Theo thống kê của Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) liên quan đến vi sinh vật làm 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong. Trong đó có nhiều vụ NĐTP đông người mắc, như ở tỉnh Khánh Hòa do ăn cơm gà nhiễm vi sinh vật làm 369 người mắc và đi viện. Tại Vĩnh Phúc, vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể của một công ty khiến 438 người mắc và đi viện… Đặc biệt, gần đây nhất, vụ ngộ độc xảy ra tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai với trên 450 người mắc phải nhập viện và điều trị tiếp tục gây lo ngại trong nhân dân.
Đoàn công tác liên ngành Trung ương kiểm tra thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Pacific (TP Hòa Bình).
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 17.814 cơ sở thực phẩm, trong đó, 2.322 cơ sở do ngành Y tế quản lý; 10.292 cơ sở do ngành Nông nghiệp quản lý và 5.200 cơ sở do ngành Công Thương quản lý. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ NĐTP. Đó là trường hợp 4 học sinh Trường TH&THCS Bao La (Mai Châu) phải nhập viện cấp cứu nghi do bị ngộ độc đồ uống. Các em có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, được gia đình chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo dõi và điều trị ổn định. Từ năm 2019 - 2023, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ NĐTP, làm 114 người mắc và 2 người tử vong, tổng số ca mắc lẻ 502 người.
Trước thực tế NĐTP, ngày 3/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg về ngăn ngừa, xử lý NĐTP. Văn phòng UBND tỉnh ban hành Văn bản số 3725/VPUBND-NVK thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh về việc thực hiện Công điện số 44 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ NĐTP và phòng ngừa NĐTP, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, ngộ độc rượu; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định. Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố ATTP theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị NĐTP, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra. Thủ tướng cũng có chỉ đạo cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan. Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất ATTP và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa NĐTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn quản lý...
Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP và phòng, chống NĐTP trong tình hình mới, từ năm 2014 đến nay, hàng năm tỉnh tổ chức "Tháng hành động vì ATTP” từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn tỉnh. Thường xuyên thực hiện giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo cho người tiêu dùng. Hàng năm, các ngành ban hành kế hoạch đảm bảo ATTP theo từng lĩnh vực cụ thể, tập huấn, tuyên truyền về NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. BCĐ ATTP từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn được kiện toàn, ban hành quy chế hoạt động, phân công các thành viên phụ trách, chỉ đạo, giám sát cụ thể từng địa phương. Thực hiện công tác phòng, chống NĐTP, ngành chức năng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện lớn của tỉnh. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh về đảm bảo ATTP đối với bữa ăn đông người trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức giám sát đảm bảo ATTP cho 1.236 bữa ăn đông người. BCĐ ATTP phường, xã tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các hộ gia đình có tổ chức bữa ăn đông người trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác phòng, chống NĐTP của tỉnh còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đa phần nhỏ lẻ, thuộc hộ gia đình, do vậy rất khó khăn trong áp dụng các quy định, điều kiện theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về ATTP của BCĐ ATTP xã, phường, thị trấn còn hạn chế, thiếu chủ động trong công việc, đặc biệt trong công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở chưa triệt để, chủ yếu là nhắc nhở. Khó khăn trong công tác quản lý, khi phát hiện hành vi vi phạm nhưng không có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt mà phải chuyển hồ sơ cho các cơ quan, đơn vị khác xử lý. Kinh phí cấp cho các hoạt động đảm bảo ATTP còn hạn chế.
Từ khó khăn trên, BCĐ ATTP tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi Luật ATTP để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Chính phủ có những biện pháp để bổ sung thẩm quyền cho các đơn vị như: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản... trực tiếp xử lý các vi phạm về ATTP khi phát hiện, nâng cao tính răn đe khi phát hiện hành vi vi phạm. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATTP và phòng, chống NĐTP trong tình hình mới. Tuy vậy, quan trọng nhất là người dân tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm ATTP và biện pháp phòng, chống NĐTP; sử dụng thực phẩm an toàn tại cơ quan, nơi làm việc, nơi sinh sống, đảm bảo cả yêu cầu về dinh dưỡng để bảo sức khỏe bản thân và gia đình.
Hương Lan
Sáng 31/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá tỉnh tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5) tại huyện Lạc Sơn với chủ đề "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”.
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ) có chiều hướng gia tăng, nhất là trong cán bộ, đảng viên. Thống kê của Trạm y tế xã cho thấy, năm 2021, toàn xã có 106 trẻ được sinh ra, trong đó 14 trẻ là con thứ 3; năm 2022 có 97 trẻ được sinh, 17 trẻ là con thứ 3 (5 trường hợp sinh con thứ 3 là cán bộ, đảng viên); năm 2023 có 109 trẻ sinh, 16 trẻ là con thứ 3 (3 trường hợp sinh con thứ 3 là cán bộ, đảng viên); 4 tháng đầu năm 2024, toàn xã có 62 trẻ sinh, 9 trẻ là con thứ 3 (3 trường hợp sinh con thứ 3 là cán bộ, đảng viên).
Sáng 28/5, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam tổ chức hoạt động truyền thông "Ngày vệ sinh kinh nguyệt thế giới năm 2024” với chủ đề "Biến điều khó nói thành điều bình thường”. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại hơn 300 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự chương trình có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
Ngày 28/5, Agribank Chi nhánh tỉnh Hoà Bình phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức ký kết thoả thuận tài trợ an sinh xã hội máy chụp cắt lớp cho bệnh nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tham dự có đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Y tế.
Thời điểm từ tháng 11/2023, đầu năm 2024, tình trạng thiếu vắc xin phòng bại liệt (IPV) và vắc xin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã được phân bổ các loại vắc xin để thực hiện tiêm chủng thường xuyên cho trẻ trong năm 2024 và tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm trong năm 2023.
Sáng 21/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo ATTP tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.