(HBĐT) - Với mục tiêu “học để biết, học để làm, học để làm người và học để cùng chung sống”, trong những năm vừa qua, Đảng ủy, chính quyền xã Đông Phong (Cao Phong) luôn coi việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nhân tố then chốt cho sự phát triển của xã hội. Nhờ sự tuyên truyền, vận động tích cực của các cấp, ngành, đến nay, Đông Phong là xã đầu tiên trên địa bàn huyện xây dựng thành công đơn vị “Cộng đồng học tập” cấp xã.
Hội Khuyến học xã Đông Phong (Cao Phong) tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng “Cộng đồng học tập”.
Chúng tôi tới thăm gia đình chị Ngọc Thị Ngôi, xóm Quáng Ngoài, một trong những gia đình học tập tiêu biểu của xã. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, chị Ngôi chia sẻ: Gia đình có truyền thống hiếu học, được sự tuyên truyền, vận động của Hội Khuyến học xã, tôi luôn tự ý thức không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của mình. Nhà tôi có 2 cháu. Cháu lớn đang học lớp 6, cháu thứ 2 học mầm non. Chồng tôi làm xây dựng công trình hay phải đi xa, ít có thời gian quan tâm đến việc học hành của con. Trong việc học tập của con, tôi luôn chủ động nắm bắt tình hình học tập của cháu để có hướng điều chỉnh cho phù hợp. Là giáo viên nên tôi luôn trao đổi cởi mở để cháu không bị áp lực trong học tập và thường xuyên động viên, khích lệ cháu nỗ lực vươn lên đạt kết quả cao. Nhờ vậy, 5 năm tiểu học, năm học nào cháu cũng đạt học sinh giỏi.
Xã Đông Phong hiện có 501 hộ gia đình sinh sống tại 6 xóm. Năm 2016, toàn xã có 492 hộ đăng ký “Gia đình học tập” và có 352 hộ gia đình được công nhận đạt danh hiệu này. Bà Đinh Thị Tơ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã khẳng định: Có được kết quả này là do chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cách phổ biến các tiêu chí bình xét đến mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng thôn, bản trên địa bàn xã để nhân dân biết, phấn đấu, theo dõi, kiểm tra và giúp đỡ cùng thực hiện. Với lợi thế là người từng làm công tác quản lý trong ngành giáo dục, tôi có kinh nghiệm trong việc tập hợp hội viên, xây dựng và quản lý quỹ hội. Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình thấy được lợi ích khi tham gia Hội Khuyến học sẽ giúp cho họ có thêm nhiều kỹ năng trong việc giáo dục con cái nên số lượng hội viên không ngừng tăng. Đến nay, Hội Khuyến học xã có 616 hội viên sinh hoạt tại 10 chi hội. Khi chúng tôi đi vận động xây dựng quỹ hội, nhiều gia đình hộ nghèo mặc dù nằm trong diện được miễn nhưng họ vẫn đăng ký nộp với lý do muốn động viên, khích lệ con, cháu vươn lên trong học tập. Hàng năm, chúng tôi dành một phần kinh phí để khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích cao trong học tập. Năm 2016, Hội Khuyến học xã đã khen thưởng cho 155 giáo viên, học sinh giỏi các cấp với tổng số tiền hơn 11, 6 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cao Phong cho biết: Để đạt được danh hiệu “Cộng đồng học tập” cấp xã, xã Đông Phong đã đạt 15 tiêu chí theo Thông tư số 44 ngày 12/12/2014 của Bộ GD &ĐT với 89/100 điểm, xếp loại tốt. Thời gian qua, công tác xây dựng “Cộng đồng học tập” trên địa bàn xã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể. Công tác tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập được các cấp, ngành triển khai sâu rộng, thường xuyên. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, Hội Khuyến học xã còn thực hiện tốt một số phong trào do Hội Khuyến học tỉnh phát động như các phong trào: “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến học”, “Tiếng trống khuyến học”, “Ba đỡ đầu”, … thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ kinh nghiệm trong xây dựng “Cộng đồng học tập” của xã Đông Phong, chúng tôi nhận thấy, việc xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” là nền tảng vững chắc cho việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ngay từ cơ sở. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhân rộng ra địa bàn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng huyện Cao Phong trở thành “Huyện học tập”.
Minh Tuấn
(Đài Cao Phong)
(HBĐT) - Kết thúc năm học 2015- 2016, toàn tỉnh có 36% trường học đạt chuẩn quốc gia. Từ tháng 7-12/2016 có thêm 22 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận trong nhân dân.
Giáo dục là một ngành đặc thù có tác động rộng lớn khi mà một người đi học có biết bao người dõi theo. Vì vậy, để tiếp tục tạo dựng niềm tin, năm 2017 với ngành giáo dục sẽ là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động.
(HBĐT) - Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, nhà trường còn hết sức quan tâm đảm bảo sức khỏe, rèn luyện cho học sinh ý thức tự giác, chuẩn mực đạo đức, tích cực tham gia hoạt động văn, thể, mỹ. Đảm bảo cho học sinh dân tộc được giáo dục, rèn luyện, phát triển toàn diện. Đó chính là quan điểm, mục tiêu đã và đang được trường PT DTNT THCS Lạc Sơn - đơn vị lá cờ đầu ngành giáo dục tỉnh quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua.
(HBĐT) - Phát huy truyền thống hiếu học, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) luôn chú trọng phong trào khuyến học, khuyến tài. Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào đã trở thành động lực đóng góp vào những thành quả phát triển KT -XH của xã.
(HBĐT) - Trước năm 2010, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Mai Châu mới đạt 8,4%. Nhiệm kỳ 2010 – 2015 mục tiêu đề ra là toàn huyện phải có trên 22% trường đạt chuẩn, thực tế đã có 27% trường đạt chuẩn. Con số này hiện nay là 18/60 trường (tương đương 30%). Kết quả này đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Mai Châu. Tuy nhiên, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của huyện vẫn thấp hơn so với toàn tỉnh (gần 40%).
Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ công bố thêm bộ đề thi thử nghiệm của các bài thi THPT 2017 vào cuối tháng 1/2017 để các thí sinh tham khảo.