Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TPHCM

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TPHCM

Thông tin giá viện phí sẽ tăng từ 7-10 lần (theo dự thảo về giá viện phí mới do Bộ Y tế xây dựng và tiến hành lấy ý kiến các cơ quan chức năng) khiến dư luận rất quan tâm. Mặc dù theo Bộ Y tế việc tăng giá viện phí tới đây sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dân vì đã có BHYT và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên người dân, nhất là người nghèo rất lo lắng trước việc tăng viện phí này.

 

Lo lắng…

Đã chập tối nhưng cái nóng oi bức của những ngày giữa tháng 7 vẫn ngột ngạt, khu điều trị Bệnh viện Bạch Mai đông kín bệnh nhân, dọc hành lang, nhiều người tranh thủ trải tấm nylon để chuẩn bị cho bữa cơm chiều chớp nhoáng.

Cuối dãy hành lang, chị Minh ở Hạ Hòa, Phú Thọ đang vội chuẩn bị bữa cơm chiều đạm bạc cho người chồng đang phải chạy thận nhân tạo ở đây. Chị Minh vừa trệu trạo nhai, vừa nghèn nghẹn nói: “Khổ, đi viện xa nhà, cái gì cũng phải lo, cũng tốn kém. Chúng tôi phải bán cả gà, lợn, gom góp vay mượn được vài triệu lên đây chữa bệnh, vậy mà mới hơn một tuần đã gần hết, đấy là chồng tôi còn có thẻ BHYT. Viện phí thời gian tới mà tăng thêm vài lần nữa thì chắc khó bề chịu nổi”.

Không chỉ có vợ chồng chị Minh, hàng ngày tại các bệnh viện khác, có rất nhiều người nghèo, bệnh nhân đang phải “gồng mình” để lo chi trả chi phí chữa bệnh. Tại một số bệnh viện khác như K Trung ương, Việt Đức, Nội tiết… nhiều bệnh nhân cho biết, chi phí mỗi đợt khám chữa bệnh hiện nay ít ra cũng tốn cả triệu đồng. Nếu viện phí tăng thêm nữa sẽ kéo theo tiền thuốc men, dịch vụ, sinh hoạt ăn uống ở bệnh viện cũng tăng theo. Đó sẽ là gánh nặng rất lớn đối với người bệnh, nhất là người nghèo, nông dân, người làm công ăn lương…

Có vì chất lượng, vì người bệnh?

Chụp CT cho bệnh nhân tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Lý giải về việc phải tăng giá viện phí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Nghị định 95/CP quy định về chính sách viện phí được ban hành năm 1995 đến nay đã không còn phù hợp và nhiều điểm bất cập. Trong 15 năm qua, tiền lương cán bộ, công nhân viên chức đã nhiều lần tăng, mức thu nhập bình quân của người dân cũng đã tăng 5-6 lần, trong khi đó các quy định về giá khám chữa bệnh hầu như không thay đổi. Nếu một lần khám bệnh chỉ thu từ 3.000 - 5.000 đồng như theo quy định của Nghị định 95 không thể đủ nguồn thu cho bệnh viện hoạt động ổn định. Hơn nữa, việc thu viện phí như hiện nay mới chỉ thu một phần viện phí còn chưa tính tới vật tư tiêu hao, dịch truyền, máu… phục vụ trực tiếp việc chẩn đoán, điều trị. Cùng với đó, trong nhiều năm qua, các bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Do đó, việc điều chỉnh giá viện phí sắp tới sẽ thực hiện theo hướng tính đúng, tính đủ để duy trì, bảo đảm cho các bệnh viện hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, hàng năm kinh phí hoạt động y tế đều do ngân sách nhà nước cấp. Vậy thì việc thu viện phí liệu có liên quan gì đến việc “đảm bảo duy trì hoạt động của các bệnh viện”.

Riêng vấn đề tăng viện phí để tăng chất lượng khám chữa bệnh như đề án mà ngành y tế đưa ra thì dư luận chưa hoàn toàn đồng tình.

“Liệu tăng viện phí người bệnh có còn phải chịu nạn “phong bì” cho bác sĩ. Tăng viện phí người bệnh còn phải chịu cảnh nằm ra cả hành lang để chữa bệnh nữa không…?”, một cán bộ hưu trí bức xúc nói.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù theo quy định về mức thu viện phí, mỗi lần khám bệnh từ 3.000 - 5.000 đồng/người đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và 2, nhưng tại thực tế hầu hết bệnh viện tuyến trên, mức thu phí một lần khám chữa bệnh từ lâu đã lên tới vài chục ngàn đồng cho tới hàng triệu đồng đối với các dịch vụ điều trị khác. Vậy phải chăng đề xuất tăng giá viện phí của Bộ Y tế nhằm hợp thức hóa việc đã rồi, “xé rào” của nhiều bệnh viện.

Cần cân nhắc kỹ

Theo lý giải của Bộ Y tế, viện phí tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dân vì hiện cả nước 62% dân số đã có BHYT nên những người này sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế hỗ trợ khi khám chữa bệnh. Rõ ràng điều này hoàn toàn không thuyết phục. Bởi lẽ hiện nay, người tham gia BHYT, trừ một số đối tượng như: người có công, đối tượng chính sách… được BHYT hỗ trợ hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh, còn lại hầu hết đều phải cùng chi trả từ 5%-20% chi phí khám chữa bệnh.

Với mức giá viện phí chưa tăng như hiện nay, nhiều người bệnh, nhất là đối tượng cận nghèo, người làm công, nông dân, người mắc bệnh mãn tính, nan y… dù có thẻ BHYT nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn về chi phí khám chữa bệnh khi phải cùng chi trả. Thậm chí, nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa dù có thẻ BHYT nhưng cũng không dám đi chữa bệnh khi ốm đau, hoặc nếu có tới bệnh viện cũng tìm cách trốn viện vì không có tiền để cùng chi trả dù chỉ là vài phần trăm chi phí khám chữa bệnh. Do vậy, viện phí tăng đồng nghĩa với gánh nặng chi phí khám chữa bệnh “cùng chi trả” tăng thêm.

Cùng với đó, việc tăng viện phí cũng dễ kéo theo sự gia tăng của các chi phí sinh hoạt khác, nhất là những hoạt động liên quan tới khám chữa bệnh. Thiết nghĩ việc tăng giá viện phí cần phải rất cân nhắc để không tạo thêm gánh nặng cho người dân. Hơn nữa, hiện nay nhà nước đang nỗ lực bình ổn giá, kiềm giá một số mặt hàng thiết yếu, vậy việc tăng viện phí có phải đi ngược với chủ trương chung?

Theo dự thảo giá viện phí mới để thanh toán BHYT, giá khám bệnh ban đầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2, có giá 2.000 – 3.000 đồng/lượt tăng lên khoảng từ 20.000 – 30.000 đồng/lượt. Giá tiền giường bệnh tại phòng khám đa khoa từ 2.000 – 3.000 đồng/ngày tăng lên 25.000 – 40.000 đồng/ngày; giường bệnh bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt giá với các bệnh phải mổ từ 8.000 – 10.000 đồng/ngày tăng lên 70.000 – 100.000 đồng/ngày; các thủ thuật nội soi thanh quản, lấy dị vật từ 20.000 – 60.000 đồng tăng lên 300.000 – 350.000 đồng; giá phí làm sinh thiết tủy xương từ 10.000 – 30.000 đồng tăng lên 1,8 - 2 triệu đồng…

 

                                                                                   Theo SGGP

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục