Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình tích cực triển khai các phong trào thi đua, đồng thời có nhiều chính sách chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), từ đó gặt hái nhiều thành quả quan trọng.
Toàn ngành hiện có trên 18.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ngành đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nhằm đảm bảo về số lượng và cơ cấu theo vị trí việc làm. Năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên từng bước được giải quyết.
Đáng chú ý, trong năm 2023, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và thực hiện việc luân chuyển cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc; thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi học sinh giỏi quốc gia; triển khai thực hiện yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông...
Ngành thực hiện tốt việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định và có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, ngành cũng thực hiện tốt việc hỗ trợ đối với trẻ mầm non, giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dân lập, tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp…
Chất lượng giáo dục tiếp tục được củng cố, tăng cường. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ cao. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh đạt 99,5%, tăng 0,19% so với năm 2023. Hoà Bình xếp thứ 36 trên toàn quốc, tăng 5 bậc so với năm 2023. Điểm trung bình bài thi các môn đạt 6,52 điểm, tăng 0,19 điểm so với năm 2023. Toàn tỉnh có 191 bài thi đạt điểm 10, tăng 1 bài so với năm 2023. Đặc biệt, có 1 thí sinh đạt 3 điểm 10 tại Trường THPT Mường Bi (3 điểm 10 các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); 12 thí sinh đạt 2 điểm 10.
Thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, đến nay, 4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch năm, cơ bản đạt theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh thực hiện hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm. Đẩy mạnh nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, bổ nhiệm được chú trọng; việc rà soát, xây dựng quy hoạch cán bộ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh công sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ, nghề nghiệp trong cán bộ, công chức, viên chức nhà giáo.
Công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên rõ rệt, kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp GD&ĐT, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; phong trào thi đua và công tác khen thưởng ngày càng gắn kết chặt chẽ, thông qua các phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, nhiều nhân tố mới xứng đáng được khen thưởng.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Đinh Thị Hường, trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà không thể không nói đến sự quan tâm về chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên trong ngành.
Theo đó, ngành GD&ĐT luôn phối hợp chặt chẽ cùng Công đoàn cơ quan và các tổ chức đoàn thể thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức nhân ngày lễ, Tết, tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hoá - thể thao mang lại không khí vui tươi, phấn khởi; tạo cơ hội học tập nâng cao trình độ.
Thường xuyên chăm lo đến điều kiện làm việc, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức như bổ sung kịp thời máy tính, máy photocopy, bàn ghế làm việc. Đồng thời có nhiều giải pháp, biện pháp tiết kiệm kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức vào dịp cuối năm...