Chiều 19/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.

Chú thích ảnh
Giờ học ôn tập của học sinh lớp 12 chuyên Văn, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh tư liệu: Quý Trung/TTXVN

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương đã thông tin về những khác biệt cơ bản giữa mô hình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 với kỳ thi năm 2024, cũng như tiến độ chuẩn bị cho kỳ thi đến thời điểm hiện tại.

Theo đó, với tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác chuẩn bị đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện từ sớm, từ xa. Đến thời điểm này, cơ bản hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đã được ban hành.

Để đảm bảo cho công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng mở, phát huy trí tuệ tập thể trong toàn ngành, đồng thời phù hợp với phương thức một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, Cục Quản lý chất lượng đã tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên trên toàn quốc. Kết quả, giáo viên đã làm quen với hình thức đánh giá năng lực theo đúng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tháng 10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 18 đề tham khảo, đảm bảo đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 đã được Bộ ban hành trước đó. Đề thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tập trung chủ yếu ở lớp 12, nhằm giúp giáo viên chủ động giảng dạy, ôn tập ngay từ đầu năm học. So với mọi năm, đề tham khảo năm nay công bố sớm trước 5 tháng.

Hệ thống công nghệ, kỹ thuật, phần mềm hỗ trợ đều được triển khai theo đúng tiến độ đề ra, đảm bảo kịp thời cho công tác tổ chức kỳ thi năm 2025.

Về phía địa phương, đến nay, hầu hết các địa phương đã ban hành Chỉ thị hoặc văn bản chỉ đạo đối với ngành giáo dục triển khai các nhiệm vụ của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các địa phương cũng đã cho học sinh lớp 12 đăng ký thi thử lần 1 các môn dự kiến chọn thi tốt nghiệp (ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn); tổ chức học, thi thử theo dạng thức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thi (dự kiến đầu tháng 3/2025); hoàn thiện các hệ thống phần mềm tổ chức thi và thử nghiệm trên diện rộng, kiểm tra đánh giá an ninh, an toàn trước khi đưa vào sử dụng; tiếp tục tập huấn đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi; tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn để các địa phương nắm rõ mô hình, cách thức tổ chức, cấu trúc định dạng đề thi, thời gian thi, lịch thi…

Các địa phương phân cấp, phân quyền rõ, đầy đủ, trách nhiệm, toàn diện kỳ thi tại địa phương; đồng thời, xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, vật lực. Các nhà trường chú trọng tổ chức dạy học, đánh giá bám sát chương trình và nội dung thi, tổ chức thi thử để giáo viên, học sinh làm quen với cách thức tổ chức thi.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị đã thông tin về công tác phối hợp, triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025; nêu ra những thuận lợi, khó khăn, đề xuất cách thức, giải pháp để tổ chức kỳ thi đảm bảo các yêu cầu đặt ra.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự chủ động trong công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 ở tất cả các khâu, đặc biệt là chuẩn bị về mô hình, cách thức tổ chức, khâu làm đề thi… Theo Bộ trưởng, các bước chuẩn bị cho kỳ thi năm 2025 đã chủ động hơn so với mọi năm ở tất cả các khâu, điều này cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của mùa thi năm 2025.

Với yêu cầu cần lường trước mọi vấn đề, thấy hết thách thức để chuẩn bị với tinh thần thận trọng, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tập trung làm tốt một số khâu trong tổ chức kỳ thi, như: ra đề, tập huấn, thanh tra, truyền thông…

Với kỳ thi đầu tiên thực hiện theo tinh thần đổi mới, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý tới khâu tập dượt để rút kinh nghiệm. Mục tiêu đảm bảo chất lượng và có một kỳ thi an toàn không có gì thay đổi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh yêu cầu về tăng cường phân cấp, tinh gọn và trách nhiệm của các địa phương trong tổ chức kỳ thi.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 đánh giá theo Chương trình mới

Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT, trong đó có điểm mới là đánh giá theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới).

TP Thanh Hóa xin ý kiến cho học sinh THCS nghỉ học thứ 7 từ ngày 17/2

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đơn vị vừa có văn bản gửi Thành ủy, UBND thành phố về việc xin ý kiến cho phép triển khai dạy và học 5 ngày/tuần đối với các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn. Dự kiến thời gian thực hiện từ ngày 17/2/2025.

Ngành Giáo dục “phủ xanh” thông tin tích cực trên không gian mạng

Trong bối cảnh thời đại số, công nghệ thông tin và mạng xã hội (MXH) bùng nổ mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Người dùng dễ dàng kết nối, chia sẻ, tiếp cận thông tin, bao gồm cả những thông tin chính thống, tích cực và thông tin xấu, độc, sai trái, bịa đặt. Mô hình "Chủ động lan toả thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin xấu, độc” trên không gian mạng được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh triển khai bước đầu mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô khoảng 85.000 chỗ.

Lan tỏa phong trào “Sinh viên 5 tốt”

Phong trào "Sinh viên 5 tốt” được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động từ năm 2009 nhằm xây dựng sinh viên toàn diện với 5 tiêu chí: "Học tập tốt”, "Đạo đức tốt”, "Thể lực tốt”, "Tình nguyện tốt”, "Hội nhập tốt”. Xác định tầm quan trọng của phong trào, thời gian qua, Tỉnh Đoàn thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động nâng cao chất lượng phong trào. Qua đó hàng năm có thêm nhiều tấm gương "Sinh viên 5 tốt” được tuyên dương, khen thưởng cấp trường, cấp tỉnh.

Giáo dục ý nghĩa Tết cổ truyền cho thiếu nhi

Đối với mọi người, Tết cổ truyền không chỉ là dịp để quây quần sum họp bên gia đình mà còn chứa đựng bản sắc văn hoá dân tộc. Dịp Tết, nhiều trường học đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa như hội chợ Tết, học gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian... Qua đó không chỉ có giờ ngoại khóa bổ ích mà còn giúp các em thêm hiểu, trân trọng, yêu quý văn hóa truyền thống của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục