Tỉnh Thái Bình cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 đi học trở lại nhưng chỉ học 1 buổi/ngày. Đối với học sinh Trung học Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường thực hiện giãn cách, khối 12 và khối 11 học buổi sáng, khối 10 học buổi chiều.
Học sinh lớp 9 và lớp 12 tại tỉnh Cà Mau cũng bắt đầu đi học lại từ sáng 20/4. Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau đã yêu cầu các trường căn cứ tình hình thực tế, có biện pháp chia nhỏ sĩ số lớp, tăng cường giáo viên giảng dạy và có biện pháp giãn cách phụ huynh khi đưa đón học sinh.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa có công điện cho phép học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đi học trở lại từ ngày 21/4. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng cho học sinh lớp 9 và lớp 12 quay trở lại trường từ ngày 27/4. Bên cạnh đó, một số địa phương như Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang, Yên Bái, Lào Cai... cũng dự kiến cho học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, đi học lại vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2020; các cấp học dưới trở lại trường học chậm hơn khoảng 1 - 2 tuần…
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Các địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, cân nhắc thời điểm cho học sinh đi học lại. Nhóm địa phương nguy cơ thấp có thể xem xét, đề xuất UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên phải đặt lên hàng đầu.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, học sinh đi học phải an toàn, trường học có an toàn mới cho học sinh đi học. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các khối lớp khác học sau; cũng không nhất thiết phải xếp lịch học cả tuần mà có thể xếp lịch học đan xen các khối lớp 3 buổi/tuần. Ở mỗi lớp học cũng có thể tách đôi số lượng học sinh để bố trí giảng dạy; kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến…
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu: Các trường cần thực hiện nghiêm văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về việc đảm bảo các điều kiện cho học sinh trước, trong và sau khi đi học trở lại.
Theo đó, đối với nhà trường, trước khi học sinh quay trở lại trường, tổ chức vệ sinh ngoại cảnh; tổ chức khử khuẩn trường học một lần bằng cách phun hoặc lau nền nhà, tường nhà (nếu có thể), tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng.
Các trường bố trí, đảm bảo nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch, nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học; đồng thời, chú ý tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường hướng dẫn giáo viên thực hiện và phối hợp với gia đình học sinh hướng dẫn học sinh thực hành hằng ngày các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là rèn luyện thói quen rửa tay thường xuyên, đúng lúc, đúng cách; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khuôn viên nhà trường (bao gồm giáo viên, nhân viên, học sinh); có biện pháp phù hợp để không cho người có biểu hiện sức khỏe không bình thường vào trường.
Trong thời gian ở trường, giáo viên hướng dẫn, theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tự theo dõi bản thân (đối với học sinh phổ thông) để phát hiện kịp thời và báo cáo giáo viên khi cảm thấy sức khỏe không bình thường; thường xuyên rửa tay trước khi vào lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thực hành, thí nghiệm, sử dụng sách, vở, học liệu dùng chung.
Kết thúc mỗi buổi học, các cơ sở giáo dục duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo đúng quy định; kiểm tra, bổ sung nước sát khuẩn, xà phòng và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo. Bên cạnh đó, các trường không tổ chức hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm; tổ chức chào cờ tại lớp học.
Theo Baotintuc.vn