Thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh tặng học bổng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó Trường PT DTBT TH&THCS Tân Dân (Mai Châu).
Tự hào những lá thư của Bác
"Tôi rất vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào và nam nữ giáo viên bình dân học vụ xã Thanh Nông. Xã Thanh Nông có cái vinh hạnh là xã đầu tiên trong huyện đã thanh toán xong nạn mù chữ. Tôi khuyên đồng bào cố gắng học thêm và hăng hái xung phong thi đua ái quốc để diệt giặc đói và giặc ngoại xâm, cũng như đồng bào đã hăng hái diệt giặc dốt vậy. Tôi lại mong đồng bào các xã khác trong tỉnh Hòa Bình cố gắng thi đua với xã Thanh Nông làm cho tỉnh ta tiến bộ vẻ vang và mau chóng. Chào thân ái và quyết thắng. Hồ Chí Minh”.
Đó là lời động viên vô giá dành cho các "chiến sỹ diệt dốt” của Hòa Bình những năm đầu quyết tâm cùng cả nước chống nạn thất học. Trước đó, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã đề ra 6 việc cấp bách phải giải quyết trong đó có việc chống nạn mù chữ. 5 ngày sau, Người ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ - cơ quan chỉ đạo chăm lo việc học cho nông dân, thợ thuyền và tất cả những người chưa biết chữ. Ngay sau đó, Người ra lời kêu gọi cả nước chống nạn thất học: "Diệt giặc dốt như diệt giặc Pháp, dốt nát cũng là tên địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm”.
Sau 3 năm 2 tháng tích cực làm theo lời kêu gọi "cả nước chống nạn thất học”, xã Thanh Nông (lúc bấy giờ thuộc huyện Lương Sơn) đã thanh toán xong nạn mù chữ sớm nhất huyện, trở thành điểm sáng nổi bật trong phong trào thi đua "diệt giặc dốt” của tỉnh và vinh dự được nhận thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau đó, noi gương xã Thanh Nông, các địa phương trong tỉnh đã hăng hái thi đua diệt giặc dốt, phong trào bình dân học vụ phát triển mạnh mẽ. Kết quả, sau 13 năm xã Thanh Nông được nhận thư khen của Bác, đến tháng 1/1961, toàn tỉnh vinh dự được Bác thay mặt T.Ư Đảng và Chính phủ gửi thư khen ngợi, với tư cách là tỉnh miền núi đầu tiên trong cả nước đã xóa xong nạn mù chữ. Như Bác viết, đó thực sự là "một thắng lợi vẻ vang”.
"Diệt giặc dốt” trong tình hình mới
Ông Quách Thế Tản, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhìn nhận: Nếu như trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, cha ông ta đã hăng hái diệt giặc dốt với "vũ khí” là phong trào bình dân học vụ thì ngày nay, chúng ta kế thừa truyền thống tốt đẹp đó bằng cách chú trọng triển khai các chương trình giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực văn hóa - giáo dục... Đặc biệt, trong bối cảnh lịch sử mới, toàn tỉnh chung tay xây dựng XHHT theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là cách thiết thực để chúng ta làm theo lời Bác Hồ dạy, tập trung "diệt giặc dốt” trong tình hình mới.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương học tập suốt đời của Bác, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển XHHT. Hội Khuyến học tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Các địa phương đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, thực hiện thường xuyên đến từng bản làng, thôn xóm, tổ dân phố và đến tận các gia đình. Toàn tỉnh đã nghiêm túc quán triệt Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT”.
Theo ghi nhận, đến cuối năm 2019, số lượng các mô hình học tập mở được công nhận trong năm đều vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh có 150.208 gia đình học tập, đạt 80,53% (vượt chỉ tiêu 20,53%); 1.225 dòng họ học tập, đạt 55,16% (vượt chỉ tiêu 15,16%); 1.310 cộng đồng học tập cấp thôn, đạt 85,79% (vượt chỉ tiêu 35,79%); 626 đơn vị học tập do cấp xã quản lý, đạt 79,7% (vượt chỉ tiêu 39,7%). Toàn tỉnh duy trì 100% xóm, bản, tổ dân phố có chi hội khuyến học, với 1.507 chi hội; 1.491 ban khuyến học; số hội viên Hội Khuyến học là 210.732 người, chiếm 24,6% tổng dân số toàn tỉnh.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quách Thế Tản khẳng định: Đó là những kết quả nổi bật cho thấy toàn tỉnh đang tích cực đẩy mạnh xây dựng XHHT theo lời Bác Hồ dạy, bám sát đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhìn chung, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đang được đẩy mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, phát triển rộng khắp và vững chắc ở mọi tầng lớp xã hội, các ngành, giới, cơ quan, đơn vị và trong toàn dân. Bằng cách đó, công tác khuyến học tạo thêm động lực để toàn tỉnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng tới xây dựng một nền văn hóa học tập với những giá trị tốt đẹp, bền vững trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình.