NGƯT Nguyễn Thị Thanh (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm trong hội thi sáng tạo kỹ thuật ngành giáo dục năm 2011 - 2012 với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

NGƯT Nguyễn Thị Thanh (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm trong hội thi sáng tạo kỹ thuật ngành giáo dục năm 2011 - 2012 với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, đó là trong quá khứ họ đã từng là cô - trò và bây giờ lại trở thành đồng nghiệp, cùng đứng trên bục giảng, cùng dưới một mái trường và đều trở thành những người thầy giỏi nhất ở bậc tiểu học của cả huyện Đà Bắc. Điều đó được minh chứng bằng những danh hiệu, thành tích mà họ đã đạt được. Trong đó, đáng kể nhất là bằng công nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT trao tặng. Những người mà chúng tôi muốn nói đến đó là nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Thanh, Hiệu phó và cô giáo Nguyễn Thị Lợi, giáo viên trường tiểu học Kim Đồng (thị trấn Đà Bắc).

 

Trường tiểu học Kim Đồng (thị trấn Đà Bắc) được nhiều người biết đến không hẳn là do nó là một trong số 3 trường tiểu học của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, được nhiều người biết đến là vì ở đây có một môi trường giáo dục tốt, có những cô giáo yêu trường, quý trẻ. Đặc biệt, ở ngôi trường đó hiện có đến 2 cô giáo được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia ở bậc tiểu học - một điều mà từ trước cho đến bây giờ, chưa có ngôi trường nào của tỉnh đạt được. Trò chuyện với chúng tôi, cả NGƯT Nguyễn Thị Thanh và cô giáo Nguyễn Thị Lợi đều không nói nhiều về những thành tích của bản thân mà câu chuyện chỉ xoay quanh sự khốn khó của cuộc sống nơi miền núi nghèo, heo hút của cả cô lẫn trò. Những khốn khó ấy đã trở thành gánh nặng, gian truân trên con đường đến trường của lũ trẻ nghèo vùng cao, nơi mà cả 2 đều bắt đầu sự nghiệp, bắt đầu tình yêu với phấn, bảng, trường với lớp. Dẫu cho những thứ đó thật mộc mạc và giản đơn. Với NGƯT Nguyễn Thị Thanh, ký ức khốn khó của nơi “bắt đầu” ấy giờ cũng đã lùi vào quá vãng đã hơn 30 năm.

 

32 năm trước, sau lễ tốt nghiệp giản dị ở trường trung cấp Sư phạm Hòa Bình, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thanh được phân về công tác tại trường phổ thông xã Đồng Ruộng. Vốn sinh ra và lớn lên ở Đà Bắc nhưng cô giáo trẻ cũng không ngờ nơi mình đến lại còn khó khăn đến vậy. Ngoài khó khăn về chuyện đi lại còn khó cả trong cuộc sống, khó cả trong nhận thức, suy nghĩ của người dân. Ở vùng rừng núi chẳng biết đâu là điểm đầu và đâu là nơi kết thúc ấy, nhiều khi cô giáo Thanh phải nén tiếng thở dài, nén những giọt nước mắt buồn tủi tìm đến một nơi hoang quạnh cố nói cười thật to và “tự kể cho mình những câu chuyện vui, buồn chỉ để được nghe tiếng... phổ thông”. Bởi thực tế khi ấy, đường sá khó khăn, xã Đồng Ruộng gần như biệt lập không có sự giao lưu với bên ngoài. Người dân trong xã chủ yếu là người Mường và người Tày, nên tính ra, cả xã có đến hơn 90% số người không biết nói tiếng phổ thông. “Người ta chỉ giao tiếp với thứ ngôn ngữ của dân tộc, đến cả trẻ em cũng thế nên khi dạy học cho các em cũng là vấn đề cực kỳ nan giải. Ngay ở bài học đầu tiên trong buổi dạy học đầu tiên ở đây, tôi đã thất bại dù đó là bài học mô tả tiếng gà gáy, nó cũng chỉ đơn giản là tiếng gáy ò ó o. Nhưng khi yêu cầu các em diễn tả lại tiếng gà gáy, hầu như chúng đều diễn đạt bằng tiếng dân tộc với âm thanh rất ngô nghê “lục cù tục” (tiếng Tày) làm cho mình vừa buồn cười, vừa nản”. NGƯT Nguyễn Thị Thanh nhớ lại. Tuy nhiên, với nhiệt huyết và sự sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã khơi gợi hứng thú, dần tiếp cận với lũ trẻ ấy bằng một lối dạy khác. Lối dạy bằng hình ảnh. Đồng thời, sau mỗi giờ lên lớp, cô giáo Thanh còn cất công đi bộ 5 km đường rừng từ chi trường ở xóm Cửa Trông về trung tâm xã, tìm những người biết tiếng phổ thông để học tiếng dân tộc. “Trong hoàn cảnh này, mình phải học tiếng của các em mới có thể dạy cho các em thứ ngôn ngữ của mình”. Cứ như vậy những kiến thức đã được cô giáo Thanh truyền thụ song song bằng 2 thứ ngôn ngữ. “Tưởng là khó nhưng với cách truyền đạt này, các em đã tiếp thu bài học rất nhanh. Từ con số 0, chỉ sau một học kỳ, hầu như các em có thể nghe, nói rành rọt và hiểu được tiếng phổ thông, hiểu được những điều mà mình truyền dạy”. NGƯT Nguyễn Thị Thanh chia sẻ. Với cách làm đó, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã trở thành điển hình tiên tiến của ngành giáo dục Đà Bắc khi ấy. Cho đến năm 1984, lần đầu tiên, tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã đạt giải nhất. Kể từ đó cho đến năm 2010, trong tất cả các cuộc thi giáo viên dạy giỏi của huyện Đà Bắc, cô giáo Thanh tham gia đều đứng đầu và liên tục được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 1990 – 1991, trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Hà Sơn Bình với hàng trăm giáo viên ở 18 huyện, thị tham gia, cô giáo Thanh đã đạt giải nhì (không có giải nhất) với số điểm cao nhất. Đặc biệt hơn, năm 2007, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã được Bộ GD&ĐT công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia và đến năm 2010 được phong tặng NGƯT. Tiếp bước người thầy, cô học trò năm xưa cũng đã cố gắng, nỗ lực trong công tác trong nhiều năm liền được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhưng đáng kể nhất đó là năm 2012, cô giáo Nguyễn Thị Lợi cũng đã được Bộ GD&ĐT công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Trò chuyện với chúng tôi, NGƯT Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: trong 32 năm công tác, trước khi về trường tiểu học Kim Đồng dù đã chuyển nhiều nơi nhưng ở đâu mình cũng cố gắng hết sức. Điều mình tự hào nhất là đã dạy dỗ cho các em có nền tảng kiến thức ban đầu vững chắc để bước tiếp những bước đi vững vàng hơn. Hãy tưởng tượng đó là những cây non, nếu mình chăm sóc, uốn nắn tốt, chúng sẽ luôn mạnh khỏe, phát triển tốt trong một nền giáo dục tốt và trong tương lai chúng sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

 

Những hạt giống đó đã được cô Thanh, cô Lợi gieo vào tâm hồn con trẻ. Với phương pháp, cách làm của mình, năm học 2007 - 2008, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã dạy cho cô học sinh lớp 1 Bàn Anh Thư những mẩu chuyện hay về Bác Hồ để rồi không phụ công cô, Bàn Anh Thư đã đạt giải nhất trong cuộc thi kể chuyện về Bác khu vực phía Bắc với thí sinh của 32 tỉnh, thành tham gia và sau đó là giải ba toàn quốc với cuộc thi chúng em kể chuyện Bác Hồ. Không chỉ có vậy, số học sinh do cô làm chủ nhiệm có học lực khá, giỏi thường chiếm đến 98 - 99%, trong đó có nhiều em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia. Cô giáo Nguyễn Thị Lợi cũng đã đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học; tích cực tự học, nghiên cứu, tìm ra các giải pháp phù hợp từ đó có phương pháp, biện pháp đúng với từng đối tượng học sinh. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh...

Nói về cô giáo Nguyễn Thị Thanh và cô giáo Nguyễn Thị Lợi, cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng khẳng định: Đây là những nhân tố tích cực góp phần trong việc thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt - học tốt ở nhà trường trong những năm qua. Theo đó, tính đến nay, nhà trường có đến 90% giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong năm học 2012 -  2013, nhà trường có 19/32 giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 9/32 giáo viên đạt dạy giỏi cấp tỉnh. Nhờ đó, chất lượng công tác giáo dục cũng đã không ngừng được nâng lên. Trong năm học 2011 - 2012, toàn trường có 209/382 học sinh giỏi cấp trường, 19 em học sinh giỏi cấp huyện và 11 em học sinh giỏi cấp tỉnh.

                                                                             

 

                                                Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các Kỳ thi năm 2024 nghiêm túc, an toàn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục