Chất lượng đào thạc sĩ đang đi xuống, tình trạng nới lỏng đầu vào, dễ dãi trong giảng dạy và đầu ra trở nên phổ biến. Bộ GD - ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế đào tạo thạc sĩ, thay thế cho quy định năm 2011, với nhiều quy định mới. PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga xung quanh việc làm thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo bậc thạc sĩ.
Có 2 hướng đào tạo: Nghiên cứu và ứng dụng
Dự thảo quy chế đào tạo thạc sĩ mới đã có quy định ngoài hướng nghiên cứu như đang thực hiện còn có hướng ứng dụng. Xin ông cho biết giá trị của loại hình đào tạo này như thế nào? Người học có được sử dụng bằng cấp như bằng thạc sĩ nghiên cứu hay không?
Đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng không phải là mô hình mới. Tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chỉ quy định một loại hình thạc sĩ chung chung, không ra nghiên cứu cũng không ra ứng dụng khiến cho chất lượng đào tạo thạc sĩ không đảm bảo. Luật Giáo dục ĐH bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1.2013 đã quy định tách bạch chương trình đào tạo nghiên cứu và ứng dụng. Vì vậy, quy định của Bộ phải điều chỉnh cho phù hợp.
|
Bằng cấp của cả 2 hướng đào tạo đều không phân biệt về trình độ. Người học theo chương trình nào cũng đều có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, nếu theo học nghiên cứu thì có thể làm tiến sĩ ngay. Người theo học hướng ứng dụng chỉ để đi làm. Nếu muốn học lên trình độ tiến sĩ phải bổ sung thêm kiến thức theo yêu cầu của từng trường.
Thưa ông, nhưng hiện nay mẫu văn bằng thạc sĩ chỉ có một loại. Vậy làm sao để phân biệt được 2 loại hình đào tạo này?
|
Khi quy chế mới được ban hành thì quy định về văn bằng cũng phải sửa đổi. Bằng thạc sĩ sẽ được chia theo 2 hướng. Loại thứ nhất là nghiên cứu, loại thứ hai gọi theo nghề nghiệp như: bằng thạc sĩ kỹ thuật hoặc quản trị kinh doanh… ghi rõ trên văn bằng. Người học sẽ được cấp kèm bảng điểm, thể hiện chương trình đào tạo để phân biệt người học tốt nghiệp loại hình nào.
Như vậy, Quy chế đào tạo tiến sĩ cũng sẽ phải điều chỉnh về điều kiện văn bằng để được làm tiến sĩ?
Đúng vậy. Quy chế đào tạo tiến sĩ cũng sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với luật Giáo dục ĐH. Xu hướng các nước trên thế giới theo thạc sĩ ứng dụng rất đông, hướng nghiên cứu thường ít hơn. Những người theo hướng nghiên cứu sẽ lên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và được đầu tư bài bản để đảm bảo chất lượng. Không như ở Việt Nam hiện nay, mục tiêu đào tạo không rõ ràng nên chúng ta không tập trung đầu tư và khó đảm bảo chất lượng.
Kiểm định và xếp hạng các trường
|
Như vậy các trường sẽ phải xây dựng lại chương trình cho phù hợp? Làm thế nào để kiểm soát được chương trình của các trường đảm bảo đúng quy chế, thưa ông?
Bộ không quy định chương trình khung nữa mà sẽ do các trường tự xây dựng và sẽ được kiểm soát khi đăng ký mở ngành đào tạo. Bộ sẽ xem xét các chương trình trường đăng ký khi mở ngành có đảm bảo đúng các hướng đào tạo hay không. Ngoài ra, các trường đều phải tham gia kiểm định chất lượng và chịu sự giám sát của xã hội. Sắp tới, Bộ sẽ cho phép thành lập các trung tâm kiểm định độc lập để kiểm định và xếp hạng chương trình đào tạo của các trường. Như vậy người học sẽ biết chương trình nào đảm bảo chất lượng để đăng ký theo học.
Thưa ông, dự thảo lần này lại cho miễn thi đầu vào ngoại ngữ với một số đối tượng. Điều này, liệu có nảy sinh tiêu cực vì bằng cấp có thể mua bán được? Tại sao lại không thắt chặt đầu ra như quy định hiện hành?
Quy chế lần này là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ và đã xiết chặt ngay từ đầu vào bằng việc quy định học viên phải dự thi môn ngoại ngữ. Đối với môn ngoại ngữ thí sinh phải đạt yêu cầu trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 của khung châu Âu chung; đối với học viên đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ, trình độ năng lực ngoại ngữ thứ hai của học viên cũng phải đạt yêu cầu theo quy định này. Quy chế chỉ cho phép miễn thi đối với một số trường hợp mà bằng cấp của họ đã đạt yêu cầu như: bằng tốt nghiệp trình độ ĐH được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; bằng tốt nghiệp ĐH chính quy ngành ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo; Chứng chỉ trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ… Trước đây, quy chế không yêu cầu phải thi đầu vào ngoại ngữ mà chỉ cần đạt trình độ khi tốt nghiệp nhưng quy định này không đảm bảo chất lượng đào tạo. Quy chế lần này có thể dẫn đến việc tuyển sinh khó khăn hơn nhưng Bộ vẫn quyết tâm nâng cao chất lượng của trình độ đào tạo này.
Theo dự thảo, Bộ cho phép đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng ở ngoài nhà trường khi cần thiết. Điều này liệu có đảm bảo được chất lượng không, thưa ông?
Quy chế khẳng định việc đào tạo thạc sĩ phải được thực hiện ở cơ sở đào tạo, không được phép ngoài nhà trường. Tuy nhiên quy chế cũng để mở để có thể cho phép được đào tạo đối với các trường hợp cần thiết. Ví dụ, tại các vùng khó khăn đang thiếu nguồn nhân lực như Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ. Hoặc đối với những đối tượng đang làm nhiệm vụ đặc biệt không thể đến cơ sở đào tạo để theo học được. Tuy vậy sẽ rất hạn chế việc đào tạo này.
Theo Báo Thanhnien
(HBĐT) - Sáng 10/12, Ban Chỉ đạo Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh đã tiến hành giao ban nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện giai đoạn 2008-2012. Các thành viên BCĐ tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, đại diện phòng GD&ĐT 11 huyện, thành phố đã tham dự hội nghị.
(HBĐT) - Trường TH Đông Bắc (Kim Bôi) được thành lập năm 1998 trên cơ sở tách từ trường cấp I + II xã Đông Bắc. Khi mới tách, trường có 15 lớp với 357 học sinh nhưng chỉ có 6 phòng học cấp 4, 4 phòng học tạm và một số lớp học nhờ. Đến nay, trường có 13 lớp , 353 học sinh với 13 phòng học và 8 phòng chức năng được trang bị khang trang, sạch đẹp. 100% cán bộ giáo viên nhà trường đạt chuẩn trở lên.
(HBĐT) - Hiện nay, 13/13 TTHTCĐ huyện Yên Thuỷ đều đã thành lập các tổ chuyên môn, nghiệp vụ và đẩy mạnh được các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng như tăng cường đầu tư cơ sở, trang thiết bị (9/13 TT có máy vi tính được kết nối In-tơ-nét), 8 TT có phương tiện nghe nhìn, 7 TT có tủ sách cộng đồng...
(HBĐT) - Trong hai ngày 4 -5/12, Công đoàn Giáo dục huyện Kim Bôi đã tổ chức Đại hội khóa XXI, nhiệm kỳ 2012-2017. Dự đại hội có 155 đoàn viên đại diện cho 2.327 đoàn viên công đoàn từ 87 công đoàn cơ sở.
(HBĐT) - Trong học kỳ I, năm học 2012-2013, trường tiểu học Nhuận Trạch (Lương Sơn) đã được Sở GD&ĐT trao giấy chứng nhận trường tiểu học đạt tiêu chuẩn chất lượng GD cấp độ 2. Nhiều năm qua, trường luôn khẳng định là trường tiên tiến, xuất sắc cấp tỉnh.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Sở GD – ĐT, tính đến nay toàn tỉnh có 229 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 225 trường mầm non công lập, 2 trường mầm non tư thục và 2 cơ sở giáo dục mầm non công lập. Nhờ triển khai có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường lớp, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đến nay quy mô giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã đi vào ổn định, đặc biệt là số trường trường mầm non. Hiện nay, toàn tỉnh còn 912 điểm trường, giảm 125 điểm trường so với năm học 2011 – 2012.