Cô Bạch Tuyết, quản nhiệm Trường tư thục Hoàng Diệu, động viên hai học trò bị mệt, phải ăn cháo, sau buổi thi môn địa lý trưa 3-6.
Ngủ ít hơn, nhìn đồng hồ nhiều hơn, tất bật từ 3g sáng tới tận 12g đêm xung quanh chuyện ăn - ngủ - sinh hoạt - thi cử của học trò. Đó là hình ảnh của các giáo viên quản nhiệm trường nội trú.
Sắp hết giờ thi môn địa lý sáng 3-6, Như - học sinh Trường tư thục Hoàng Diệu, TP.HCM - gục xuống bàn vì quá mệt. Trống báo hết giờ, Như lảo đảo bước ra khỏi hội đồng thi.
Các thầy cô quản nhiệm của trường thót tim, liền mau chóng đón taxi đưa em về trường nghỉ ngơi. Cô Bạch Tuyết, quản nhiệm khu nội trú nữ, loay hoay xoa dầu, đắp chăn để em tranh thủ chợp mắt. Thầy Dũng quản nhiệm thì tranh thủ đi mua cháo cho học trò trong khi căngtin trường chưa chuẩn bị kịp. Gần trưa, khi cô học trò có vẻ khỏe hơn và có thể đi lại được, khuôn mặt các thầy cô quản nhiệm mới tạm thời giãn ra.
Đi thi cùng học trò
“Căng thẳng lắm, học trò lo, mình còn lo hơn học trò. Đêm ngủ mà đứa nào cựa quậy là mình dậy ngay. Không có cha mẹ bên cạnh, thầy cô phải làm thay hết, lo từng miếng ăn, cái áo cái quần, giục đi ngủ, gọi dậy đi thi, túc trực 24/24g để đảm bảo mọi việc ổn thỏa”, cô Bạch Tuyết tâm sự. 12 năm trong nghề, cô đã quá quen với những kỳ thi, đến mức bỏ cả nhà cửa ở ngay thành phố để sống nội trú, cùng ăn cùng ở với học trò. Cứ trò thức thì cô thức, trò ngủ rồi cô mới dám ngủ. Ngày lo cho học trò đi thi, tối về giúp từng em dò bài. Sáng học trò thức dậy từ 5g thì cô Tuyết đã phải thức giấc từ 4g chỉ để... yên tâm.
"Căng thẳng lắm, học trò lo, mình còn lo hơn học trò. Đêm ngủ mà đứa nào cựa quậy là mình dậy ngay" Cô BẠCH TUYẾT |
Lo ăn sáng xong, cô theo xe đưa trò đến hội đồng thi. Rồi cũng như bao ông bố bà mẹ khác, cô tìm một chỗ ngồi râm mát ở cổng trường thi để chờ đón học trò. “Nói là quen việc rồi nhưng vẫn hồi hộp lắm, đứng ở cổng trường đón học trò, thấy em nào mặt hớn hở là biết làm bài được, thấy em nào xụ mặt xuống là mình cũng hoảng...”.
Suốt trưa 3-6, cô cứ tất bật với những cuộc gọi của phụ huynh hỏi thăm tình hình sức khỏe và thi cử của con. Những người cha, người mẹ ở phương xa cũng ấm lòng phần nào khi nghe cô quản nhiệm của con mình nói “anh/chị yên tâm, cháu làm bài tốt lắm” qua điện thoại.
Đợi hơn 200 học trò ăn trưa xong và về phòng nội trú nghỉ ngơi, thầy hiệu trưởng và năm giáo viên quản nhiệm ở cơ sở Bình Thạnh của Trường tư thục Hồng Đức mới dám ngồi vào bàn, ăn vội chén cơm để rồi lại tất bật đưa học trò lên xe đi các hội đồng thi. Đếm thấy thiếu một học trò còn lang thang ở ngoài, thầy Hội, quản nhiệm, phải dắt xe ra ngoài để đón em về kịp ăn và nghỉ trưa. Cô Thủy, quản nhiệm nữ duy nhất của cơ sở này, đi từng phòng kiểm tra xem có học trò nào mệt, không ăn được cơm hay mất tinh thần sau buổi thi sáng.
Dậy trước, ăn sau
Thầy Phạm Thành Tâm, hiệu trưởng Trường tư thục Hồng Đức, cho biết năm nay toàn trường có hơn 500 học sinh lớp 12 đi thi, số lượng đông nên quản nhiệm và các bộ phận phục vụ như nhà bếp, nhà xe... phải làm việc tất bật từ sáng đến đêm. “Đi thi về, thầy cô phải động viên các em thi xong môn nào là bỏ qua môn đó, không bi quan nếu lỡ làm bài không được. Ngay cả phụ huynh xin lên ở nội trú với con trường cũng từ chối vì phụ huynh sẽ làm tăng áp lực lên học trò. Điều cần nhất lúc này là tâm lý thoải mái”, thầy tâm sự.
Thầy Kính, giáo viên quản nhiệm khối 12, kể: “Cực lắm nhưng mà vui. Mấy hôm nay các thầy quản nhiệm đều bị bệnh... khó ngủ. 3g sáng đã lục tục dậy vì nhiều đứa học trò lo quá, không ngủ được nên dậy sớm ôn bài. Khuya thì có lúc trò ngủ rồi thầy vẫn còn thao thức. Trước mỗi buổi thi thì kiểm tra túi của học trò coi có thiếu thứ gì không”. Hết giờ nghỉ trưa, các thầy cô quản nhiệm lại tất bật đi các phòng ngủ đánh thức học trò chuẩn bị để đi thi. Một số em nữ sợ say xe, không đi được ôtô thì được quản nhiệm chở bằng xe máy đến từng hội đồng thi rồi lại chờ thi xong để đón về.
Trước cổng nhiều hội đồng thi, những chiếc xe có giăng băngrôn tên các trường tư thục luôn có mặt sớm nhất và nằm yên vị chờ đến lúc học trò thi xong. Tại cơ sở 3 Trường tư thục Nguyễn Khuyến, khi chuyến xe đưa học sinh từ hội đồng thi về trường nghỉ trưa vừa trờ tới cổng, các thầy cô giáo bộ môn đứng chờ đón và động viên học sinh ngay cổng trường. Nhiều em vừa xuống xe đã vui mừng ôm chầm các giáo viên để khoe “đề dễ lắm cô ơi, con làm còn dư thời gian”. ]
Những hình ảnh ngọt ngào và xúc động đằng sau cánh cổng trường nội trú - khi người thầy không chỉ làm giúp mà còn làm tròn vai trò của người cha, người mẹ - chắc hẳn sẽ là những dấu ấn khó quên của mùa thi sôi động này.
Theo TuoiTre
(HBĐT) - Vừa qua, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục đã có buổi kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi huyện Lạc Thuỷ
(HBĐT) - Sáng ngày 29/5, đoàn công tác của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2012 do đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra một số trường THPT của huyện Lương Sơn và huyện Kim Bôi về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
(HBĐT) - Đến thời điểm này, huyện Đà Bắc vẫn là địa phương khó khăn nhất của tỉnh trong phát triển KT-XH bởi những lý do đặc thù như có nhiều xã vùng cao, lòng hồ, ĐBKK. Trong bối cảnh chung đó, sự nghiệp GD&ĐT của huyện nói chung và ngành học mầm non nói riêng đã bộc lộ rõ những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong nỗ lực vượt khó của huyện nhà, ngành học mầm non đã dần chứng tỏ được bước tiến đáng kể.
(HBĐT) - Nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh qua 2 vòng thay bằng chỉ có 1 vòng thi như trước đây, điểm thưởng ưu tiên không được cộng vào điểm thi mà chỉ có giá trị xét trúng tuyển khi có nhiều học sinh điểm thi bằng nhau, các thí sinh thi vào chuyên tiếng Anh phải thi thêm phần thi nói….Đây là một số điểm mới cơ bản trong việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ năm học 2012 – 2013 mà các em học sinh và phụ huynh cần biết.
(HBĐT) - Ngày 29/5,trường MN Tân Mỹ (Lạc Sơn) đã tổ chức đón bằng công nhận trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
(HBĐT) - Tính đến năm học 2011-2012, huyện Kim Bôi có 9 trường ở các cấp học, bậc học đạt chuẩn quốc gia. Trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia đã làm thay đổi rõ rệt cho hoạt động giáo dục của huyện.