Nhóm tác giả dự án "Thiết bị tự động khử mùi và hút ẩm cho không gian kín" đoạt huy chương vàng tại cuộc thi "Olympic phát minh và sáng chế quốc tế" năm 2019.
Tiếp xúc với nhóm tác giả của dự án, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi nguyên nhân, ý tưởng ban đầu hình thành dự án của những chàng thanh niên thông minh, lém lỉnh và đầy sáng tạo. Trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Tuấn Dũng, lớp 12 chuyên Toán, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) cho biết: Em và các bạn trong nhóm đều yêu thích đá bóng, khi đi đá bóng về giày thường có mùi hôi, nhất là để trong tủ giày đóng kín mà chưa có cách nào xử lý triệt để. Vì thế nên em và các bạn trong nhóm đã nhen nhóm, hình thành ý tưởng, dự án xử lý mùi và hút ẩm cho không gian kín. Ban đầu ý tưởng chỉ là khử mùi cho tủ giày, sau thì phát triển thêm để có thể hút ẩm cả cho tủ lạnh.
Dũng cùng các bạn đã bắt tay vào triển khai dự án "Tủ giày tự khử mùi, hút ẩm” và đoạt giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp quốc gia năm 2019. Không dừng lại ở giải thưởng trong nước, dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn trực tiếp của thầy giáo Phạm Đình Mẫn, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, các em đã quyết tâm phát triển dự án để tham gia thi đấu quốc tế.
Trao đổi về lần đầu tiên "mang chuông đi đánh xứ người” này, thầy giáo Phạm Đình Mẫn chia sẻ: Mong muốn của thầy trò chúng tôi sau khi đã trải qua các kỳ thi trong nước, đã có thành tích nhất định là được trải nghiệm, thử sức với môi trường thi đấu quốc tế. Sau khi kết nối được với cuộc thi "Olympic phát minh và sáng chế quốc tế" tại Hàn Quốc, công tác chuẩn bị gấp rút hoàn thành. Thầy trò đã dành rất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị cho dự án, đặc biệt là công tác chuẩn bị về tiếng Anh mà lại là tiếng Anh kỹ thuật cho nên thầy trò chúng tôi thực sự lo lắng. Xác định những việc cần làm ngay là nâng tầm đề tài cho tính ứng dụng cao; phát triển ý tưởng phải bao trùm hơn so với sản phẩm trước đây, nhất là chuẩn bị cho các em về tiếng Anh. Cuộc thi có nhiều điểm khác so với trong nước, không gian lớn, số lượng dự án nhiều, đa ngôn ngữ nên khó xác định, nắm bắt được vị trí dự án của mình cũng như khó đánh giá dự án của các nước bạn.
Để triển khai dự án, thầy Mẫn đã thành lập đội gồm 4 học sinh THPT, là "chuyên gia” của từng lĩnh vực. Nguyễn Anh Tuấn, lớp 11D1, trường THPT Công Nghiệp phụ trách phần cơ khí, cắt gọt, đẽo giũa, chế tác mô hình; Trần Đỗ Phúc, lớp 12 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ chuyên phần lắp mạch điện; Nguyễn Tuấn Dũng, lớp 12 chuyên Toán, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ chuyên về lập trình; Đào Tùng Anh, lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ phụ trách việc thuyết minh dự án bằng tiếng Anh. Các "chuyên gia” trẻ tuổi này theo đánh giá của thầy giáo hướng dẫn đều là những học sinh tâm huyết, đam mê, có năng khiếu, rất giỏi trong việc ứng dụng lý thuyết vào thực hành.
Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, thầy giáo Phạm Đình Mẫn cho biết thêm: Thầy trò phải rất kiên trì, thử nghiệm làm đi làm lại nhiều lần. Cái khó nhất của dự án là tìm kiếm và thử nghiệm được loại cảm biến phát hiện mùi. Do đó, phải mua nhiều loại về thử cho đến khi tìm được loại phù hợp. Rất may là trong quá trình chuẩn bị sang Hàn Quốc thi đấu, thầy trò nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Sở GD&ĐT, các nhà trường có học sinh tham gia, cựu học sinh nhà trường và phụ huynh học sinh. Sau khi hoàn thành, thiết bị được đánh giá là có những điểm ưu việt như: tìm ra được 3 chất khử mùi, diệt khuẩn; tìm ra được loại cảm biến để phát hiện mùi; thiết kế nhỏ gọn, giá thành hợp lý; tính ứng dụng cao. Thầy trò chúng tôi hy vọng thời gian tới thiết bị sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thực tế cuộc sống.
Dương Liễu