Đúng hẹn, Hoa phóng xe máy tới. Đó là một thanh niên to con, vạm vỡ, da dẻ hồng hào, nói chung nhìn bề ngoài không thấy có một biểu hiện bệnh lý gì. Hoa cười vui vẻ, nói: "Em khỏe lại được thế này là nhờ uống nước nấm rừng đó. Chứ lúc bị bệnh người gầy tóp, da vàng ệch, bụng chướng to đi đứng không vững... Không tin thì mấy anh cứ hỏi dân ở đây ai cũng biết!".

Hiện nay, dư luận bỗng rộ lên tin đồn về một số người ở huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, sử dụng nấm, cây rừng sắc lấy nước uống chữa hết bệnh xơ gan cổ trướng, ung thư gan... Sự thật có đúng như lời đồn đại?...

Tiếng nói của người trong cuộc...

Vượt chặng đường dài từ Đà Nẵng vào TP Tam Kỳ rồi ngược lên núi, gần trưa chúng tôi mới đến được thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước. Miền Trung đang vào cao điểm nắng nóng, ở miền núi này cái nắng rất gay gắt, cứ như hắt lửa vào mặt. Chúng tôi phải dừng lại dò hỏi mất gần cả giờ đồng hồ, rồi theo chỉ dẫn của một số người dân bản địa lại tiếp tục "trèo" đèo Liêu về xã vùng sâu Tiên Hiệp.

Tại ngã ba đường dẫn lên huyện Bắc Trà My, khi biết chúng tôi đi tìm những người sử dụng nấm rừng chữa lành bệnh ung thư, một chị chủ quán "Mì Quảng", nói chắc: "Chuyện đó là có thiệt. Chính mắt tui chứng kiến mấy ổng bị ung thư, xơ gan cổ trướng, cái bụng đã phình to, đi đứng không nổi... thuốc thang khắp các bệnh viện rồi về nhà chờ chết. Rứa mà không biết mấy ổng tìm đâu ra cái thứ nấm thần diệu kia sắc uống chừng vài tuần đã khỏi bệnh...".

Chị chủ quán này cho rằng, những người bị bệnh nan y kia tự vào rừng sâu hái loại nấm ấy về sắc lấy nước uống. Mới đây, em gái của chị phát hiện mắc bệnh ung thư buồng trứng, chị có mua lại một ký nấm của họ về sắc cho uống, bệnh tình cũng đỡ nhiều rồi...

Đang buổi trưa, một số cán bộ xã Tiên Hiệp ra quán "Mì Quảng" và may mắn trong số đó có người lưu số điện thoại di động của Nguyễn Đình Hoa (34 tuổi), trú ở thôn 5, Tiên Hiệp. Ở xã Tiên Hiệp này, Hoa là người đầu tiên tìm được loại nấm rừng chữa lành bệnh ung thư...

Nguyễn Đình Hoa (bên trái) và Lê Hương (bên phải) với những cây nấm mà họ nấu nước uống trị bệnh ung thư gan.

Qua điện thoại, Hoa cho biết đang bận công việc tại thị trấn Tiên Kỳ và bảo chúng tôi muốn gặp phải chờ qua 12h trưa. Đúng hẹn, Hoa phóng xe máy tới. Đó là một thanh niên to con, vạm vỡ, da dẻ hồng hào, nói chung nhìn bề ngoài không thấy có một biểu hiện bệnh lý gì. Hoa cười vui vẻ, nói: "Em khỏe lại được thế này là nhờ uống nước nấm rừng đó. Chứ lúc bị bệnh người gầy tóp, da vàng ệch, bụng chướng to đi đứng không vững... Không tin thì mấy anh cứ hỏi dân ở đây ai cũng biết!".

Sau khi ăn bữa trưa cùng chúng tôi, Hoa mua một chai rượu gạo kèm gói mồi nhậu, rồi nói: "Chừ em dẫn mấy anh tới một số người uống nước nấm rừng chữa hết bệnh xơ gan, ung thư gan để phỏng vấn họ cho thực tế hơn...".

Theo chân Hoa, chúng tôi men theo con đường mòn chạy như rắn bò loanh quanh triền núi tới nhà anh Lê Hương (33 tuổi), ở thôn 1, xã Tiên Hiệp. Thấy Hoa tới, gia đình Hương tay bắt, mặt mừng như đón ân nhân. Nhận chai rượu gạo và gói mồi của Hoa, Hương sai con trai đầu lấy chén rót mời khách. Nhìn Hương vui vẻ cụng ly rượu và uống "ngọt", chúng tôi khó thể tin được người thanh niên này đã từng bị ung thư gan, cận kề với lưỡi hái tử thần... vợ Hương là Nguyễn Thị Sang lắc đầu bảo: "Hồi bị bệnh một giọt rượu ảnh không dám đụng, chừ hết bệnh thì uống quá trời".

Hương kể rằng, vào tháng 3/2008, bỗng dưng Hương thấy cơ thể của mình sụt cân quá nhanh, từ trên 52kg xuống còn dưới 45kg, mắt vàng, da vàng sưng húp, nhịp thở khó nhọc. Tiếp đó là chân bị run, đi đứng phải chống gậy. Gia đình đưa Hương xuống TP Tam Kỳ tìm bác sĩ giỏi siêu âm, xét nghiệm máu... kết quả cho thấy, bị ung thư gan.

"Nghe bác sĩ nói em bị ung thư gan, em rụng rời cả tay chân. Gia đình em nghèo, ở cái chốn núi rừng heo hút này hỏi tìm đâu ra tiền mà mua thuốc chữa trị. Nghĩ đến vợ dại, 3 đứa con thơ, em đâm ra quẫn chí... Bất ngờ nghe tin anh Hoa dùng nấm rừng uống hết bệnh viêm gan B, em liền tìm ảnh năn nỉ mua lại 1 ký mang về sắc uống thử. Sau đó, thấy khỏe lại, em liền xin theo ảnh vào rừng tìm nấm uống...".

Hương lục tủ tìm một số giấy khám bệnh, siêu âm, xét nghiệm máu của các bệnh viện kết luận về bệnh ung thư gan cho chúng tôi xem để chứng minh; rồi nói tiếp: "Được anh Hoa cho cùng đi hái nấm chữa bệnh, em cơm đùm, gạo gói vào rừng. Một chuyến đi chừng 3-4 ngày, tìm được cây nấm nào tui lấy nồi, cho nước suối vào, đun lửa nấu uống tại chỗ luôn. Được chừng 6 tháng thì bệnh tình em dứt hẳn. Chừ thì em lao động bình thường rồi...".

Những cây nấm rừng đã được Lê Hương phơi khô để dành nấu nước uống trị bệnh nan y.

Vợ của Hương cũng sốt sắng lấy số nấm rừng còn lại mang lên cho chúng tôi xem và bảo: "Thỉnh thoảng em cũng lấy nấm nấu nước cho cả nhà cùng uống. Đi làm ngoài ruộng, nương mệt mỏi thế mà uống ca nước nấm này vào thì ngủ ngon giấc lắm, mệt mỏi cũng không còn...".

Cần có sự kiểm chứng của ngành Y tế

Hỏi ra mới hay, Hương có người em ruột là Lê Thanh Danh, hiện đang làm Phó Công an xã Tiên Hiệp. Hương nói tiếp: "Chuyện uống nước nấm chữa hết bệnh của em nó (Danh) ai trong xã này cũng biết. Ở đây, ngoài em còn có anh Nguyễn Đình Phúc, hiện làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiên Hiệp, bị bệnh xơ gan cổ trướng, tưởng chết rồi, vậy mà uống nước nấm rừng nay cũng đã khỏe lại bình thường". Anh Phúc bận đi họp ở TP Tam Kỳ, nhưng qua điện thoại, anh cũng xác định với chúng tôi về chuyện này. Nhiều người dân ở thôn 1, Tiên Hiệp, cũng bảo chúng tôi, việc anh Phúc uống nước nấm rừng chữa lành bệnh xơ gan cổ trướng là có thật...

Về nhà Hoa ở thôn 5, Tiên Hiệp, chúng tôi hỏi mẹ ruột của Hoa là bà Trương Thị Chân (86 tuổi), thì bà nói: "Hồi trước bị bịnh cái bụng nó (Hoa) trướng to, chạy chữa hết tiền, hết bạc không lành, tưởng chết rồi, ai ngờ uống nước nấm mà sống lại khỏe mạnh. Chắc cũng là do trời, Phật thương người nghèo khổ thôi mấy chú ơi...".

Sau khi đưa cho chúng tôi xem các giấy siêu âm, xét nghiệm máu của Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng... cho kết quả bị viêm gan B, Hoa nói: "Em phát hiện bệnh từ đầu năm 2008, liền bán heo, bò, rừng keo... dồn được vài chục triệu đồng ra Huế chạy chữa. Song, hết tiền mà bụng vẫn cứ chướng to, đau thắt khó chịu vô cùng. Nghĩ vậy là đời mình chấm hết. Đang trong tuyệt vọng thì em nghe một số người quen mách tìm nấm của loại cây có lá giống lá phượng vĩ trong rừng đem sắc nước uống sẽ lành bệnh. Đau chân thì há miệng, dù đang bị bệnh đi đứng không vững em vẫn cố đi vào rừng tìm. May mắn em đã tìm được...".

Theo lời Hoa kể, đầu tiên Hoa đi vào rừng Suối Bùn, cách nhà chừng 10 cây số. Tại đây, Hoa đã kiếm được chừng 30kg nấm. Mang về nhà, Hoa đổ hết vào nồi nấu trong 4 ngày thì có được chừng 3 lạng cao. Để kiểm tra đây có phải là loại nấm độc không, Hoa cho chó ăn trước. Chó ăn không bị hề hấn gì, Hoa mới đem ra khuấy nước uống mỗi ngày. Nước nấm uống có vị ngọt, chát chứ không đắng... Uống hết 3 lạng cao nấm kia, bụng Hoa xẹp lại, sức khỏe dần hồi phục. Hoa phấn khởi cơm đùm, gạo gói lên rừng tiếp tục tìm nấm nấu nước uống. Đến đầu tháng 7/2009, Hoa ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khám thì không thấy bị bệnh nữa...

Biết Hoa uống nước nấm rừng hết bệnh, ngoài anh Nguyễn Đình Phúc, Lê Hương còn có nhiều người khác đến hỏi mua nấm và nhờ Hoa tư vấn uống chữa bệnh. Hoa sẵn sàng giúp đỡ. Hoa tâm sự: "Việc em và một số người ở xã Tiên Hiệp này sử dụng nấm rừng chữa bệnh viêm gan B, ung thư gan, xơ gan cổ trướng là sự thật. Em rất mong muốn ngành Y tế sớm cho kiểm tra về loại nấm này có hoạt chất gì mà có thể chữa lành các bệnh nan y để có thể phổ biến, sử dụng chữa bệnh cho những người không may mắn khác...".

Tuy đã gặp trực tiếp và tận mắt nhìn thấy người bệnh nhưng những gì phóng viên viết ra đây cũng chỉ là từ lời của người bệnh. Thực chất chữa bệnh của loại nấm này như thế nào cần có kiểm chứng khoa học của ngành Y tế. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu thực hư về dược tính của loại nấm rừng này

                                                                          Theo Báo CAND

Các tin khác


Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ phương pháp căng da mặt bằng chỉ không an toàn

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, căng da bằng chỉ là phương pháp làm đẹp không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiến hành cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn nguy hiểm đến tính mạng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức.

Thành phố Hòa Bình lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là hành động ý nghĩa, nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, góp phần cứu sống, mang lại hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân cần máu tại các cơ sở y tế. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động HMTN TP Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phong trào HMTN. Qua đó, ngày hội HMTN hàng năm tổ chức tại địa bàn đã tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu do cán bộ, công chức, chiến sỹ, đoàn viên, thanh niên và người dân chia sẻ.

Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục