Cán bộ, chiến sĩ phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh) 

rà soát danh sách những người xuất cảnh trái phép đi làm việc ở nước ngoài.

Cán bộ, chiến sĩ phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh) rà soát danh sách những người xuất cảnh trái phép đi làm việc ở nước ngoài.

(HBĐT) - Trong khi số người đi xuất khẩu lao động chính thức ít thì hàng nghìn người dân khắp các huyện, thành phố trong tỉnh vẫn lén lút xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài. Điều này gây ra nhiều hệ lụy bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật, những người này không được Nhà nước bảo hộ. Ngăn chặn tình trạng xuất cảnh lao động “chui” là “bài toán” khó cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

 

Bị quỵt lương, nhốt tù, bóc lột sức lao động, thậm chí bị đánh chết nơi xứ người. Đây là những câu chuyện có thật xảy ra trong mấy năm gần đây đối với những người xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài. Anh Triệu Văn Hùng ở xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn (Kim Bôi) vẫn nhớ về đêm vượt biên sang Trung Quốc theo lời thuyết phục của đối tượng Lý Văn Thuận ở xã Tây Phong (Cao Phong). Vay mượn được 4 triệu đồng nộp cho môi giới với hy vọng đổi đời, nào ngờ lại phải sống trong cảnh chui lủi, bị bóc lột sức lao động. Chưa đến ngày nhận lương như lời hứa, anh đã bị công an bắt nhốt vào tù, sống kham khổ, tủi nhục tới khi bị trục xuất về nước. Đau lòng hơn là trường hợp một người dân huyện Kỳ Sơn đi lao động “chui” ở Trung Quốc bỏ mạng vì đánh nhau năm 2015. Gia đình đã làm đơn gửi Công an tỉnh đề nghị hỗ trợ, làm rõ nhưng không thể can thiệp vì cư trú bất hợp pháp, không được Nhà nước bảo hộ. Nhiều câu chuyện oái oăm, hệ lụy từ việc xuất cảnh lao động “chui” đã xảy ra nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề xã hội nhức nhối. Theo điều tra, trong năm 2014 - 2015, toàn tỉnh có khoảng 1.700 người xuất cảnh lao động “chui”. Trong khi số người đi xuất khẩu lao động chính thức chỉ khoảng 300 người/năm.

 

Trong 3 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phá 3 vụ án tổ chức đưa 38 người ra nước ngoài lao động trái phép, bắt 3 đối tượng. Thủ đoạn chính là lợi dụng mối quan hệ quen biết và hứa sắp xếp công việc ổn định với mức lương hấp dẫn; tập trung vào người dân ở vùng khó khăn, thiếu việc làm, hiểu biết hạn chế; với số tiền đặt cọc chỉ 6 -10 triệu đồng. Nếu không có tiền, đối tượng môi giới có thể ứng trước rồi trừ dần vào lương. Điển hình ngày 23/2, lực lượng chức năng đã bắt quả tang Triệu Văn Thuận, trú tại xã Tây Phong (Cao Phong) tổ chức đưa 13 người xuất cảnh lao động “chui” sang Trung Quốc, thu giữ 30,4 triệu đồng và 5.000 nhân dân tệ. Trong đó, huyện Cao Phong và Kim Bôi có 9 người. Thuận khai nhận đã từng đi lao động trái phép tại Trung Quốc, về nước lôi kéo những người khác có nhu cầu. Đối tượng mà Thuận nhắm đến là những người trong độ tuổi lao động, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp.

 

Thiếu tá Đinh Văn Thới, Phó Trưởng phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh) cho biết: Ngoài những thủ đoạn trên, đối tượng môi giới còn thành lập công ty, mở chi nhánh tại tỉnh. Để qua mắt chính quyền cơ sở, đối tượng in tờ gấp, đĩa CD giới thiệu công việc tại nước ngoài với thu nhập cao, cam kết hỗ trợ cho vay ban đầu làm các thủ tục rồi trừ dần vào lương, ưu tiên người thuộc hộ nghèo. Điều đáng nói là các thủ tục diễn ra có sự cam kết giữa người lao động với công ty và chứng kiến của chính quyền địa phương. Đơn cử như vụ Công ty tuyển dụng lao động Hoàng Thắng thu 123,2 triệu đồng của 6 người dân huyện Kim Bôi rồi đưa theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trước tình trạng xuất cảnh lao động trái phép có chiều hướng phức tạp, phòng đã tham mưu cho Công an tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 32, ngày 2/7/2014 về việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, vận động nhân dân không tham gia xuất cảnh trái phép và lao động tự do ở nước ngoài. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ và Công an tỉnh bạn nắm tình hình, phân loại, xác định các đối tượng có dấu hiệu vi phạm, từ đó lập chuyên án đấu tranh, xử lý. Nhờ đó, tình trạng xuất cảnh lao động trái phép đã giảm.

 

Qua tìm hiểu của phóng viên, thực hiện Chỉ thị số 32 của Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có sự phối hợp ngăn chặn, hiệu quả tình trạng xuất cảnh lao động “chui”. Tình hình đã “giảm nhiệt” nhưng vẫn còn ở mức cao và chưa thực sự bền vững. Trả lời phóng viên, một số người đã từng đi xuất cảnh “chui” bị đuổi về nước vẫn có ý định quay lại đường cũ khi có cơ hội. Nguyên nhân họ đưa ra là do khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm. Một số người do không biết hành vi đó là vi phạm pháp luật nhưng có người biết vi phạm vẫn cố tình đưa chân. Trong khi đó, đi xuất khẩu lao động chính thức đòi hỏi có trình độ văn hóa nhất định, nhiều thủ tục, tiền đặt cọc cao.

 

Xuất cảnh lao động “chui” tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy như: bị bóc lột sức lao động, ép hoạt động mại dâm, vận chuyển ma túy; nguy cơ xảy ra tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán người... Để giải quyết tình trạng này một cách bền vững, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 của Tỉnh ủy với những giải pháp sát thực tế. Cấp ủy, chính quyền cần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, chú trọng tuyên truyền, vận động đến từng hội viên trong các tổ chức hội, đoàn thể; đẩy mạnh phát triển KT-XH, tạo việc làm mới cho nhân dân.

 

                                                                                      

                                                                           Cẩm Lệ

 

 

 

 

Các tin khác


Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Lạc Sơn giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 17/5, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện giai đoạn 2019 - 2024.

Tham ô gần 3 tỷ đồng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lĩnh 15 năm tù

Sau 3 ngày nghị án, sáng 17/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh bước vào phần tuyên án bị cáo Nguyễn Tiến Kính (SN 1964), trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về hành vi "tham ô tài sản”.

Công an huyện Kim Bôi xử phạt người bình luận trên Facebook nội dung kích động bạo lực

Công an huyện Kim Bôi cho biết, ngày 14/5 đã làm việc với B. V. B, trú tại xã Mỵ Hoà (Kim Bôi) liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook. Trước đó, ngày 3/5, B. V. B đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận tại Trang "Hoà Bình Đa Chiều" với nội dung kích động bạo lực.

Đoàn luật sư tỉnh: Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện và giám sát xã hội, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở vùng sâu, xa tại các phiên tòa... Từ những hoạt động tích cực, hiệu quả đó, những năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trở thành cầu nối đưa pháp luật đến với người dân.

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Lĩnh 19 năm tù vì giết vợ để níu giữ tình yêu

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn Nhuận (SN 1985), trú tại xã Miền Đồi (Lạc Sơn) về tội "giết người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục