Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đẩy mạnh phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh mùa mưa bão.
Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu sau khi nước rút (do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã gây ra mưa lớn, ngập úng), ngày 1/8/2024. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN
Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 có xu hướng tăng cục bộ
Bộ Y tế cho biết, hiện trên thế giới, tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều loại bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng số mắc bệnh tại nhiều quốc gia, trong đó có bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19…
Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương.
Từ đầu tháng 5 năm 2025 đến nay, dù chưa vào giai đoạn cao điểm mùa mưa, nhưng đã xuất hiện nhiều cơn dông, lốc, sét, mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đây là những điều kiện thuận lợi có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh.
Thời gian tới là giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung cao điểm vào các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương và ban, ngành, đoàn thể các cấp phối hợp ngành y tế triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức đợt chiến dịch cao điểm tháng 6-7 năm 2025 triển khai công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt (đau mắt đỏ, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.... ). Triển khai tới chính quyền cấp xã, tới từng tổ dân phố, huy động sự tham gia của cộng đồng và toàn xã hội trong việc loại bỏ, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, đậy nắp, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước sạch nhằm diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn… để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; hướng dẫn các hộ gia đình, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ nhỏ để phòng bệnh tay chân miệng; tuyên truyền tới từng hộ gia đình việc sử dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết để phòng, chống bệnh COVID-19; và tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường ngay sau các đợt mưa bão, ngập lụt để phòng, chống dịch bệnh. Các nội dung, thông điệp và hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phù hợp với từng địa phương
Tăng cường phối hợp giữa hệ thống y tế dự phòng và điều trị
Các sở y tế đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông đã được phân công tại Kế hoạch số 525/KH-BYT ngày 22/04/2025 của Bộ Y tế về truyền thông phòng, chống dịch bệnh năm 2025, lưu ý truyền thông theo nhóm nguy cơ tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức và bằng nhiều thứ tiếng phù hợp với từng địa phương (tài liệu truyền thông sử dụng tại Kho dữ liệu tài liệu truyền thông của Bộ Y tế: bit.ly/44WjHRD).
Các địa phương chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa hệ thống y tế dự phòng và điều trị trong việc cập nhật số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện để cung cấp kịp thời thông tin các ca bệnh truyền nhiễm, những dấu hiệu bất thường của dịch bệnh, phát hiện sớm sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ sau các đợt mưa bão, ngập lụt.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Đồng thời thực hiện rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Các địa phương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19.
Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; đề nghị các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Các địa phương chỉ đạo Sở Tài chính cấp và bổ sung kinh phí kịp thời để chủ động triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt.
Bên cạnh đó bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt. Bố trí, phân công các đội cơ động chống dịch tại các địa điểm quan trọng, có nguy cơ cao, sẵn sàng tham gia triển khai thực hiện xử lý các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra.
Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Theo Baotintuc.vn
Sau thời gian tích cực thi công, 3 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện tại Lạc Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình đã hoàn thành. Dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các TTYT được đầu tư xây dựng bề thế, khang trang, hiện đại, quy mô từ 5 - 7 tầng, trang bị đầy đủ thiết bị y tế, kỳ vọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe cho người dân từ cơ sở.
Từ cuối năm 2023, dịch bệnh COVID-19 được Bộ Y tế loại ra khỏi nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm), xếp vào nhóm B (dịch bệnh nguy hiểm) theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nên mức độ quản lý và ứng xử với các ca bệnh theo cách nhẹ nhàng hơn.
Là tỉnh miền núi với đặc thù văn hóa cộng đồng chặt chẽ, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang được triển khai sâu rộng, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc ban hành các quy định hành chính, tỉnh đang từng bước xây dựng một phong trào rộng khắp, từ cơ quan, đơn vị đến từng khu dân cư, gia đình.
Mỗi mùa hè đến, nỗi lo về tai nạn đuối nước ở trẻ em lại thường trực. Nguyên nhân chính trẻ em bị đuối nước tử vong là do trẻ không biết bơi, thiếu kỹ năng và kiến thức an toàn trong môi trường nước. Vì vậy, dạy bơi cho trẻ em không chỉ là một hoạt động thể thao, mà còn là giải pháp hiệu quả để phòng tránh tai nạn đuối nước, giúp trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân khi gặp tình huống nguy hiểm. Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh tích cực tổ chức các lớp dạy bơi nhằm trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ; đồng thời mang lại cho các em một mùa hè bổ ích, an toàn, lành mạnh.
Nghiên cứu mới ở Đức cho thấy mạng xã hội đang âm thầm bào mòn sức khỏe tinh thần người trẻ. 1/3 thanh thiếu niên có dấu hiệu nghiện, nhiều người thừa nhận cảm thấy kiệt sức và lo âu.
Được ví như "dâu trăm họ”, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh ngày đêm âm thầm chăm sóc, động viên từng bệnh nhân vượt qua nỗi đau bệnh tật. Họ chính là "ngọn đèn nhỏ” sưởi ấm niềm tin, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong hành trình hồi sinh của người bệnh.