Những năm trước nhiều phụ huynh phản ánh về yêu cầu của nhà trường đối với trang phục, như học sinh phải đi giày bata trắng, không được đi dép; chỉ mặc quần xanh đen hay chỉ mang cặp, không mang ba lô khi đi học ở trường… Nếu mua theo đúng yêu cầu thì cũng tốn một khoản tiền kha khá, điều này gây áp lực cho phụ huynh, bởi vào đầu năm học đã phải chi nhiều cho các khoản cần thiết như: sách vở, đồ dùng học tập...
Chị Nguyễn Thị Hường ở TP Hòa Bình cho biết: Năm nay tôi có 2 con học cấp II và cấp III, nên vào đầu năm học có nhiều khoản phải chi. Bước vào năm học mới, chúng tôi mong muốn nhà trường thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các nguồn thu để phụ huynh được biết. Chúng tôi luôn mong muốn con em mình có môi trường học tập và rèn luyện tốt. Nếu các trường thực hiện tốt việc công khai, chúng tôi sẵn sàng đóng góp và đồng hành với nhà trường.
Anh Bùi Mạnh Hùng ở TP Hòa Bình chia sẻ: Trong mấy năm gần đây, nhiều trường đã điều chỉnh việc thu chi đầu năm học, như giảm một số khoản, thực hiện thu làm nhiều đợt cũng đỡ gây áp lực cho phụ huynh. Tuy nhiên việc mua điều hòa, ti vi ở các lớp vẫn còn nhiều bất cập. Như con lớn nhà tôi học hết cấp II thì lớp thống nhất tặng lại nhà trường điều hòa và ti vi. Nhiều lớp hết cấp cũng làm vậy. Nhưng con thứ 2 nhà tôi vào đầu cấp II phụ huynh vẫn hô hào đóng tiền mua điều hòa, ti vi gây lãng phí lớn. Chúng tôi mong muốn nhà trường sử dụng lại trang thiết bị các lớp trước tặng lại. Khi nào hỏng mới sửa hoặc thay thế.
Để khắc phục tình trạng bất cập, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 2333 gửi UBND, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị, trường học trực thuộc, cơ sở giáo dục ngoài công lập về việc tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính năm học 2024 - 2025. Theo đó, đối với cơ sở giáo dục công lập, các khoản thu theo quy định: thu chi học phí và thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2024 - 2025; bảo hiểm y tế học sinh; thu, chi dạy thêm, học thêm theo quy định; các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ giáo dục; vận động tài trợ cho hoạt động giáo dục.
Đối với các khoản thu theo hình thức thoả thuận, xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh và cha mẹ học sinh phục vụ trực tiếp cho người học (tiền nấu ăn bán trú, chất đốt, nước sinh hoạt, trực trưa...) là các khoản thu hộ, chi hộ để hỗ trợ học sinh trong quá trình sinh hoạt, học tập, rèn luyện tại trường. Các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các khoản thu theo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không vì mục đích thương mại; trao đổi thống nhất với cha mẹ học sinh và thỏa thuận (bằng văn bản) tại cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) lớp, trường trên tinh thần tự nguyện, công khai mức thu trên cơ sở tính toán chi phí, đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn, chất lượng bữa ăn, các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm... phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương và báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý quy định.
BĐDCMHS tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011. BĐDCMHS chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của BĐDCMHS, không được thu: các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐDCMHS. Việc thu, chi kinh phí của BĐDCMHS phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể BĐDCMHS trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, ngoài các hoạt động dịch vụ có thu tiền sau khi đã thống nhất với cha mẹ học sinh, như tiền ăn bán trú, đưa đón học sinh, học các môn năng khiếu theo yêu cầu của phụ huynh học sinh..., các cơ sở giáo dục ngoài công lập không được phép đặt ra các khoản thu khác ngoài học phí như tiền cơ sở vật chất ban đầu, tiền tài liệu học tập, đồ chơi...
Việt Lâm