Để đảm bảo sự ổn định về ANTT, công an viên thường xuyên đến tuyên truyền, đôn đốc từng hộ dân thực hiện tốt mỗi gia đình là một mô hình tự quản.
(HBĐT) - Không có trường hợp nghiện hút gia tăng, không đơn thư khiếu nại vượt cấp, bản làng yên bình, nhà nhà ấm no - đó là những gì chúng tôi ghi nhận được khi về thăm xóm Đông Lạnh, xã Hoà Bình (TP Hoà Bình) ở thời điểm hiện tại.
Ông Phương Ngọc Bảo, Trưởng xóm cho biết: Xóm Đông Lạnh có 42 hộ, 178 nhân khẩu, thành phần dân cư chủ yếu là CB, CC, VC về hưu. Trước đây, có thời điểm, một số con em trong xóm sa vào các tai tệ nạn xã hội, đặc biệt là nghiện hút và trộm cắp nên tình hình ANTT khá phức tạp. Để thoát khỏi “vũng lầy” đó, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực.
Năm 2012, Chi bộ Đảng, các ban, ngành trong xóm đã họp và thống nhất triển khai thực hiện song song hai mô hình: “tổ an ninh tự quản” và “3 giảm, 4 giữ”. Mô hình “tổ an ninh tự quản” phân chia xóm thành 4 tổ, mỗi tổ do các Đảng viên gương mẫu đứng đầu có nhiệm vụ tự quản về mọi mặt công tác ANTT, cũng như quản lý về công tác VSMT, cháy nổ,... nhằm tạo ra sự chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh từ cấp tổ; đồng thời, đề cao tính trách nhiệm, cũng như sự thi đua giữa các tổ với nhau. Còn mô hình “3 giảm, 4 giữ” được triển khai giúp khắc phục những hạn chế và phát huy những mặt tích cực đã đạt được trong công tác giữ gìn ANTT trước đó. Giảm tội phạm, giảm tệ nạn ma tuý và giảm TNGT là các nội dung cơ bản của “3 giữ”; còn “4 giữ” thì bao gồm: giữ người (các hộ không để người trong gia đình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không bất đồng, cãi cọ), giữ của (không để xảy ra mất mát tài sản gia đình và tập thể, không tham ô, tham nhũng, trốn lậu thuế), giữ hàng xóm (đảm bảo hàng xóm bình yên, an toàn trật tự xã hội, thực hiện tốt VSMT, văn minh đô thị), giữ tình thương (trong gia đình hoà thuận, kính trên nhường dưới; ông, bà, cha, mẹ mẫu mực; con cái thảo hiền; giữ tình làng, nghĩa xóm, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng phát triển; không để xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết).
Để mô hình thực hiện có hiệu quả, các hộ trong xóm đều nhất trí ký cam kết thực hiện với mục tiêu xây dựng “mỗi gia đình là một đèn pin, cái gậy”, phòng chống tội phạm từ trong nhà. Không chỉ giáo dục con em mình, đảm bảo sự hòa thuận trong gia đình, khi có các vấn đề phát sinh hay khả nghi, mỗi người dân trong xóm có trách nhiệm báo cho tổ an ninh biết hoặc đánh kẻng thông báo cho mọi người.
Vào mỗi tối thứ 7, tổ an ninh đều thực hiện tuần tra và thường xuyên đến từng hộ để nhắc nhở, đôn đốc, cũng như tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài công tác an ninh, công tác giữ gìn VSMT cũng rất được chú trọng: vào chủ nhật hàng tuần, người dân cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Với những việc làm thiết thực đó và tinh thần “luôn bám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, tránh để lâu ngày vấn đề phức tạp hơn”, nên tình làng, nghĩa xóm luôn được đảm bảo, các tai tệ nạn xã hội được ngăn chặn. Ông Nguyễn Xuân He, một nhà giáo về hưu, đồng thời là Công an viên xóm Đông Lạnh phấn khởi: “Gần chục năm nay, xóm Đông Lạnh không còn gia tăng người nghiện hút, không còn tình trạng trộm cắp, tình hình ANTT luôn được đảm bảo, bộ mặt làng xóm không ngừng được đổi mới.” “Đứng ở cương vị của một người dân, chúng tôi đánh giá cao vai trò của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức, trách nhiệm như một an ninh viên và mỗi hộ gia đình là một mô hình tự quản”, ông He nhấn mạnh.
Nhờ những nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, năm 2014, xóm Đông Lạnh được UBND TP Hoà Bình công nhận là khu dân cư văn hoá 5 năm liên tục. Không chỉ là điểm sáng về công tác bảo đảm ANTT, với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí, xóm Đông Lạnh còn là cơ sở đi đầu trong công cuộc xây dựng NTM ở địa phương. Ngoài ra, xóm không còn hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo; có 32 con em đi học bậc ĐH,CĐ và 4 thạc sỹ cũng là một trong những điều mà người dân nơi đây tự hào khi nhắc đến thôn xóm của mình. Một bản làng yên bình, ấm no giữa sự bủa vây của không ít những điểm nóng.
Viết Đào
(HBĐT) - Ngày 28/8, Sở Tư pháp tỉnh đã tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp 28/8/1945 - 28/8/2015 và tổng kết, trao giải cuộc thi "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Dự buổi lễ có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện thường trực HĐND và các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo Sở Tư pháp qua các thời kỳ.
(HBĐT) - Ông Nguyễn Văn Dụ (Lương Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết, pháp luật quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản phải thực hiện yêu cầu về cải tạo, bảo vệ môi trường như thế nào?
(HBĐT) - Ngày 27/10/2006, thành phố Hòa Bình được thành lập theo Nghị định số 126/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự ra đời của thành phố Hòa Bình, Tòa án Nhân dân thị xã Hòa Bình chính thức đổi tên thành Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình. Nhiều năm qua, đơn vị luôn có truyền thống hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Tòa án hai cấp và địa phương.
(HBĐT) - Tuy là cán bộ kế toán nhưng “tiếng nói” của Xa Thị Son (sinh năm 1984) lại có sức nặng hơn cả chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã Đồng Chum (Đà Bắc). Chẳng vậy, mà chỉ tính từ năm 2009 đến năm 2013 Xa Thị Son đã tham ô và dùng tiền ngân sách chi tiêu không đúng mục đích gây thất thoát số tiền gần 670 triệu đồng. Đối với một xã nghèo như Đồng Chum thì đó là số tiền “vô cùng lớn” không phải ai cũng dám mơ tới.
(HBĐT) - Chiều 26/8, tại trụ sở Công an tỉnh đã diễn ra lễ ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa các ngành: KSND, Công an, Thanh tra, Cục Thuế, LĐ-TBXH, NN&PTNT, Công thương.
(HBĐT) - Ngày 26/8, Ban Chỉ đạo diễn tập thành phố Hòa Bình đã tổ chức diễn tập chiến đấu trị an xã Trung Minh năm 2015.