Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ vị thành niên tại một trung tâm y tế ở Barrhead, phía Nam Glasgow, Anh ngày 9/8/2021.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet công bố ngày 24/6 cho biết vaccine phòng COVID-19 đã ngăn ngừa được gần 20 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong năm đầu tiên sau khi vaccine này được giới thiệu và tiêm chủng trên toàn cầu.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập trong thời gian từ ngày 8/12/2020-8/12/2021 tại185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính về số ca tử vong đã ngăn chặn được trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ vaccine COVID-19. Nghiên cứu cho thấy khoảng 19,8 triệu người có thể đã mất mạng nếu như không có vaccine.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Oliver Watson thuộc trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh), cho biết hàng triệu người đã được cứu mạng nhờ việc phân bổ vaccine trên toàn thế giới.
Nghiên cứu đã sử dụng các số liệu chính thức -hoặc ước tính khi không có số liệu chính thức- về số ca tử vong do COVID-19 cũng như tổng số ca tử vong tăng thêm ở mỗi nước. Số ca tử vong tăng thêm là sự chênh lệch giữa tổng số ca tử vong vì mọi nguyên nhân trong năm nghiên cứu so với số ca tử vong dựa trên các dữ liệu trước đó. Nghiên cứu không bao gồm Trung Quốc do nước này có quy mô dân số lớn và các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt có thể làm sai lệch kết quả.
Nghiên cứu chỉ ra rằng số ca tử vong được ngăn chặn nhiều nhất là tại các nước có thu nhập trung bình và cao, chiếm 12,2 triệu trong số 19,8 triệu ca nói trên. Con số này phản ánh sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine trên thế giới. Đồng thời, nghiên cứu cũng kết luận rằng thêm gần 600.000 người lẽ ra đã có thể được cứu sống nếu như mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiêm chủng cho 40% dân số ở mỗi nước vào cuối năm 2021 thành hiện thực.
Theo WHO, đại dịch COVID-19 đã chính thức cướp đi sinh mạng hơn 6,3 triệu người trên toàn cầu, nhưng con số thực tế có thể lên tới 15 triệu nếu tính đến tất cả các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Virus gây dịch bệnh này đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở một vài nơi trên thế giới, trong đó có châu Âu.