Hơn 20 tỉnh, thành phố đã quyết định tăng học phí mầm non, phổ thông ngay từ đầu năm học. Thế nhưng, phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn vì cách chia vùng để tính học phí chưa thuyết phục, đặc biệt là những lo lắng về tình trạng “lạm thu” vẫn diễn ra.

Theo quy định khung học phí mới, mức học phí đối với học sinh mầm non, phổ thông sẽ do HĐND cấp tỉnh, thành phố quyết định trên nguyên tắc không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo đến tháng 12-2010, các địa phương phải hoàn chỉnh và đưa vào thực hiện mức thu học phí mới.

Băn khoăn chia vùng

Đề án học phí của Hà Nội đề xuất tăng học phí 1,5-2 lần so với mức cũ nhưng đang phải chỉnh sửa lại theo yêu cầu của HĐND thành phố. Ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GĐ-ĐT Hà Nội, cho biết: “Đề án đang điều chỉnh của Hà Nội vẫn bảo lưu mức đã đề xuất là tăng 1,5-2 lần so với mức học phí cũ. Nhưng sẽ xem xét lại việc chia vùng để xác định các mức học phí khác nhau.

Quan điểm của sở là đối với vùng nông thôn của Hà Nội, chia nhỏ thành hai đối tượng: đối tượng thuần nông (cha mẹ học sinh chỉ làm nông nghiệp, không có nghề phụ) và đối tượng ở nông thôn nhưng không làm nghề nông hoặc làm nghề nông nhưng có nghề phụ tăng thêm thu nhập”.

Ông Độ cho rằng việc chia nhỏ sẽ tính sát hơn đối tượng phải thu học phí, đảm bảo những gia đình khó khăn không phải chịu mức học phí cao quá. Theo cách tính của Sở GD-ĐT Hà Nội, mức chênh lệch học phí giữa hai đối tượng trên là gấp đôi. Tuy nhiên, ý kiến của HĐND thành phố cho rằng chia nhỏ không phù hợp với thực tế mà nên gộp lại và tính toán mức học phí có thể phù hợp với cả hai đối tượng trên.

Nhiều người cho rằng việc chia nhỏ đối tượng vô hình trung lại không công bằng với nhiều người. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ trình lại đề án học phí cho HĐND thành phố vào cuối năm nay để có thể thực hiện vào học kỳ II của năm học 2010-2011.

Trong khi đó, theo Bộ GD-ĐT, hiện nhiều tỉnh, thành phố được HĐND thông qua mức học phí mới và thực hiện ngay trong năm học này, đó là: Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang... Các địa phương này quyết định mức học phí tăng 1,5-2 lần so với mức cũ nhưng mỗi tỉnh một cách chia vùng khác nhau. Một số địa phương khác như Hải Phòng, Nam Định... cho biết đang trong quá trình xây dựng đề án học phí mới. Và việc phải bàn nhiều nhất vẫn là chuyện “chia vùng” như thế nào để sát đối tượng.

Tại TP.HCM, Sở GD-ĐT TP đang tiến hành xây dựng lại đề án tăng học phí ở các bậc học. Theo Sở GD-ĐT TP, để thực hiện chính sách "an dân", trong tình trạng nhiều mặt hàng tăng giá liên tục như hiện nay, mức học phí mới sẽ không thực hiện trong học kỳ II của năm học này. Dự kiến đầu năm học 2011-2012 TP sẽ tăng học phí nhưng tăng có lộ trình.

Tạm đủ để không “lạm thu”?

Trước thông tin về việc tăng học phí, ngay những ngày đầu năm học rất nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn vì lo lắng các khoản thu ngoài học phí cũng tăng theo. Chỉ riêng tại Hà Nội, năm học 2009- 2010 chứng kiến nhiều trường đặt ra hàng chục khoản thu khác nhau khiến tiền trường trở thành gánh nặng cho phụ huynh.

Về điều này ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Khi điều chỉnh học phí, chúng tôi cũng hướng đến việc dần dần giảm việc “lạm thu” ngoài học phí của các nhà trường. Vì việc lạm thu một phần do các trường không có đủ kinh phí trang trải cho những hoạt động mà học phí không bù đắp được.” Tuy nhiên, ông đánh giá với mức tăng học phí 1,5-2 lần cũng chỉ tạm đủ để các trường không lạm thu.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, trong năm học tới cùng với việc nâng mức học phí, sở sẽ đề nghị tăng định mức chi cho giáo dục tính theo đầu học sinh lên trên 2 triệu đồng/học sinh. Trong đó tăng cao hơn ở bậc tiểu học để các trường có thể bù đắp chi phí khi không được thu học phí (hiện định mức này từ 1,3-1,9 triệu đồng/học sinh).

Về điều này ông Trần Thanh Đức, phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang (tỉnh sẽ áp dụng mức học phí mới tăng 1,5-2 lần so với mức cũ), cho biết: “Năm học tới một số khoản thu tự nguyện sẽ phải cấm. Ví dụ các khoản thu xuất phát từ ý định của một bộ phận phụ huynh có thu nhập cao gây khó khăn cho số đông phụ huynh khác”.

Ông Trần Trọng Khiểm, giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho rằng sẽ phải tham mưu để UBND thành phố ban hành hướng dẫn thu chi cho các ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm hạn chế những khoản thu không cần thiết.

                                                                                  Theo Báo Tuoitre

 

Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục