Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra 5 giải pháp cơ bản cho ngành giáo dục đào tạo trong năm học 2016 – 2017.
Trả lời phỏng vấn Trung tâm Truyền thông Giáo dục (Bộ GD-ĐT) trước thềm Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2016 - 2017, ông Nhạ bày tỏ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, tất cả vì tiềm năng lớn nhất của đất nước là nhân lực - nhân tài.
Lắng nghe phản biện là bài học sâu sắc nhất
Theo ông Nhạ, năm học 2015 - 2016, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá. Công tác quản lý có nhiều đổi mới, các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường. Chất lượng GD-ĐT có chuyển biến tích cực.
Những hạn chế, yếu kém mà ngành giáo dục cần sớm khắc phục cũng được ông Nhạ chỉ rõ. Trong đó có việc quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân chậm được điều chỉnh và chưa được quan tâm đúng mức. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt, chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Việc giao quyền tự chủ, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục đại học mới chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp. Chất lượng giáo dục còn hạn chế, nhất là ở bậc đại học, chưa thực sự tạo thành động lực để phát triển kinh tế cho đất nước. Theo ông Nhạ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này. Trong đó, “thiếu tư duy đổi mới và quyết tâm hành động là nguyên nhân quan trọng nhất”.
Ông Nhạ cũng cho rằng những kết quả đạt được hay hạn chế đều mang lại những bài học quý giá. Và “Một trong những bài học sâu sắc nhất đối với ngành GD-ĐT thời gian qua là phải biết lắng nghe các phản biện xã hội”.
9 nhiệm vụ lớn
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành GD-ĐT đề ra 9 nhiệm vụ ưu tiên tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đó là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; Phát triển đội ngũ nhà giáo,CBQL giáo dục các cấp; Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học, trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục ĐH; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.
Mỗi nhiệm vụ này sẽ được cụ thể hóa bằng đề án cụ thể, trên cơ sở đó sẽ được triển khai bài bản, thống nhất trong toàn ngành. Trong đó, sẽ phân kỳ thực hiện hàng năm để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Cải cách thể chế về giáo dục đào tạo
Đây là giải pháp đầu tiên được ông Nhạ đưa ra trong nhóm 5 giải pháp thực hiện trong năm học mới.
Việc Cải cách thể chế về GD-ĐT tập trung vào việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Ngành và liên quan đến Ngành; lựa chọn theo thứ tự ưu tiên để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Ngành.
Giải pháp thứ hai là Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó, triển khai điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nhân sự của các cơ quan quản lý giáo dục, trước hết là cơ quan Bộ GD-ĐT. Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBQL giáo dục.
Thứ ba là Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Trong đó, chú trọng các nguồn lực của xã hội và quốc tế để phát triển GD-ĐT. Quan tâm đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách.
Thứ tư là Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng độc lập các cơ sở giáo dục và công khai kết quả kiểm định để xã hội đánh giá. Tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả nhưng đảm bảo công bằng, nghiêm túc.
Và giải pháp thứ năm là Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT. Trong đó, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là thông tin về các gương người tốt, việc tốt trong ngành. Xây dựng hệ thống truyền thông thông suốt từ các trường, sở đến Bộ để truyền tải thông tin đầy đủ, đa chiều về những đổi mới mà ngành đang thực hiện.
Theo Vietnamnet
Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa chính thức thống nhất điểm sàn xét tuyển vào Đại học năm 2016.
(HBĐT) - Ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015 – 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016 – 2017 đối với giáo dục chuyên nghiệp. Dự hội nghị, tại đầu cầu tỉnh ta có lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở LĐ – TB&XH và các trường GDCN trên địa bàn tỉnh.
Bộ GD-ĐT vừa công bố phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, D1 của thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2016
(HBĐT) - Ngày 25/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với giáo dục tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên. Đồng chí Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Hòa Bình có lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Ngày 28/7 tới, dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào (điểm sàn), thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 1/8 đến ngày 11/8.
Một lớp chuyên Toán ở Hà Tĩnh có 11 em được tuyển thẳng vào đại học, trong đó 5 em đạt trên 27 điểm kỳ thi THPT quốc gia, cụm thi 36 do Đại học Sư phạm Huế chủ trì.