(HBĐT) - Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ trọng tâm trong lộ trình đổi mới GD&ĐT, góp phần tích cực thực hiện chiến lược CĐS của toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.


Trường THCS thị trấn Cao Phong (Cao Phong) được đầu tư khá đồng bộ về trang thiết bị để học môn ngoại ngữ và tin học, bước đầu nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục.

Trong kế hoạch CĐS tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp CĐS trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, ngành GD&ĐT cần phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy, học tập theo cả hình thức trực tiếp, trực tuyến. Cũng theo UBND tỉnh, cần phấn đấu 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó, thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình; đồng thời, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

Ghi nhận những năm gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh đã chú trọng huy động nguồn lực để khởi động hành trình CĐS. Với quyết tâm cao, ngành bước đầu triển khai đồng bộ, thiết thực các giải pháp như chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, huy động các nguồn tài trợ về hạ tầng thông tin, cung cấp trang thiết bị cho các nhà trường, tạo cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo các điều kiện để dạy và học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018… Đặc biệt, ứng dụng CNTT trong giáo dục, Sở GD&ĐT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn viễn thông như VNPT, Viettel… để cung cấp đường truyền và dịch vụ viễn thông đến các nhà trường. Với sự hỗ trợ hiệu quả của tổ chức The Dariu Foundation, việc đưa khoa học máy tính và lập trình, giáo dục STEM/STEAM vào giáo dục từ mầm non đến phổ thông bước đầu có những kết quả đáng khích lệ. Ngành đang dần phổ cập kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên, học sinh. Năm học 2020 - 2021, triển khai đến 53 trường mầm non, hướng dẫn khoảng 5.000 trẻ em từ 4 - 6 tuổi được tiếp cận khoa học máy tính qua lập trình trên điện thoại thông minh với ngôn ngữ Scratch Junior. Gần 200 câu lạc bộ lập trình, câu lạc bộ STEM được thành lập trong các nhà trường. Trên 3.000 lượt giáo viên được tập huấn tăng cường kỹ năng số trong giáo dục. Hơn 100.000 lượt học sinh được tiếp cận khoa học máy tính và ngôn ngữ lập trình Blockly, làm quen với vi điều khiển. Năm 2021, Quỹ Dariu huy động các nguồn lực hỗ trợ cho ngành 400 laptop, 65 bộ máy tính để bàn, 30 máy tính bảng, 945 điện thoại thông minh, 620 mạch vi điều khiển Micro:Bit để triển khai phổ cập kỹ năng số đến các nhà trường. Kết quả, nhiều sản phẩm, dự án của các câu lạc bộ đã ra đời, được đánh giá cao về tính ứng dụng và hàm lượng khoa học công nghệ. Điển hình như: Nhóm học sinh của trường TH&THCS Mai Hịch (Mai Châu) tham gia cuộc thi Coolest Project Malaysia 2020 đoạt giải Honorable Mention (tương đương giải ba); nhóm học sinh trường TH&THCS Cun Pheo (Mai Châu) tham gia cuộc thi Coolest Project Malaysia 2021 đoạt giải 2nd Run Up (tương đương giải nhì); đội WIKO - học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tham gia Kỳ thi Olympic phát minh và sáng chế thế giới năm 2021 (tổ chức theo hình thức trực tuyến) đoạt huy chương bạc…

 Đồng chí Bùi Ngọc Lâm, Tổ trưởng Tổ CNTT, Sở GD&ĐT trao đổi: Thời gian qua, tỉnh đã bước đầu sử dụng các công cụ dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams… vào dạy học để đáp ứng công tác phòng, chống dịch. Tổ CNTT cũng đã tham mưu lãnh đạo Sở làm việc với các đối tác để cung cấp các tài khoản trực tuyến miễn phí đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động nhiều đến chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học của ngành GD&ĐT, dạy học trực tuyến đã được tăng cường, trở thành một xu thế tất yếu để vừa thích ứng với tình hình mới vừa đẩy nhanh lộ trình CĐS trong GD&ĐT. 

 Đặc biệt, ngành GD&ĐT phối hợp với Tập đoàn FPT (trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và tập đoàn FPT về CĐS tỉnh Hòa Bình) xây dựng đề án Hệ sinh thái giáo dục thông minh đáp ứng nhu cầu CĐS trong GD&ĐT. Đây là hình thức dạy học ứng dụng CNTT, được nhiều quốc gia và các tổ chức giáo dục lựa chọn trong hành trình CĐS, đồng thời cũng chính là những bước đi chắc chắn, khởi đầu một cách thuận lợi cho hành trình CĐS ngành GD&ĐT.


Thu Trang

Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục