(HBĐT) - Nhằm tăng cường quản lý, hạn chế những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm thay thế QĐ 03 năm 2007. Mục đích nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc dạy thêm, học thêm chính đáng, ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không lành mạnh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan trên địa bàn TPHB vẫn diễn ra, nhất là tại các trường ở khu vực trung tâm.
Sáng học, chiều học, tối cũng học
21h ngày 22/11, cổng trường tiếu học Trần Quốc Toản nhộn nhịp hẳn lên bởi học sinh tan từ lớp học thêm và phụ huynh đến đón con. Hỏi chuyện một phụ huynh đến đón con được biết, cháu đi học 2 buổi ở trường về rồi vội vàng tắm, ăn cơm và lại chuẩn bị sách, vở để đi học thêm môn toán. Không chỉ học thêm môn toán, cháu còn học thêm một số môn khác vào các buổi tối và ngày nghỉ. Chẳng mấy khi cháu có thời gian rảnh rỗi. Cũng thương con lắm nhưng không đi học thêm thì không yên tâm. Cùng chung tâm sự với phụ huynh trên, chị Nguyễn Thị H. ở phường Chăm Mát có con mới học lớp 2 ở trường tiểu học Võ Thị Sáu nhưng đã đi học thêm đủ kiểu từ học tiếng Anh đến luyện chữ... Thằng bé gầy nhỏ sau khi kết thúc học buổi sáng, buổi chiều (trưa ăn bán trú) ở trường, buổi tối lại phải khoác chiếc cặp to tham gia đầy đủ các buổi tối học thêm. Thời gian vui chơi, giải trí và ở nhà với bố, mẹ không nhiều. Đem những câu chuyện đó đến phòng GD&ĐT TP Hòa Bình, chúng tôi còn được Phó phòng Kim Thị Hồng cung cấp thêm một số trường hợp dạy thêm không phép khác. Đơn cử như mới đây có trường hợp GV dạy thêm đã bị phụ huynh đến tận phòng phản ánh. Sau khi xác minh đúng thực tế, phòng đã xem xét, xử lý theo quy định là trừ thi đua, không xét nâng lương cho GV đó.
Nhiều GV vi phạm Điều 4, Thông tư 17
Điều 4, Thông tư 17 đã quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm gồm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học (trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống). Đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; không dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Ngoài ra, trong Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT cũng có những quy định mới, cụ thể về người dạy thêm, học thêm; nội dung, điều kiện, thủ tục cấp phép dạy thêm; trách nhiệm của các đối tượng tham gia dạy thêm, học thêm, của cơ quan quản lý giáo dục...
Phó phòng GD&ĐT thành phố Kim Thị Hồng cho biết: Mặc dù phòng đã phổ biến Thông tư 17 đến các CB, GV trong ngành nhưng vẫn xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Bên cạnh một số trường hợp vi phạm thông tư một cách rõ ràng vẫn có những trường hợp lách quy định để cố tình dạy thêm, học thêm. Đơn cử như quy định học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin đi học thêm trực tiếp ký vào đơn và ghi cam kết với nhà trường. Có những trường hợp phụ huynh trong thâm tâm không muốn cho con đi học thêm nhưng vẫn phải miễn cưỡng ký vào đơn gửi nhà trường. Nguyên nhân của tình trạng trên là do lo lắng của phụ huynh đã gây áp lực lên việc học hành của con cái; một số GV có tư tưởng vụ lợi trong việc dạy thêm, học thêm; việc quản lý dạy thêm, học thêm của một số trường chưa nghiêm Đến thời điểm này, phòng chưa nhận được một đơn xin dạy thêm nào của GV bậc tiểu học nhưng việc dạy thêm trên thực tế vẫn diễn ra. Điều này đã gây bức xúc cho một bộ phận phụ huynh học sinh.
Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Để giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, theo Phó phòng GD&ĐT TPHB Kim Thị Hồng cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của ngành cho phụ huynh học sinh. Về phía phòng GD&ĐT, thực hiện quy định trách nhiệm của các hiệu trưởng đối với GV. Nếu GV nào có đủ điều kiện dạy thêm phải đăng ký với hiệu trưởng và hiệu trưởng sẽ có trách nhiệm kiểm tra trước khi đưa lên phòng. Theo đó, GV ngoài việc đảm bảo đủ điều kiện CSVC và các quy định khác còn phải đạt từ GV dạy giỏi cấp thành phố trở lên mới được dạy thêm. Cùng với việc hướng dẫn thực hiện các quy định, phòng đã xây dựng nội dung thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên một cách cụ thể và tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Quan điểm chỉ đạo của phòng là kiên quyết xử lý những CB, GV vi phạm quy định. Hiện nay, một số trường đã tổ chức cho GV ký cam kết không dạy thêm, không vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Từ ngày 22 – 28/11, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức lớp tập huấn kiến thức quản lý đầu tư cho đối tượng là chủ đầu tư, cán bộ Ban Quản lý Chương trình 135 của 9 xã thuộc 5 huyện: Lạc Sơn, Mai Châu, Lạc Thủy, Yên Thủy và Lương Sơn. Có 32 học viên tham gia lớp tập huấn.
(HBĐT) - Sáng 28/11, Hội LHPN tỉnh phối hợp với trường Phụ nữ Trung ương tổ chức bế giảng lớp sơ cấp nghiệp vụ công tác phụ nữ khóa IV.
(HBĐT) - Ngày 28/11, TP Hòa Bình đã tổ chức hội nghị phổ biến chính sách và tập huấn nghiệp vụ ngành LĐ-TB&XH cho 266 trưởng xóm, tổ trưởng dân phố, cán bộ LĐ-TB&XH các xã, phường.
(HBĐT) - Năm học 2012 – 2013, trường THPT huyện Lạc Sơn có 77 cán bộ giáo viên, với trên 1 nghìn học sinh. Chi bộ nhà trường có 27 đảng viên, từ năm 2000 đến nay liên tục đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu của huyện.
(HBĐT) - Vừa qua, Công đoàn NHCSXH Việt Nam đã phối hợp với Công đoàn cơ sở NHCSXH tỉnh Hoà Bình ủng hộ và xây dựng 1 chi trường mẫu giáo tại xóm Ngay, xã Mỹ Hoà, huyện Tân Lạc gồm 1 phòng học 3 gian, sân chơi và các công trình phụ trợ khác.
(HBĐT) - Ngày 27/11, đoàn công tác gồm Ban chỉ đạo PCGD tỉnh, Ban thư ký xây dựng xã hội học tập và PCGD tỉnh đã tiến hành kiểm tra công nhận PCGD năm 2012 tại huyện Yên Thuỷ. Đoàn đã phân chia nhóm làm việc với BCĐ huyện và 2 xã Lạc Thịnh, Hữu Lợi; gặp gỡ, thu thập thông tin của 6-8 hộ trên địa bàn.