Người bệnh được ghép gan từ người

Người bệnh được ghép gan từ người "chết não" sau bốn ngày phẫu thuật

Ngành y tế, giới y học và những người quan tâm đến sự phát triển trong việc chữa, điều trị những căn bệnh hiểm nghèo trong cả nước đều vui mừng trước sự thành công của ca ghép gan, được ghép từ người "chết não" đầu tiên ở Việt Nam, tại Bệnh viện Việt Ðức. Sau gần ba năm thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, đây là trường hợp đầu tiên được gia đình người "chết não"

 
Thành công bước đầu


Bệnh viện Việt Ðức là một trong những bệnh viện ngoại khoa đầu ngành của cả nước. Việc thực hiện các phương pháp kỹ thuật ghép tạng đã được bệnh viện tiến hành từ nhiều năm nay. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Ðức, Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng, đã có kế hoạch gửi các bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi đi đào tạo và học tập ở nước ngoài, chuẩn bị những thí nghiệm về kỹ thuật ghép tạng. Những năm tháng đó, cả nước tập trung mọi nguồn lực để phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nên có nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất không đáp ứng được những cuộc thí nghiệm. Vì vậy, những ca ghép tạng chỉ được thực hiện trên nội tạng của động vật. Sau năm 1990, Bệnh viện Việt Ðức đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học, tiếp tục các chương trình đào tạo bác sĩ chuyên sâu ở trong nước và những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.


Chúng tôi có mặt tại phòng mổ Bệnh viện Việt Ðức. Cuộc phẫu thuật ghép gan được lấy từ người "chết não" bắt đầu từ 0 giờ 45 phút ngày 22-5-2010 và kết thúc vào lúc 6 giờ cùng ngày. Kíp phẫu thuật lên đến 50 người, gồm các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành về gan mật, phẫu thuật tiêu hóa, tim mạch, gây mê hồi sức, dược, v.v. Sau 6 giờ, với sự phối hợp chặt chẽ đến từng chi tiết, giữa bên lấy tạng và bên ghép tạng, cùng những thao tác phẫu thuật có độ chính xác cao của các giáo sư, bác sĩ và phẫu thuật viên,... với sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại, ca ghép gan được lấy từ người "chết não" đầu tiên ở Việt Nam bước đầu đã thành công. Lần đầu tiên, kíp phẫu thuật ghép gan hoàn toàn do các giáo sư, bác sĩ, y tá, điều dưỡng,... của bệnh viện đảm nhiệm, không có sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế nước ngoài. Ðây là ca ghép gan thứ hai tại bệnh viện. Tại phòng mổ cùng thời gian với ca ghép gan là hai ca ghép thận (với hai bệnh nhân bị suy thận) cùng một người "chết não" hiến tạng. Trong phòng mổ, có bốn bàn mổ (một bàn lấy tạng, hai bàn ghép thận, một bàn ghép gan), hai ca ghép thận 4 giờ thì hoàn thành, còn ca ghép gan kết thúc sau 6 giờ.


Người hiến tạng là anh N.V.C 20 tuổi (Hà Nội), bị chấn thương sọ não do tai nạn lao động. Ngày 21-5, anh N.V.C được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, bệnh viện đã tận tình cứu chữa, nhưng sau gần một ngày, do vết thương quá nặng, anh N.V.C đã "chết não". Ðược sự động viên, tuyên truyền và giải thích của bệnh viện, cùng sự cảm thông, lòng yêu thương những người bệnh hiểm nghèo, gia đình anh N.V.C quyết định hiến tặng gan và hai quả thận để cứu giúp những người bệnh nặng.


Bệnh nhân được ghép gan lần này là anh P.N.T, 46 tuổi (Ðiện Biên), bị viêm gan B, bắt đầu có triệu chứng chuyển sang ung thư giai đoạn đầu. Chị Ð.T.N, vợ anh T., cho biết, cách đây gần hai tháng, chồng tôi luôn kêu mệt, không muốn ăn, sức khỏe giảm dần. Tôi đưa anh ấy về một bệnh viện tuyến trung ương khám. Bệnh viện kết luận, chồng tôi bị u máu, rồi viết cho một đơn thuốc, hẹn kiểm tra lại. Sau 15 ngày, anh đến kiểm tra lại sức khỏe, thì bị bệnh viêm gan B và được chuyển sang Bệnh viện Việt Ðức. Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, vợ chồng tôi choáng váng vì anh bị ung thư gan giai đoạn đầu, phải mổ trong thời gian sớm nhất. Trong khi gia đình đang hoang mang thì nhận được tin có người hiến tặng gan cho chồng tôi và ca phẫu thuật được Bệnh viện Việt Ðức tài trợ hoàn toàn. Tôi và gia đình mừng vui khôn xiết, chúng tôi vô cùng biết ơn gia đình và người đã hiến tạng gan cho chồng tôi...


Trưởng Khoa gây mê - hồi sức, PGS, TS Nguyễn Quốc Kính cho biết, bệnh nhân P.N.T. sau khi ghép gan, được chăm sóc trong phòng "đặc biệt" vô trùng hoàn toàn. Ðội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có trình độ chuyên môn sâu, chia làm ba ca trực 24/24 giờ. Gan của người hiến tạng là gan khỏe mạnh, mà gan của người nhận lại là gan có vi-rút viêm gan B, nên chúng tôi phải theo dõi chi tiết, tỉ mỉ từ chỉ số huyết áp, lượng máu, phổi, đến vi-rút xâm nhập... Sau bốn ngày ghép gan, anh T. đã tỉnh táo, có thể uống sữa và ngồi dậy được. Các chỉ số sinh hóa dần trở lại mức bình thường, không có hiện tượng thải ghép. Còn hai ca ghép thận sức khỏe tốt, chuẩn bị xuất viện. Tuy vất vả, nhưng nhìn thấy các bệnh nhân sức khỏe đang có chiều hướng tiến triển tốt, chúng tôi rất mừng, bước đầu Bệnh viện Việt Ðức đã ghép tạng thành công.


Hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo


Theo thống kê của Bệnh viện Việt Ðức, mỗi năm, tại bệnh viện có hàng nghìn bệnh nhân bị chết do tai nạn giao thông. Việc hiến tạng phục vụ cho nhu cầu cấy ghép của các bệnh nhân là một nghĩa cử cao đẹp có thể cứu sống rất nhiều người. Bệnh viện đang có những chương trình và kế hoạch trong công tác tuyên truyền, vận động những gia đình có bệnh nhân "chết não" từ 16 đến 48 tuổi hiến tạng để mang đến sự sống cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Giám đốc Bệnh viện Việt Ðức, PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, cho biết, sự thành công ba ca ghép gan, thận, cùng một lúc lần đầu tiên ở Việt Nam từ người cho "chết não" đã mở ra hy vọng lớn cho những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo. Và điều này cũng chứng minh rằng, y học Việt Nam đã có thể thực hiện được những phương pháp khoa học mang tính kỹ thuật cao của y học thế giới về ghép gan, thận và các bộ phận nội tạng khác trong cơ thể người. So với ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam được Bệnh viện Việt Ðức thực hiện từ năm 2007, thì ca ghép gan lần này là một bước tiến vượt bậc. Nhưng điều ngành y tế nói chung và Bệnh viện Việt Ðức nói riêng còn nhiều "trăn trở" là những trường hợp mắc các bệnh hiểm nghèo số đông đều là những gia đình với mức sống trung bình và những người có hoàn cảnh khó khăn, trong khi mỗi ca phẫu thuật ghép tạng có mức lệ phí rất cao. Ðể có tiền chữa những căn bệnh nan y quả là một "bài toán" với nhiều con số khó giải!


Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, đã được Quốc hội thông qua và được thực hiện gần ba năm. Bộ Y tế cũng đã có những văn bản dưới luật, nhưng việc tuyên truyền trong các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân còn nhiều hạn chế, bất cập nên vẫn còn rất ít người hiến tạng. Lợi ích từ việc ghép tạng thay thế đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các bệnh viện hiện nay là không có nguồn tạng, trong khi nhu cầu ghép tạng quá lớn. Chỉ riêng nhu cầu ghép gan, ước tính cả nước có khoảng hàng nghìn người. Tại các nước phát triển, 90% nguồn tạng được cung cấp từ người "chết não", thì Việt Nam chủ yếu vẫn từ người cùng huyết thống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn tạng, trong đó do quan niệm của những hủ tục mê tín dị đoan trong xã hội vẫn còn nhiều.


Nhu cầu được ghép tạng ở Việt Nam hiện nay rất lớn, có tới hàng chục nghìn người đang chờ ghép thận, ghép gan và ghép tim. Bệnh viện Việt Ðức là nơi luôn sẵn sàng đón nhận và mong muốn ngày càng có nhiều người hiểu rõ việc hiến tạng là việc làm có ý nghĩa vô cùng to lớn và nhân văn, mang lại sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy tạng, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.


"... Chuyên gia xác định chết não là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu, phẫu thuật thần kinh, giám định pháp y; bác sĩ trực tiếp tham gia ghép mô, bộ phận cơ thể người và bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người chết não không được tham gia nhóm chuyên gia xác định chết não; Thành viên nhóm chuyên gia xác định chết não phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính khoa học, chính xác trong kết luận chết não của mình. Tiêu chuẩn để xác định chết não: Hôn mê sâu (thang điểm hôn mê Glasgow bằng 3 điểm); Ðồng tử cố định (đường kính đồng tử hai bên giãn trên 4 mm), mất phản xạ với ánh sáng; mất phản xạ ho khi kích thích phế quản; mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở; tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não ít nhất là 12 giờ. Ðể xác định chết não, phải sử dụng một trong các kỹ thuật chuyên môn như: Ghi điện não, chụp cắt lớp vi tính xuyên não, chụp siêu âm Doppler xuyên sọ, chụp X quang động mạch não, đồng vị phóng xạ. Chỉ khi hội đồng kết luận bệnh nhân chết rồi và được phép của gia đình thì mới tiến hành ghép. Và đặc biệt, nguyên tắc người cho không biết thông tin về người nhận và người nhận cũng không biết nguồn từ người cho là ai...".

 

                                                                                        Theo ND

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục