CB-CS LLVT tỉnh tham gia quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

CB-CS LLVT tỉnh tham gia quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

(HBĐT) - “Từ xa xưa, cha ông ta đã đặt chân lên 2 quần đảo này và đặt chủ quyền dân tộc. Chúng ta tự hào khi là người Việt Nam và chúng ta cũng luôn vinh dự, tự hào khi nói: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam...”. Khi chất giọng trong trẻo của Nguyễn Hà Thu - học sinh lớp 5A5, trường tiểu học Hữu Nghị (TPHB) cất lên trong phần hùng biện ngoại khóa “Em yêu biển, đảo quê hương” những người có mặt như lặng đi rồi dâng trào theo những cảm xúc khó tả...

 

Tự hào lắm Hoàng Sa, Trường Sa!

 

Cảm xúc đó nói như cô Quách Hồng Điệp, Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Hữu Nghị: Ngay cả đến chúng tôi cũng chưa bao giờ có một cảm giác xúc động và tự hào đến thế khi được nghe học sinh của mình nói về biển, đảo. Đó là những khoảnh khắc thật thiêng liêng và vô cùng xúc động.

 

Quả thực, hiếm có khoảnh khắc nào trên sân trường sôi động tiếng nói, cười hồn nhiên của con trẻ lại trở nên nghiêm trang rồi lặng theo giọng trong trẻo, hồn nhiên của cô bé Nguyễn Hà Thu. Chính sự mạnh mẽ trong từng câu nói đã làm những người có mặt cứ lặng đi theo những cung bậc cảm xúc với niềm tự hào về tinh thần yêu nước bất khuất trải qua hàng nghìn đời của dân tộc đã dần được hình thành, hun đúc cho thế hệ măng non của đất nước. “... Trên nóc những cột hải đăng với lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới đã khẳng định một sự thật không thể chối cãi: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Từ xưa đến nay, kẻ thù luôn tìm cách gây hấn nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Nhưng không ai có thể làm rung chuyển tinh thần yêu nước bất diệt, sự bất khuất, kiên cường của dân tộc. Nó là một phần máu thịt của đất nước, dân tộc Việt Nam. Hình ảnh thuyền trưởng Bùi Văn Phải quấn cờ Tổ quốc vào bụng cùng với câu nói: “Tàu dẫu cháy, nhưng cờ không thể cháy” mãi là biểu tượng anh hùng, kiên định của người dân Việt Nam. Mỗi người dân đều là một chiến sỹ. Và mỗi chiến sỹ luôn đoàn kết với nhau để bảo vệ non sông, gấm vóc do cha ông ta từ xa xưa gây dựng nên...”. Nghe cô bé nói, có người thì lặng đi, người lặng lẽ giấu những giọt nước mắt xúc động. Tình yêu nước qua nghìn đời vẫn được hun đúc, trong khó khăn lại bùng cháy dữ dội. Chỉ giản dị vậy thôi.

 

Và tình yêu, niềm tin đó vẫn như ngọn lửa cháy sáng được truyền từ đời này đến đời khác. Từ những hùng binh thuở trước trần mình đạp sóng vươn khơi giữ đảo, giữ biển cho đến lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh tiếp bước cha ông trở thành những “hùng binh” Trường Sa, Hoàng Sa suốt bốn mùa sóng vỗ...

 

 

Những chàng “Sơn Tinh” nơi đảo xa

 

Những ngày canh trời, giữ biển, giữ đảo nơi nghìn trùng sóng vỗ với thượng tá Nguyễn Thanh Khoa, Chánh thanh tra Quốc phòng (Bộ CHQS tỉnh) đã trôi rất xa trong ký ức. Nhưng khi nói chuyện, cái thời làm “lính đảo” cồn lên trong nỗi nhớ...

Năm 1989, khi đang ở Lữ đoàn Tăng thiết giáp 408 đóng quân ở Quảng Ninh, anh lính trẻ Nguyễn Thanh Khoa cùng đơn vị được điều động vào Khánh Hòa tổ chức huấn luyện trong thời gian 2 tháng để chuẩn bị nhận công tác tại Trường Sa. Được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Kỳ Sơn, vốn quen với những dãy núi, bãi ngô, khoai xanh mướt chạy dài ven con sông Đà kỳ vĩ. Nay lại ra biển. Nơi địa đầu sóng gió  chưa từng biết với bao khó khăn, vất vả tưởng như có thể làm nhụt chí chàng trai trẻ ấy. Nhưng không, tôi lên đường với sự háo hức lạ kỳ. Dẫu biết phía trước là khó khăn, là hiểm nguy - thượng tá Nguyễn Thanh Khoa chia sẻ.

 

          

Tình yêu biển, đảo quê hương đã ngấm sâu vào máu thịt của những người dân Việt Nam. Ảnh: Học sinh trường tiểu học Hữu Nghị (TPHB) với phần thi ngoại khóa hùng biện về biển, đảo.

 

Sau 2 tháng huấn luyện khẩn trương với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” và gần 1 tháng lênh đênh trên biển, Nguyễn Thanh Khoa cùng Trung đội của mình chính thức trở thành “lính đảo” Trường Sa Đông giữa trùng khơi. Khi ấy, đảo Trường Sa Đông chỉ là một bãi san hô nhỏ, giống như cái bát úp nhô lên mặt biển. Không nước ngọt cũng chẳng cây xanh. Chỉ có sóng, gió và san hô sắc lẹm. Là những người đầu tiên đặt chân lên đảo Trường Sa Đông nên dù là lính chiến hay lính công binh họ cùng bắt tay vào xây dựng đảo giữa vô vàn khó khăn. Nhà dựng lên, có khi chỉ sau một trận sóng dữ lại đổ ụp xuống, trôi ra biển. Song, đó chưa phải là khó khăn nhất. “Với lính đảo khó khăn, gian khổ nhất đó là nước ngọt và rau xanh. Tất cả đều phải sử dụng một cách dè sẻn, tiết kiệm nhất có thể. Bởi đó chính là sự sống giữa trùng khơi. Ngoài ra, còn rất nhiều cái để nói là thiếu và nghĩ để thèm. Nhưng với lính đảo, cái thèm nhất là được nhìn thấy người lạ, được nói chuyện với người lạ và “thèm” được nghe thông tin từ đất liền. Điều đó, mỗi năm chỉ có một lần khi có tàu tiếp tế lương thực, thực phẩm nên ai cũng thèm” - nhớ lại thời kỳ còn là “lính đảo”, thượng tá Nguyễn Thanh Khoa chia sẻ. Dẫu vậy, khó khăn không thể quật ngã được những người lính đảo kiên cường.

 

Trong suốt 4 năm làm “lính đảo”, từ Trường Sa Đông đến Nam Yết, Nguyễn Thanh Khoa cùng đồng đội luôn chắc tay súng, kiên cường bám biển, giữ đảo dù cho họ luôn phải đối mặt với những khó khăn, gian khổ.

 

Cũng như thượng tá Nguyễn Thanh Khoa, trung tá Mai Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật (Bộ CHQS tỉnh) cũng từng là một người lính đảo. Tháng 10/1988 chàng trung úy Mai Quốc Tuấn đang ở Lữ đoàn 146 Hải Quân được lệnh “đi” đảo. Sau gần 1 tháng lênh đênh trên biển, anh lính trẻ Mai Quốc Tuấn cùng đồng đội được đưa đến đóng quân trên đảo Sinh Tồn lớn. Dù là điểm đảo có cây phong ba, cây bàng vuông nhưng cũng như nhiều đảo khác trong quần đảo Trường Sa, Sinh Tồn lớn không có nước ngọt. Nguồn nước sinh hoạt của người lính hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa hoặc từ đất liền mang ra. Không có nước ngọt, đồng nghĩa với việc không có rau xanh. Cuộc sống khó khăn càng trở nên buồn tẻ hơn khi sợi dây kết nối giữa những người lính đảo là chiếc đài bán dẫn chạy pin cứ “giống như anh bạn bị ốm khật khừ, lúc được lúc không. Dù thế cũng chẳng dám bật nhiều vì ở đảo không có điện đài chạy pin. Mà khi đó hết pin cũng đành chịu bỏ đấy đợi đến khi có pin” - trung tá Mai Quốc Tuấn chia sẻ. Cuộc sống thiếu thốn nơi đảo xa nhưng bù lại, tình cảm giữa những người đồng chí, đồng đội đã luôn gắn kết họ với nhau, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác huấn luyện, vững tay súng, chắc niềm tin, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảo, giữ đảo. Sau “tăng” 1 với 18 tháng đóng quân trên đảo Sinh Tồn lớn, Mai Quốc Tuấn đi tiếp “tăng” 2 ở đảo Nam Yết. Sau gần 5 năm gắn bó, đã quen vị mặn mòi của nắng và gió biển, tiếng xào xạc của san hô dưới mỗi bước chân tuần tra trong những đêm trăng vằng vặc sáng, anh lính Mai Quốc Tuấn trở về đất liền trong nỗi nhớ. Từ đó đến nay, dẫu chưa một lần được trở lại với Trường Sa nhưng với thượng tá Nguyễn Thanh Khoa và trung tá Mai Quốc Tuấn, Trường Sa vẫn luôn là nỗi nhớ trong tim. Mỗi nỗi nhớ có vị mặn mòi của nắng gió biển, của những cơn sóng bạc đầu, những đêm trăng sáng... Nhớ hơn cả là những cái Tết sớm. Ngày ấy, Tết ở Trường Sa bao giờ cũng sớm hơn đất liền 1 tháng. Dù đơn sơ nhưng có đủ cả vị Tết, có sắc hồng phớt của cánh đào, vàng rực của mai, xanh mướt của bánh chưng được người lính đảo khéo léo làm từ cây phong ba, vỏ sò, vỏ ốc và những miếng bọt biển. Còn nữa, có cả hơi ấm tình đồng đội trong nỗi nhớ nhà da diết.

 

Nói chuyện với chúng tôi, các anh vẫn đau đáu ước nguyện: “Thú thực, mỗi lần nghe nói cũng vẫn cồn lên nỗi nhớ Trường Sa, cũng thèm được một lần trở lại nhưng chẳng biết có dịp nào được đi nữa. Ở Trường Sa bây giờ khác xưa nhiều lắm. Nghĩ mà mừng cho anh em lính đảo”. Theo trung tá Mai Quốc Tuấn, nơi đảo xa nghìn trùng sóng vỗ, bao giờ cũng vậy, vẫn luôn có những “chàng sơn tinh” ở núi. Những lớp thế hệ CB -CS là người xứ Mường tiếp bước cha, anh đang ngày đêm vững vàng trước những gian khó như cây phong ba kiên cường vươn lên từ biển. 

 

 

 

                                                                          Mạnh Hùng  

 

 

Các tin khác

CB-CS Ban Dân vận (Bộ CHQS tỉnh)  thăm hỏi, trò chuyện cùng bà con xóm Cơi 3, xã Suối Nánh (Đà Bắc) gắn kết tình quân dân.
Huyện Cao Phong hiện có 1.336 mô hình trang trại, vườn rừng do CCB làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lãnh đạo Hội CCB huyện Cao Phong thăm mô hình trồng cam của CCB Nguyễn Thị Thanh ở TT Cao Phong.
Lực lượng cảnh sát cơ động tham gia diễn tập phòng thủ tại huyện Lương Sơn.
Không có hình ảnh

Yêu cầu dừng việc tập kết nguyên vật liệu xây dựng tại tầng lưu không giữa toà nhà A67 - A68 thuộc phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình

(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hoà Bình nhận được đơn của 31 hộ dân sinh sống tại nhà A67 - A68 - A69 (khu chuyên gia cũ) thuộc tổ 20, phường Hữu Nghị (TPHB) phản ánh về việc: Ngày 26/1/2015, Xí nghiệp Kinh doanh phát triển nhà ở thuộc Công ty CP đầu tư phát triển nhà ở và xây dựng Hoà Bình tập kết vật liệu tại tầng lưu không (tầng trệt) của nhà A67- A68 nhằm mục đích xây dựng công trình dân dụng kiên cố trái phép.

Phát hiện gần 2,5 tỷ đồng vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng

(HBĐT) - Năm 2014, các cơ quan Thanh tra của tỉnh đã tiến hành 41 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng lồng ghép với thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng trong việc QLNN, quản lý KT-XH.

Bộ CHQS tỉnh: Phát động tiết kiệm “Quyên góp ủng hộ người nghèo” trong dịp Tết Nguyên đán 2015

(HBĐT) - Ngày 11/2, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức phát động Tiết kiệm “Quyên góp ủng hộ người nghèo” trong dịp Tết Nguyên đán 2015.

Ban CHQS huyện Kim Bôi: Bàn giao nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách

(HBĐT) - Ngày 12/2, tại xóm Cuôi, xã Bình Sơn, Ban CHQS huyện Kim Bôi đã tổ chức bàn giao “Nhà tình nghĩa” cho gia đình ông Bùi Văn Trọng là quân nhân phục viên, xuất ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở.

Yên Thuỷ đón xuân bình yên

(HBĐT) - An ninh vùng giáp ranh ổn định, tai - tệ nạn xã hội giảm rõ rệt, TTATXH được đảm bảo, người dân Yên Thủy đang yên tâm đón một cái Tết thật an lành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục