Với hàng loạt chính sách, quy định mới liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, đại diện các trường cao đẳng, trung cấp rất hy vọng năm 2020 đào tạo nghề sẽ thu hút người học.


Sinh viên một trường cao đẳng tại ngày hội tuyển dụng

Vào tháng 7 năm ngoái, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có văn bản đề nghị 45 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã được Tổng cục GDNN cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trước đó dừng tuyển sinh cao đẳng (CĐ) kể từ ngày 1.7.2019. Văn bản này dựa trên nội dung của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019, quy định chức năng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH chỉ bao gồm trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, không có CĐ và trung cấp (TC).

Dừng cấp chỉ tiêu cao đẳng cho trường đại học

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một số trường ĐH đã tiếp nhận hồ sơ của thí sinh học CĐ, vì thế việc dừng tuyển sinh đột ngột này khiến các trường phản ứng với lý do chưa có sự chuẩn bị từ trước. Ngay sau đó, Tổng cục GDNN họp và thống nhất quyết định để các trường ĐH đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN tiếp tục chủ động kế hoạch tuyển sinh các ngành, nghề trình độ CĐ năm học 2019 - 2020.

Mới đây nhất, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Hà, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục GDNN, cho biết: "Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, tổng cục sẽ dừng việc cấp chỉ tiêu cho các trường ĐH đào tạo CĐ, TC, mặc dù đến thời điểm này chúng tôi vẫn nhận được hồ sơ của một số trường ĐH đề nghị cấp chỉ tiêu. Theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi, trường ĐH chỉ đào tạo bậc ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, thì việc trường ĐH dừng tuyển sinh và đào tạo CĐ, TC là hợp lý. Ngoại trừ một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, Tổng cục GDNN đề nghị các trường báo cáo Bộ VH-TT-DL xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đào tạo trình độ CĐ, TC mang tính đặc thù kết hợp đào tạo nghệ thuật với văn hóa”.

Chia sẻ về việc này, thạc sĩ Phạm Thế Lực, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ và quản trị doanh nghiệp, nhìn nhận: "Hy vọng với việc chấm dứt đào tạo CĐ trong trường ĐH, năm nay một số trường CĐ sẽ tuyển sinh dễ dàng hơn”.

Một số nghề phải có bằng cấp hay chứng chỉ mới được tuyển dụng

Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định, từ ngày 1.1.2020, người lao động (NLĐ) đã qua học nghề, đào tạo nghề sẽ được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi theo quy định. Theo lãnh đạo các trường CĐ, đây cũng là một chính sách có ảnh hưởng tích cực tới công tác GDNN.

Tiến sĩ Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, nhận định: "Điều này không chỉ tác động tới vấn đề tài chính của NLĐ đã qua học nghề, mà nó còn cho thấy muốn làm việc chuyên nghiệp và được hưởng lương thì NLĐ phải được đào tạo nghề bài bản. Chúng ta cần quy định thêm là nếu NLĐ chưa qua đào tạo nghề bài bản thì sẽ không được tuyển dụng”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cũng cho rằng nên quy định một số ngành nghề phải có chứng chỉ mới được tuyển dụng, và ai có chứng chỉ thì được tăng lương.

Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1.1.2021 cũng quy định người học nghề đi làm được hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động. Ngoài ra, có bảo hiểm thất nhiệp cho lao động qua đào tạo nghề.

Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết thêm: "Chúng tôi đang tiếp tục soạn thảo các thông tư bổ sung sửa đổi danh mục nghề bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, và danh mục nghề bắt buộc phải có bằng cấp thì NLĐ mới được tuyển dụng. Dự kiến quý 1/2020 sẽ hoàn thành và ban hành”. Theo ông Dũng, những quy định này tác động tới cả cung lẫn cầu. Theo đó, người học muốn được tuyển dụng và được trả lương xứng đáng thì phải học nghề bài bản, và doanh nghiệp cũng phải tuyển dụng nhân lực thông qua đào tạo nếu muốn phát triển bền vững.

Tháo gỡ bế tắc trong kết nối nhà trường - doanh nghiệp

Tháng 10 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH cũng có hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Đây là văn bản đầu tiên đề cập đến các chính sách cụ thể trong việc kết nối doanh nghiệp - trường nghề. Theo đó, nghị định này sẽ quy định các ưu đãi về thuế dành cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động đào tạo nghề.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, nhận định đề xuất này sẽ tháo gỡ bế tắc trong quan hệ giữa nhà trường - doanh nghiệp bấy lâu nay. "Nếu doanh nghiệp không có quyền lợi gì thì việc hỗ trợ trường nghề chỉ là tùy tâm. Thời gian tới nếu doanh nghiệp được giảm thuế, được tạo điều kiện về đất đai, thì việc kết nối này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hai bên sẽ chủ động liên kết với nhau trên tinh thần cùng có lợi và cùng thúc đẩy đào tạo nghề”, ông Minh nêu quan điểm.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cũng nhìn nhận đây là một chính sách tốt. Doanh nghiệp sẽ mặn mà hơn với việc hợp tác với trường nghề. Điều này không chỉ nhà trường, doanh nghiệp có lợi mà người học được hưởng lợi lớn nhất: được học chương trình sát với thực tế, thực hành, thực tập với máy móc thiết bị hiện đại tại doanh nghiệp và tốt nghiệp có cơ hội được tuyển dụng ngay.


                                                              Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


Con chữ ở Song Tử Tây không mang gương mặt phụ nữ

Nói rằng con chữ ở xã Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) không mang gương mặt phụ nữ là bởi trong quan niệm của các em học sinh trên hòn đảo này giáo viên chỉ có nghĩa là thầy giáo. Tại Trường Tiểu học Song Tử Tây, kể cả khối mầm non, không có một cô giáo nào, toàn bộ biên chế chỉ vỏn vẹn có hai giáo viên nam.

Sơ kết 1 năm thực hiện chương trình phối hợp về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

(HBĐT) -  Ngày 23/12, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với UB MTTQ tỉnh, Hội Người Cao tuổi tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên sơ kết 1 năm thực hiện chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2018 – 2021.

Huyện Cao Phong: Xây dựng Quỹ Khuyến học góp phần nâng cao chất lượng phong trào học tập suốt đời

(HBĐT) - Hội Khuyến học huyện Cao Phong hiện có 88 chi hội khuyến học với 11.621 hội viên, tăng 429 hội viên so với năm 2018. Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Quỹ Khuyến học nên nhiệm vụ này luôn được các cấp Hội quan tâm, chú trọng.

Ký kết chương trình phối hợp về công tác khuyến học

(HBĐT) - Sáng 18/12, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ký kết chương trình phối hợp về "Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025”.

LĐLĐ tỉnh và Hội Khuyến học sơ kết 1 năm thực hiện chương trình phối hợp

(HBĐT) - Ngày 19/12, Liên đoàn lao động tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Liên đoàn lao động tỉnh và Hội Khuyến học về "đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.

Hiệu quả mô hình “Đổi mới tiết sinh hoạt lớp” tại trường THCS Yên Trị

(HBĐT) - Tiết sinh hoạt lớp đặt ở tiết cuối trong ngày học cuối của mỗi tuần, tiết học không có phân phối chương trình hay nội dung yêu cầu cụ thể, đi đôi với tâm lý muốn xả hơi cuối tuần nên dễ bị thực hiện qua loa, đại khái. Nội dung sinh hoạt còn khô cứng, lặp đi lặp lại, không thực sự gắn với nhu cầu của học sinh; hình thức tổ chức đơn điệu, nhàm chán... Để khắc phục tình trạng này, trường THCS Yên Trị (Yên Thủy) là một trong những trường tiên phong trong việc đổi mới mạnh mẽ tiết sinh hoạt theo hướng tạo cởi mở, thân thiện, quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục