Những năm gần đây, công nghệ tự động hóa được xem như một phần của lực lượng lao động toàn cầu vì tính hiệu quả và chi phí tiết kiệm. Sự xuất hiện của lực lượng này mang lại nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức về việc làm với người lao động.
Tự động hóa dẫn đầu xu hướng việc làm
Theo nghiên cứu của MGI về tiềm năng kinh tế toàn cầu năm 2030, tự động hóa sẽ chiếm khoảng 80% công việc trong hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các lĩnh vực và vị trí việc làm trong tương lai. Adidas là một ví dụ dễ thấy trong làn sóng tự động hóa sau khi mở cửa nhà máy Robot Speedfactory vào năm 2017. Chỉ có 160 nhân sự, so với hơn 1.000 người ở một xưởng thủ công - quy mô tương ứng tại châu Á, Adidas đã tiết kiệm hàng triệu đô la mỗi năm cho chi phí nhân sự và đẩy mạnh chuỗi cung ứng.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, theo Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp & xu hướng kỹ năng giai đoạn 2018 – 2022 của VietnamWorks, tự động hóa hiện nay đang chiếm khoảng 25-30% vào toàn bộ quá trình sản xuất và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thị trường lao động trong 5 năm tiếp theo.
Có thể thấy, tự động hóa có những ưu điểm tuyệt vời như: tăng năng suất lao động, độ chính xác cao, dễ dàng thay đổi hoặc thêm các bước quy trình trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, an toàn lao động…Trong tương lai, với thành tựu của cách mạng công nghệ, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển và còn tác động mạnh mẽ hơn nữa đến người lao động.
Đáp án nào cho bài toán nguồn nhân lực tương lai?
Có thể nhận thấy, "bài toán" nhân lực 4.0 cho một hoặc hai thập kỷ tới cần được giải ngay từ bây giờ bởi chính các nhà giáo dục, xã hội và những người làm cha mẹ. Mặc dù tư duy và kỹ năng vẫn luôn được các nhà tuyển dụng nhắc đến hàng đầu nhưng theo viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, hiện có đến 83% học sinh thiếu các kỹ năng cần thiết. Đây quả là con số đáng báo động, đặt ra thách thức cho phụ huynh và các tổ chức giáo dục.
Theo Báo cáo của Vietnamwork, có 87% chuyên gia cho rằng khi bước vào kỷ nguyên tự động hóa, máy móc sẽ bắt đầu thay thế con người làm một số công việc nhất định và ngày càng chiếm tỉ trọng nhiều hơn. Khi đó, người lao động bắt buộc phải trang bị kiến thức và kỹ năng mà máy móc không thể thay thế được như: khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, tự hoàn chỉnh bản thân, giao tiếp... thì mới có thể cạnh tranh được.
Bà Sona Sherratt, giáo sư Trường kinh doanh quốc tế Hult về hướng phát triển của thế hệ trẻ trong thế giới phẳng, cũng đồng tình: "Việc chuẩn bị sớm các kỹ năng thiết yếu giúp thế hệ trẻ thích nghi với mọi sự thay đổi, nhạy bén nắm bắt cơ hội từ các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, biết cách định hướng đúng đắn cho bản thân trong xu hướng tự động hóa toàn cầu”.
Để làm được điều đó, các bậc phụ huynh cần phải chú trọng việc trang bị 6 kỹ năng thế kỷ 21 cho con như: khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, khả năng tự hoàn thiện bản thân, khả năng hợp tác và kiến thức công nghệ. Những kỹ năng này cần phải được rèn luyện và phát huy thông qua những hoạt động và sự kiện trong cuộc sống trong suốt thời gian dài. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng cho con từ sớm là điều cần thiết để trẻ tự tin và chủ động trước những thách thức của xã hội tương lai.