(HBĐT) - Vào mùa hè thu, khoảng từ tháng 6 - 9 là mùa ong sinh sản, làm tổ. Đây cũng là thời điểm nhiều người bị ong đốt phải nhập viện điều trị.
Bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân bị ong đốt.
Chỉ tính riêng trong hơn 1 tuần đầu tháng 8/2022, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ong đốt, gây sốc phản vệ. Trong ngày 8/8, khoa điều trị cùng lúc 2 bệnh nhân bị ong đất và ong vò vẽ đốt. Trong đó, bệnh nhân Bùi Thị Yêm ở xã Tuân Lộ (Tân Lạc) bị ong vò vẽ đốt khoảng 15 nốt khắp đầu, tay, chân khi đi phát cỏ vườn cây. Bà Yêm cho biết: Tôi phát dây leo động vào tổ ong cách đất khoảng hơn 20 cm. Ong đốt khắp người, tôi bị đau và choáng váng, được người nhà đưa đến trạm y tế xã sơ cứu, chuyển lên tuyến trên điều trị cho yên tâm.
Do bị ong đốt ở những vị trí nguy hiểm nên bà Yêm phải điều trị tích cực. Trước tiên, các bác sỹ thực hiện truyền dịch để đào thải chất độc ra khỏi cơ thể phòng suy thận cấp; dùng thuốc phòng uốn ván; làm xét nghiệm hàng ngày để đánh giá chức năng thận, tạng, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Ở gường bên cạnh, bệnh nhân Nguyễn Đức Yên ở phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) bị loại ong đất đốt khoảng 10 nốt vào các vị trí như đầu, tay, chân khi đi thăm đồng. Sau khoảng 1 giờ bị ong đốt, bệnh nhân thấy đau vết đốt, hoa mắt, choáng váng và phải nhập viện điều trị. Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân ngoài 70 tuổi ở xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) bị ong vò vẽ đốt 30 nốt khi đi nhặt củi trong vườn. Bệnh nhân bị suy thận và phải tiến hành lọc máu, điều trị tại bệnh viện hơn 1 tuần.
Từ đầu mùa hè đến nay, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp nhận hơn 20 trường hợp bị ong đốt phải nhập viện điều trị tích cực với các loại ong khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu do vô tình dẫm, đạp hoặc va vào tổ của các loại ong. Tùy theo loại ong, số nốt đốt, vị trí đốt và cơ địa của từng người mà bệnh nhân có tình trạng khác nhau như: Đau nhiều tại các nốt đốt, nổi mẩn ngứa toàn thân, tức ngực, khó thở, đau bụng, huyết áp tụt, hoa mắt, choáng váng... Bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa nhưng cũng có người phải áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu để lọc máu, chống sốc phản vệ.
Thực tế cho thấy, không ít người dân còn chủ quan khi bị ong đốt, đến bệnh viện muộn khi đã xuất hiện các triệu chứng nặng, tổn thương thận cấp, vô niệu (không đi tiểu được), dẫn đến quá trình điều trị rất khó khăn, tốn kém và để lại hậu quả lâu dài, tổn thương thận không thể hồi phục, phải chạy thận nhân tạo. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã từng tiếp nhận trường hợp vào viện rất muộn, phải lọc máu, thở máy và tử vong vì bị suy đa tạng không hồi phục.
Bên cạnh đó, nhiều người còn truyền tai hoặc tự đắp các loại lá, bôi các loại dung dịch vào vết đốt, điều này theo bác sỹ là xử trí không đúng cách, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Khi bị ong đốt, việc xử trí ban đầu rất quan trọng. Bác sỹ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Bị ong đốt có thể dẫn đến tình trạng dị ứng, sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng, nhất là đối với những người có cơ địa dị ứng với các dị nguyên khác. Ong đốt cũng có thể gây nhiễm độc, nọc độc của ong gây tổn thương các tạng, thường gặp nhất là suy thận cấp. Nguy cơ nữa là qua vết ong đốt có thể bị nhiễm trùng, nguy hiểm nhất là vi khuẩn uốn ván.
Với những mối nguy trên, bác sỹ Hoàng Công Tình khuyến cáo: Mọi người cố gắng tránh bị ong đốt. Nếu không may bị đốt, cần xử trí đúng cách, rửa vết đốt bằng xà phòng với nước sạch hoặc bôi dung dịch sát trùng; sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng.
Cẩm Lệ
Liên quan đến vụ ngộ độc rượu khiến 2 người tử vong và 6 người nguy kịch, tối 9/8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm tại nhà hàng MrBao (thành phố Thủ Đức) - nơi xảy ra vụ ngộ độc rượu.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh xác nhận vừa tiếp nhận thêm 5 trường hợp ngộ độc Methanol.
Ngày 6/8, Việt Nam có thêm 1.609 ca mắc mới COVID-19; giảm mạnh so với ngày trước đó; trong ngày có 6.878 ca khỏi bệnh.
Ngày 5/8, Việt Nam có thêm 2.074 ca mắc mới COVID-19; đã 4 ngày liên tiếp số ca mắc mới vượt mốc 2.000 ca.
(HBĐT) - Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ (ĐMK), mức cảnh báo cao nhất. Tính đến thời điểm này, trên thế giới đã ghi nhận trên 18 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Trong đó, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore... đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập. Tại nước ta, tính đến thời điểm này chưa ghi nhận ca mắc ĐMK. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo chủ động kiểm soát, phòng chống dịch ĐMK với tinh thần và giải pháp "sớm hơn một bước, cao hơn một mức", không để dịch chồng dịch.