Trong ngày tiếp nhận thí sinh trúng tuyển đại học, nhiều em bày tỏ sự tiếc nuối vì không đăng ký vào trường học mà mình yêu thích…

         Thí sinh làm các thủ tục xác nhận sẽ học ở trường trúng tuyển đại học

Ngày 15/8, các trường đại học (ĐH) bắt đầu tiếp nhận thí sinh trúng tuyển vào trường.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN, ngoài thí sinh đến các trường để nộp bản chính kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm 2016 cho trường xác định học tập thì vẫn có những thí sinh đến trường để được tư vấn về việc thay đổi nguyện vọng, ngành học.

Một số thí sinh “tiếc hụt” vì không được vào học trường yêu thích. Đó là thí sinh Phạm Minh Tuấn, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, em đạt 20,5 điểm và muốn học ngành Kỹ thuật công trình giao thông của ĐH Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, trong khi xét tuyển ĐH, vì chưa hiểu rõ các nguyện vọng và không thường xuyên cập nhật các quy định mới của Bộ GD-ĐT nên nguyện vọng 1, Tuấn đã đăng ký vào ngành Kỹ thuật công trình giao thông của ĐH  Thủy Lợi.

Khi biết điểm chuẩn, Tuấn trúng tuyển cả ĐH Thủy Lợi và ĐH Giao thông Vận tải nên em đã tỏ ra tiếc nuối vì sở thích của mình đã không toại nguyện.

Đến trường  ĐH Giao thông Vận tải từ rất sớm, Minh Tuấn cho biết: “Em cảm thấy tiếc nuối vì không đăng ký vào ĐH Giao thông Vận tải. Cũng chỉ vì chưa hiểu rõ các thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, em cứ nghĩ là được thay đổi nguyện vọng như năm 2015 nên đã đăng ký nguyện vọng vào ĐH Thủy Lợi.

Đến khi biết là đỗ cả 2 trường thì năm nay lại không thay đổi nguyện vọng nên em tiếc là không đăng ký vào trường mình thích. Hôm nay, em đến trường để hỏi các cán bộ tuyển sinh xem có thể thay đổi nguyện vọng được không”.

 

Cũng rơi vào tâm trạng “tiếc hụt”, thí sinh Nguyễn Trung Hiếu, quê ở Bắc Giang đăng ký xét tuyển vào ngành Kỹ thuật điện- điện tử của ĐH Giao thông Vận tải nhưng xét vào khoa Kỹ thuật cơ điện tử của ĐH Bách Khoa Hà Nội em cũng trúng tuyển.

Đến trường trong tâm trạng hụt hẫng vì không mạnh dạn đăng ký vào ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trung Hiếu bày tỏ sự tiếc nuối: “Nếu như năm nay có thể thay đổi  nguyện vọng thì em sẽ đăng ký vào ĐH Bách Khoa Hà Nội. Hôm nay đến trường, em cũng muốn hỏi xem có được thay đổi nguyện vọng không. Tuy nhiên, khả năng đó là rất khó vì theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và rút-nộp hồ sơ”.

Bày tỏ sự tiếc nuối cho thí sinh không thể vào học đúng trường yêu thích, một phụ huynh ở Thái Bình cho rằng, thí sinh ở các tỉnh, thành thuận lợi, mạng Internet thông suốt và các quán Internet trải rộng thì việc tiếp cận với những quy chế tuyển sinh mới của ngành Giáo dục là tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, với những thí sinh ở vùng miền xa xôi, mạng Internet chưa được sử dụng rộng rãi thì việc tìm hiểu, thường xuyên tiếp cận với các thông tin tuyển sinh mới nhất là khó khăn.

Phụ huynh này kiến nghị, để việc chọn trường, chọn ngành đúng với sở thích, năng lực của thí sinh, trước khi đến kỳ thi THPT Quốc gia, Sở GD-ĐT ở các địa phương nên phát những văn bản mới nhất về kỳ thi này và các quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ cho các trường học. Nhà trường sẽ phổ biến tới các giáo viên hoặc dán thông báo cho học sinh biết. Ngoài ra, các trường THPT cũng nên thường xuyên có những buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước khi các em đăng ký chọn trường, nguyện vọng xét tuyển.

Cán bộ tuyển sinh ĐH Bách Khoa Hà Nội tư vấn cho thí sinh về việc trúng tuyển vào các ngành học 

Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển

Trao đổi với phóng viên về việc nhiều thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm chuẩn, PGS.TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Giao thông Vận tải) cho biết, rất khó cho thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng từ trường A sang trường B vì theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm  nay thí sinh không được rút-nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Nếu trường B mà tiếp nhận thí sinh của trường A thì coi như là phạm quy trong tuyển sinh, sẽ gây hiểu nhầm là tranh dành thí sinh của nhau.

Vì vậy, trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng chọn ngành nghề, trường học phù hợp với số điểm đạt được cũng như khả năng của các em.

Khẳng định về quy chế của Bộ GD-ĐT đã đưa ra, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong quy chế của Bộ GD-ĐT đã nói rất rõ là năm nay, thí sinh không được rút-nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Điều này cũng đã được nhiều các cơ quan báo chí đề cập cũng như Bộ GD-ĐT phối hợp với các trường ĐH, CĐ tổ chức ngày hội tuyển sinh để thông tin, giải đáp rất rõ cho thí sinh và phụ huynh.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo thí sinh nên xem xét, cân nhắc kỹ thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn ở năm ngoái để chọn lựa trường học, ngành nghề phù hợp và số điểm đạt được. Chính vì lý do đó, thí sinh đã đăng ký xét tuyển và trúng tuyển ở trường A mà không đăng ký xét tuyển ở trường B thì không được xét tuyển ở trường B hay có thể thay đổi nguyện vọng học ở các trường.

Nếu để thí sinh thay đổi lại nguyện vọng thì có thể xảy ra hiện tượng thí sinh đã đỗ ĐH thành trượt. Quy định của Bộ GD-ĐT đưa ra đã rõ ràng và được tuyên truyền, phổ biến rất rộng rãi nên thí sinh nào không cân nhắc, chọn lựa ngành nghề, trường học kỹ lưỡng thì phải chấp nhận với quyết định của mình./.

 

 

                                                                    Theo VOV.VN

Các tin khác


Điểm chuẩn các trường có sự thay đổi

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ kết thúc đợt 1 xét tuyển. Thời gian này, dự báo điểm chuẩn vào các trường đã có sự thay đổi so với những ngày trước đó, do biến động về số lượng hồ sơ và điểm thi.

Cần điều chỉnh Thông tư 30 của Bộ Giáo dục-đào tạo

Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và đào tạo nhằm đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học đã được thực hiện từ năm học 2014-2015. Qua thực tế cho thấy cần phải sửa đổi một số nội dung của Thông tư để phù hợp hơn cho cách đánh giá học sinh trong năm học mới này…

Tấm Huy chương vàng sáng ơn sinh thành, dưỡng dục

Với người nông dân, kiêm thợ cắt tóc Nguyễn Đình Bảng, ở thôn 2, xã Quảng Minh, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tấm huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế mà con trai Nguyễn Khánh Duy vừa đạt được không chỉ đem lại niềm vui cho gia đình mà còn là kết quả thiết thực báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục đối với cha, mẹ, ông, bà, các thầy, cô giáo.

 

Coi trọng việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh

(HBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015 – 2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016 – 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 5/8. Dự và chỉ đạo hội nghị còn có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng chính phủ. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở ngành của tỉnh.

Cải cách thể chế về GD-ĐT trong năm học 2016 - 2017

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra 5 giải pháp cơ bản cho ngành giáo dục đào tạo trong năm học 2016 – 2017.

Học sinh vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tối đa 50% mức lương cơ sở và 15 kg gạo mỗi tháng

(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định “Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn”. Theo đó, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo. Cụ thể mỗi tháng một học sinh được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở; 15 kg gạo và hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục