(HBĐT) - Bước vào tháng 8, các trường học trong tỉnh khẩn trương củng cố cơ sở vật chất. Nhiều trường gấp rút hoàn thành các hạng mục được sửa chữa, nâng cấp, mua trang thiết bị để sẵn sàng bước vào năm học mới. 


Trường mầm non Hoa Phượng, thị trấn Bo (Kim Bôi) gấp rút hoàn thiện các hạng mục sửa chữa 
để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024.

Đến trường mầm non Hoa Phượng ở thị trấn Bo (Kim Bôi) khi các cô giáo đang tất bật dọn dẹp khuôn viên sân trường, chăm sóc vườn hoa, sắp xếp lại bàn ghế, bổ sung trang thiết bị dạy và học, trang trí lớp học… Theo hiệu trưởng Bùi Thị Tiện, để nhà trường được khang trang hơn trong năm học mới, từ trung tuần tháng 7, trường mầm non Hoa Phượng đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa 6 phòng, bao gồm 2 lớp học, phòng nghệ thuật, tin học, y tế cùng nhà vệ sinh cho trẻ. Dự kiến đến ngày 25/8, các hạng mục sửa chữa sẽ được hoàn thành để kịp thời đón trẻ đến trường. Năm học 2023 - 2024, trường mầm non Hoa Phượng có 8 lớp học, dự kiến đón trên 260 trẻ. Nhà trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với mục tiêu trở thành trường mầm non hạnh phúc. Chính vì vậy, nhà trường mong muốn được các cấp có thẩm quyền xem xét cho mở rộng khuôn viên với các hạng mục sân vườn, khu phát triển vận động… đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho dạy và học. 

Tại trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cao Phong, huyện Cao Phong, việc sửa chữa cơ sở vật chất đang được tích cực triển khai. Hiện các phòng học, nhà hiệu bộ, nhà ăn… được nhà thầu khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến đến cuối tháng 8, các hạng mục công trình sẽ được hoàn thành, bàn giao, đảm bảo thời gian khai giảng năm học. 

Trên địa bàn TP Hoà Bình, các trường học cũng cơ bản chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, sẵn sàng đón năm học mới. Theo phòng GD&ĐT thành phố, sự chuẩn bị chu đáo là nền tảng để tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn bước vào năm học với kỳ vọng đạt kết quả tốt nhất. 

Theo Sở GD&ĐT, năm học 2023 - 2024, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, chất lượng giảng dạy ở các bậc học, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên… Tất cả hướng về mục tiêu đảm bảo một năm học mới với nhiều thành công và chất lượng.

Được biết, đối với đầu tư cơ sở hạ tầng ngành GD&ĐT tỉnh trong những năm qua, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, ngành Giáo dục, chính quyền các địa phương đã khuyến khích, huy động các nguồn lực, nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng... qua đó góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục trên địa bàn.

Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH T.Ư Đảng khoá XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tỉnh ta định hướng quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hoá. Tỉnh uỷ giao Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố tham mưu tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức lại quy mô trường, lớp đảm bảo hợp lý, phù hợp với cơ sở vật chất hiện có. Thực hiện đúng tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp với kế hoạch xây dựng nông thôn mới. 
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất ở những điểm chính để mở rộng quy mô nhằm giảm dần các điểm trường lẻ; xoá phòng học bán kiên cố, phòng học tạm; bổ sung xây mới phòng học đảm bảo đủ 1 phòng học/1 lớp, phòng bộ môn, nhà đa năng, các phòng chức năng, công trình vệ sinh và các hạng mục phụ trợ khác đạt chuẩn theo quy định để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp của các cơ sở giáo dục công lập; dành quỹ đất để tạo điều kiện phát triển giáo dục ngoài công lập. 

Tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường năng lực tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng số lượng đào tạo mới, đào tạo lại nghề cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Huy động mọi nguồn lực đầu tư để thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU của Tỉnh ủy và các đề án, kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục và hỗ trợ các hoạt động của cơ sở GD&ĐT.


Hồng Trung

Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục