp ảnh.
Theo Cục Kiểm tra văn bản, pháp luật hiện hành chỉ quy định, trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim, chụp ảnh thì mới buộc công dân phải tuân thủ khi quay phim, chụp ảnh.
Cục Kiểm tra văn bản chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ (nếu không thuộc các trường hợp cấm, hạn chế). Như vậy, việc công dân thực hiện quay phim, chụp ảnh lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm không phải là hành vi bị pháp luật cấm.
Hơn nữa, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân CSGT không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo.
Việc Công văn số 1042 quy định nội dung “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản”, theo TS Sơn là càng thể hiện rõ hơn việc trao quyền cho CSGT truy hỏi, truy xét về giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định “đúng là nhà báo” hay “giả danh nhà báo”.
Tuy nhiên quyền “tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản” cũng không phù hợp với nhiệm vụ của CSGT khi tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Mặt khác, quay phim, chụp ảnh Cảnh sát giao thông khi đang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một hay một vài cá nhân cụ thể mà là ghi hình ảnh thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng (công khai) là bình thường, không cần phải được Cảnh sát giao thông (hay bất cứ cá nhân nào) có mặt ở nơi công cộng này “cho phép”.
Ông Sơn khẳng định, khi nhà báo tác nghiệp đúng Luật Báo chí thì không ai có quyền ngăn cản, truy xét.
Đối với mọi công dân khác (ngoài nhà báo) quay phim, chụp ảnh trong các trường hợp đã nêu cũng không phải là hành vi sai trái. Người dân hoàn toàn có quyền thực hiện việc này nếu không thuộc trường hợp pháp luật cấm hoặc hạn chế. Cũng không phải vì người đang quay phim, chụp ảnh “không phải là nhà báo” mà dễ dàng quy kết là “giả danh nhà báo”.
Việc xác định một công dân quay phim, chụp ảnh là “nhà báo” hay “giả danh nhà báo” tại nội dung Công văn số 1042 là điều không phù hợp với chức năng, thẩm quyền của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông khi quy phạm pháp luật.
Từ những phân tích nêu ở trên, Cục KTVB thấy rằng Công văn số 1042 có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý.
Về phía Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Lãnh đạo Bộ cho tổ chức họp với đại diện Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và một số cơ quan, đơn vị liên quan để trao đổi thêm về nội dung có dấu hiệu sai trái của Công văn số 1042/C67-P3. Trên cơ sở kết quả trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, Cục sẽ sẽ đề xuất tiếp hướng xử lý.
Theo Báo ND
(HBĐT) - Ngày 21/8, Ban chỉ đạo 09 huyện Cao Phong đã tổ chức hội nghị sơ kết kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013.
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT trong đợt nghỉ lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới.
(HBĐT) - Đã từng là một ông chủ của một nhà hàng lớn, từng có trong tay cả một đội xe tải chuyên chạy nông sản từ miền ngược về miền xuôi, nhưng rồi dính vào buôn bán ma tuý với mức án 11 năm tù, Bùi Văn Lưu ở xóm Vố, xã Kim Bôi (Kim Bôi) như người trắng tay khi mọi tài sản gia đình đều phải bán đi trả nợ. Bắt đầu từ công việc bảo vệ và giờ đây với sự hỗ trợ của Công an huyện Kim Bôi, người đàn ông hơn 40 tuổi này lại đang bắt đầu làm lại cuộc đời.
(HBĐT) - Từ ngày 19/8 – 30/9, thành phố Hòa Bình tổ chức ra quân đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị và VSMT trên địa bàn.
(HBĐT) - Trong 1 tháng, tính từ ngày 15/7-15/8, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT làm 5 người chết, 2 người bị thương. So với tháng trước tăng 1 vụ, 1 người chết. Trong đó, huyện Lạc Sơn xảy ra 2 vụ, TPHB và huyện Lương Sơn, mỗi nơi xảy ra 1 vụ. Có 4/5 vụ TNGT xảy ra giữa xe ô tô với xe mô tô trên quốc lộ.
(HBĐT) - sáng 20/8, Công an tỉnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 68 năm ngày truyên thống CAND (19/8/1945 – 19/9/2013). Đồng chí Hoàng Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy tới dự buổi gặp mặt.