(HBĐT)-Theo Quyết định của UBND tỉnh, học kỳ II năm học 2019 – 2020 sẽ kết thúc vào ngày 10/7/2020; việc tuyển sinh vào lớp 6 THCS và lớp 10 THPT năm học 2020 – 2021 sẽ  phải hoàn thành trước ngày 15/8/2020. Thời gian không có nhiều, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, học sinh phải nghỉ học kéo dài, ngày 17/4/2020, Sở GD&ĐT đã có Văn bản hỏa tốc số 861/SGD&ĐT-CTTT. Trong đó tiếp tục khuyến khích giáo viên dạy học trực tuyến và tổ chức dạy ôn tập kiến thức học kỳ I cho khối lớp 9, lớp 12 trên truyền hình. Đặc biệt là nhấn mạnh việc trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch dạy kiến thức mới khối lớp 9, lớp 12 trên truyền hình.

 


Giáo viên trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ sử dụng phần mềm MS Office 365 trong dạy học trực tuyến.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, một số trường đã nghiên cứu, thử nghiệm dạy kiến thức mới qua internet từ ngày 20/4. Nếu như trước đây, việc dạy học qua internet dừng lại ở mức ôn tập kiến thức cũ nên số lượng học sinh tham gia không đầy đủ thì nay khi dạy kiến thức mới, số lượng học sinh tham gia đảm bảo bắt buộc 100%. Và lúc này, vấn đề mà các nhà trường, phụ huynh lo lắng chính là đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các lớp học trực tuyến.

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Đức, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - một chuyên gia trong lĩnh vực tin học của ngành Giáo dục tỉnh ta cho biết: Việc học trực tuyến hiện nay đang gặp phải một số vấn đề. Thứ nhất là với đường truyền internet có băng thông nhỏ, sẽ hạn chế rất nhiều đến việc liên lạc giữa hai đầu, dẫn đến hiện tượng trong quá trình sử dụng bị mất kết nối và tự động thoát khỏi môi trường dạy học. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến có máy chủ đặt ở nước ngoài như zoom, ms teams, ... trong thời gian cáp quang quốc tế bị đứt làm đường truyền internet quốc tế bị suy giảm cũng là nguyên nhân làm gián đoạn quá trình dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề trên chưa phải là vấn đề lo lắng nhất của các nhà trường và gia đình có con em tham gia học trực tuyến. Khi tham gia học trực tuyến, học sinh là đối tượng dễ bị xâm hại nhất. Với độ tuổi nhỏ, suy nghĩ còn non nớt, các em có thể mắc một số sai lầm phổ biến như để lộ tài khoản, mật khẩu dẫn đến mất quyền sử dụng tài khoản học trực tuyến, kẻ xấu có được tài khoản này có thể quấy rối lớp học online, đăng nội dung xấu, thậm chí giả danh để lừa đảo các học sinh khác hoặc đánh cắp thông tin cá nhân của các thành viên trong lớp. Quá trình học trực tuyến thường ít trường hợp có cha mẹ giám sát, các em có thể sẽ truy cập vào các website, các nhóm mạng xã hội không phù hợp hoặc sa đà vào các game online dẫn đến sao nhãng việc học mà giáo viên không quản lý được. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã đăng ký sử dụng gói miễn phí cho giáo dục trong thời hạn 6 tháng của công ty Microsoft, trong gói phần mềm này có phần mềm dạy học online MS Teams. Hiện tại, phần mềm này đang được giáo viên và học sinh sử dụng khá tốt, nhà trường có thể quản lý được các lớp học online, Ban giám hiệu có thể tham gia dự giờ bất kỳ lớp nào đang trực tuyến, theo dõi sĩ số học sinh cũng như nội dung giờ học.

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/ phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên (HSSV) trên mạng, không đảm bảo an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua internet.

Về vấn đề này, Thạc sỹ Nguyễn Tiến Đức khuyến cáo: Cần tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra cho giáo viên, HSSV và cha mẹ HSSV. Đồng thời giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19. Cần xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua internet; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học. Đồng thời tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua internet. Đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng internet.

Hiện nay, pháp luật đã có những quy định rất cụ thể, nghiêm minh đối với các sai phạm trên không gian mạng. Do đó trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, HSSV, cha mẹ HSSV và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xứ lý theo quy định của pháp luật.


 Dương Liễu

Các tin khác


Nhiều khó khăn dạy học qua internet và trên truyền hình

(HBĐT) - Trường THPT Yên Hòa (Đà Bắc) có 10 lớp với 270 học sinh, trong đó có 3 lớp khối 12 với 88 học sinh. Thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19, học sinh toàn trường được nghỉ học theo quy định. Kỳ thi THPT đang ở ngay trước mắt, mà khối lượng kiến thức cần ôn tập cũng như học mới rất nhiều. Trong khi đó, học sinh nhà trường có đến gần 80% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, không có điện thoại thông minh, máy tính nối mạng để có thể học trên internet. Khó khăn của nhà trường cũng đang diễn ra tại nhiều trường học thuộc các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh hiện nay.

Dự kiến vẫn tổ chức thi THPT quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến được tổ chức vào ngày 8-11/8 với mục tiêu chính là xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Cảnh báo mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom

(HBĐT) - Căn cứ Công văn số 250, ngày 14/4/2020 của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông  (TT&TT) về việc cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom (bản photocopy đính kèm), vừa qua, Sở TT&TT đã ban hành Văn bản số 321/STTTT - CNTT gửi các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp Viễn thông – Công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh. Công văn nêu rõ:

Phát huy truyền thống dạy hay-học tốt, vượt qua “mùa Covid-19”

Dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến hoạt động dạy và học hoàn toàn thay đổi. Không gian dạy học giờ đây không còn là "bảng đen phấn trắng'' nữa, thay vào đó là màn hình của thiết bị công nghệ, khái niệm dạy và học qua truyền hình, trực tuyến, từ xa cũng nhanh chóng phổ biến với thầy cô, học trò …

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Trường học an toàn mới cho học sinh đi học trở lại

Bắt đầu từ hôm nay (20/4), Thái Bình và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên quyết định đón học sinh trở lại trường, sau thời gian dài tạm nghỉ vì dịch COVID-19. Nhiều tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ thấp cũng lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2020.

19 địa phương thay đổi lịch nghỉ học

Đến chiều 19/4, 17 tỉnh, thành thông báo học sinh tiếp tục nghỉ, riêng Cà Mau, Thái Bình cho lớp 9 và bậc THPT đi học từ ngày mai 20/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục