Việc Bộ GD-ĐT ban hành công văn hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn vào thời điểm các nhà trường phổ thông vừa kết thúc học kỳ 1 cho thấy ngành giáo dục đã lắng nghe tiếng nói của học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo.


Ngày 6.1, Bộ GD-ĐT ban hành công văn về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT.


Học sinh lớp 10 trong giờ học môn hóa. Đây là một trong các môn lựa chọn. ĐÀO NGỌC THẠCH

Học sinh được đổi môn lựa chọn là hợp tình, hợp lý

Công văn có nội dung đáng chú ý, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Thực tiễn dạy học ở bậc THPT năm học 2022-2023 cho thấy, học sinh lớp 10 có nhu cầu chuyển đổi môn lựa chọn, kể cả tổ hợp môn (nhiều môn) vì nhiều lý do khác nhau.

Theo đó, học sinh chọn sai môn, tổ hợp môn vì chưa nhận ra sở trường của bản thân. Có em nghe theo bạn bè, thậm chí bị chi phối bởi cha mẹ trong việc lựa chọn nghề nghiệp sau này nên "chọn đại” môn học, việc học vì thế cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Tình trạng học sinh xin đổi môn lựa chọn xuất hiện sau kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 (sau 2 tháng học lớp 10) khiến lãnh đạo nhà trường rất lúng túng. Hiệu trưởng nhận đơn xin đổi môn học của học sinh nhưng không biết phải xử lý thế nào cho hợp tình hợp lý.

Trong khi đó, có nhiều quan điểm trái chiều về việc học sinh xin đổi môn lựa chọn. Có luồng ý kiến cho rằng, nên cho học sinh đổi môn lựa chọn ngay sau khi kiểm tra học kỳ 1 hoặc chậm nhất là cuối học kỳ 1. Nhưng luồng ý kiến khác lại đề xuất kết thúc năm học thì mới có thể thực hiện được việc này.


Học sinh lớp 10 năm nay là lứa đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới. ĐÀO NGỌC THẠCH

Thuận lợi, khó khăn khi học sinh đổi môn học vào cuối năm

Việc Bộ GD-ĐT cho phép học sinh lớp 10 được đổi môn lựa chọn vào cuối năm học giúp các nhà trường THPT ổn định việc dạy và học. Nếu học sinh được phép chuyển đổi môn học vào giữa học kỳ, cuối học kỳ của năm thì sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong biên chế lớp học và sắp xếp thời khóa biểu.

Hơn nữa, nếu nhà trường cho phép học sinh được đổi môn lựa chọn vào giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1 thì lãnh đạo phải sắp xếp giáo viên giảng dạy môn học mới cho các em rất mất thời gian. Thầy cô ngoài việc giảng dạy trên lớp theo kế hoạch thì còn phải giáo dục học sinh và làm nhiều công việc khác có liên quan.

Vì vậy, học sinh được phép đổi môn lựa chọn vào cuối năm học là phương án khả thi. Sau khi kết thúc năm học, giáo viên có thể dành thời gian giảng dạy cho những học sinh có nhu cầu thay đổi môn học lựa chọn. Thời gian học vào tháng 6, 7, 8 có thể giúp học sinh nắm bài vở chắc chắn hơn.

Thế nhưng, việc cho học sinh lớp 10 được đổi môn lựa chọn vào cuối năm học cũng có một số khó khăn nhất định. Đó là, nếu giáo viên bộ môn không có thời gian giảng dạy thì các em phải đi học thêm, cũng là thêm gánh nặng với những gia đình có kinh tế khó khăn.

Sau khi học sinh kết thúc môn học mới, hiệu trưởng phải thành lập hội đồng, tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh theo quy định. Học sinh phải làm nhiều bài kiểm tra trong một thời gian ngắn liệu các em có kham nổi?


Bộ GD-ĐT quy định học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì thực hiện vào cuối năm học. ĐÀO NGỌC THẠCH

Cụ thể, học sinh phải làm bài kiểm tra để lấy điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra cuối kỳ. Với môn học trên 70 tiết/năm, học sinh phải có 4 cột điểm kiểm tra thường xuyên, 1 cột điểm kiểm tra giữa kỳ, 1 cột điểm kiểm tra cuối kỳ (Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT). Như vậy, học sinh phải đủ 12 cột điểm sau khi kết thúc một môn học mới.

Về mặt tâm lý, mỗi khi học sinh không thích môn học lựa chọn nào đó nhưng các em phải học trong một năm là quá áp lực. Chưa kể, khi học môn học mới, điểm kiểm tra, đánh giá không đạt yêu cầu thì học sinh sẽ không được công nhận kết quả học tập. Học sinh phải học lại môn cũ, làm sao các em có thể vượt qua trong 3 năm học?


THeo Báo Thanh niên

Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục